THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:46

Nhiều tỉnh phát hiện sai sót, bất cập ở SGK tiếng Anh của NXB ĐHSP TP. HCM: Có nên sử dụng trong các trường?

 

Sau phản ánh SGK tiếng Anh của NXB ĐHSP TP. Hồ Chí Minh có nhiều “sạn”: Các tỉnh thành cẩn thận trọng khi lựa chọn - Ảnh 1.

 Năm học 2020 - 2021, SGK tiếng Anh 1 I-Learn Smart Start do NXB Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh xuất bản cho hàng chục tỉnh, thành phố trong cả nước lựa chọn để dạy và học tại một số Trường Tiểu học. Năm học 2021 - 2022 tới đây, SGK môn tiếng Anh I-Learn Smart Start các lớp 1, 2 và SGK tiếng Anh 6 I-Learn Smart World do NXB Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh xuất bản cũng đã được tỉnh Lào Cai phê duyệt và tỉnh Yên Bái tiếp tục lựa chọn đưa vào sử dụng.

Điều đáng nói, những cuốn SGK tiếng Anh nêu trên đều nằm trong danh mục phê duyệt của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhưng khi được lựa chọn và đưa vào sử dụng đều bị phát hiện có hàng loạt sai sót (lỗi chính tả, lỗi không tường minh, lỗi thiết kế, lỗi hình ảnh,…). Bên cạnh những lỗi được phát hiện và phản ánh từ giáo viên, phụ huynh thì cũng có nhiều lỗi được phát hiện trong quá trình thực hiện tuyển lựa SGK môn tiếng Anh từ chính Sở Giáo dục và Đào tạo.

Năm học 2020 - 2021, SGK tiếng Anh lớp 1 I-Learn Smart Start đã được tỉnh Yên Bái lựa chọn để dạy và học tại 22/184 Trường Tiểu học. Tuy nhiên, sau khi sử dụng được một thời gian thì cuốn SGK này đã bị phát hiện hàng loạt những sai sót. Thay vì thu hồi để chỉnh sửa, đính chính và đổi lại SGK cho học sinh thì Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái và đơn vị cung cấp sách là Công ty cổ phần giáo dục Đại Trường Phát lại tổ chức hội thảo về nội dung sách với những giáo viên đang giảng dạy môn tiếng Anh lớp 1 bằng sách này. Qua đó, những phần được cho là sai sót sẽ được trao đổi với các giáo viên, sau đó các giáo viên giảng dạy đến đoạn sai sót đó sẽ chỉnh sửa ngay trên lớp. Việc làm có tính chất tình thế, đại khái và chiếu lệ của các bên liên quan đã không giải quyết được triệt để được những sai sót trong cuốn SGK tiếng Anh 1 I-Learn Smart Start.

Sau phản ánh SGK tiếng Anh của NXB ĐHSP TP. Hồ Chí Minh có nhiều “sạn”: Các tỉnh thành cẩn thận trọng khi lựa chọn - Ảnh 2.

SGK tiếng Anh I-Learn Smart Start các lớp 1, 2 bị phản ánh có nhiều lỗi trong quá trình biên soạn, dễ gây hiểu nhầm đối với học sinh khi mới bước vào cấp tiểu học.


Năm học 2021 - 2022, SGK tiếng Anh 2 I-Learn Smart Start lại tiếp tục được Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái tham mưu cho UBND tỉnh Yên Bái lựa chọn. Đặc biệt, sự lựa chọn SGK môn tiếng Anh cho năm học 2021 - 2022 do NXB Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh xuất bản còn thêm cuốn SGK tiếng Anh 6 I-Learn Smart World.

Hai cuốn SGK này cũng đã được nhiều giáo viên và phụ huynh phản ánh về hàng loạt sai sót trong quá trình biên soạn, dễ gây nhầm lẫn. Trong đó, chính Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái cũng đã phát hiện ra những sai sót trong cuốn SGK tiếng Anh 2 I-Learn Smart Start. Trong văn bản đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo điều chỉnh một số lỗi chưa phù hợp, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái nêu ra sai sót tại phần E. Point and say của Unit 9, trang 63 có cụm từ "Countnumber" viết sai lỗi chính tả - viết liền nhau, thiếu dấu cách. Đề nghị chỉnh sửa: Viết lại thành "Count number". Tuy nhiên, do sơ suất nên Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái đã thể hiện từ "number" ở dạng số ít. Ngoài ra, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái cũng đề nghị thêm nghĩa "váy áo" đối với từ "Dress" của phần Word list, trang 71.

SGK tiếng Anh 6 I-Learn Smart World đã được tỉnh Lào Cai lựa chọn dùng cho năm học 2021-2022 cho khoảng 21/197 trường học. Mặc dù, cuốn SGK này cũng bị phản ánh có nhiều "sạn", nhưng Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai vẫn tham mưu để UBND tỉnh Lào Cai phê duyệt đưa vào sử dụng.

Sau phản ánh SGK tiếng Anh của NXB ĐHSP TP. Hồ Chí Minh có nhiều “sạn”: Các tỉnh thành cẩn thận trọng khi lựa chọn - Ảnh 3.

Phần Word list của SGK tiếng Anh 6 I-Learn Smart World bị phản ánh trình bày cẩu thả, khó nhìn.

Trong đó, nhiều sai sót đã được chính Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai phát hiện. Chẳng hạn như, trong mỗi đơn vị bài học còn 2-3 loại kiến thức ngữ pháp/cấu trúc khác nhau có thể quá nhiều so với học sinh (ví dụ: Unit 2 - Trang 15: Có 3 hiện tượng ngữ pháp: like/don't like, possessive pronoun; and/or), tuy nhiên mỗi bài có 7 tiết dạy nên có thể không quá nhiều; Phần Review nằm từ trang 86-105: Nên đặt sau mỗi đơn vị bài học để thuận tiện cho việc ôn tập liền mạch; Cỡ chữ trong bài không đều nhau, chữ to, chữ nhỏ, nhiều màu (có thể chữ hơi nhỏ và khó khăn với giáo viên có tuổi và học sinh/giáo viên bị cận thị, đặc biệt là phần đọc hiểu); Trang 37 có nhiều tên riêng bằng tiếng việt có dấu nên bỏ dấu theo nguyên tắc tiếng Anh ví dụ: Cường Nguyễn, Nhiên, Tết).

Với những sai sót trong các SGK môn tiếng Anh dành cho học sinh các lớp 1, 2 và lớp 6 do NXB Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh xuất bản nêu trên thì việc chỉnh sửa, đính chính cần phải được các bên liên quan thực hiện một cách nghiêm túc và triệt để. Nếu cần, có thể chọn những SGK khác thay thế cho tới khi những SGK nêu trên của NXB Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh được hoàn thiện nhất.

Câu hỏi đặt ra là, liệu những sai sót này có được các bên liên quan, đặc biệt là NXB Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tiếp thu và chỉnh sửa một cách nghiêm túc hay không?. Nếu khi đưa vào sử dụng tiếp tục bị phát hiện ra những sai sót thì việc đính chính, chỉnh sửa có được thực hiện triệt để không, hay sẽ lại lặp lại những gì như đã làm với những sai sót trong cuốn SGK tiếng Anh 1 I-Learn Smart Start đã được sử dụng tại một số Trường Tiểu học của tỉnh Yên Bái trong năm học 2020 - 2021?.

 Nhiều tỉnh chỉ ra sai sót

Quá trình thực hiện việc lựa chọn sách giáo khoa (SGK) tiếng Anh i-Learn Smart Start các lớp 1, 2 và i-Learn Smart World lớp 6 do Nhà xuất bản NXB Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh xuất bản, nhiều địa phương chỉ ra nhiều sai sót và bất cập cần được chỉnh sửa, thay thế, đính chính cho phù hợp với việc dạy và học. Tuy nhiên, vẫn có địa phương trong suốt quá trình lựa chọn lại không phát hiện bất cứ lỗi nào từ những bộ SGK tiếng Anh này.

Theo đó, tại một số địa phương, việc lựa chọn SGK môn tiếng Anh được cân nhắc, đánh giá một cách khá cụ thể và nghiêm túc. Các đóng góp, đề nghị chỉnh sửa về nội dung chuyên môn và hình thức được thực hiện bài bản.

Tại tỉnh Nam Định, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh này cho biết, việc lựa chọn SGK đã được thực hiện nghiêm túc theo Điều 8, Thông tư 25/2020/TT-BGDĐT ngày 28/6/2020 của Bộ GD&ĐT. Hiện tại, tất cả các hồ sơ về quy trình tổ chức lựa chọn sách giáo khoa đã được Sở GD&ĐT niêm phong và lưu trữ theo quy định.

Sau phản ánh SGK tiếng Anh của NXB ĐHSP TP. Hồ Chí Minh có nhiều “sạn”: Các tỉnh thành cẩn thận trọng khi lựa chọn - Ảnh 4.

Trong quá trình tổ chức nghiên cứu và lựa chọn, Sở GD&ĐT tỉnh Nam Định đã nhận được phản ánh của một số thành viên của Hội đồng lựa chọn SGK về một số nội dung trong sách tiếng Anh 1, 2, 6 của NXB Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh (trong Biên bản nhận xét và Biên bản họp Hội đồng có ghi nhận nội dung này). Tuy nhiên, Hội đồng lựa chọn sách xét thấy những nội dung chưa phù hợp này bản thân giáo viên có thể điều chỉnh được và Sở GD&ĐT cũng đã thông tin cho đại diện của NXB Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh để chỉnh sửa trước khi in sách chính thức…

Còn theo tổng hợp góp ý cho SGK tiếng Anh i-Learn Smart World lớp 6 của Sở GD&ĐT tỉnh Thái Bình cũng chỉ ra một số bất cập. Cụ thể, phần tóm tắt nội dung kiến thức và mục tiêu bài dạy chưa chi tiết; Các đề mục của bài không được đánh số thứ tự hoặc ghi phần chi tiết; Có ít nội dung, hình ảnh, hoạt động về đất nước, văn hóa và con người Việt Nam; Một số nội dung kiến thức khá cao so với đối tượng học sinh lớp 6 ở vùng đặc biệt khó khăn và học sinh ở vùng chưa được tiếp cận nhiều với tiếng Anh; Nội dung một số hoạt động trong sách chưa hướng dẫn và có ngữ cảnh cụ thể, rõ ràng, gây khó khăn cho giáo viên trong việc định hướng cách tiếp cận và học sinh trong việc tự học, tự nghiên cứu; Nội dung sách chưa tích hợp được nội dung kiến thức giáo dục giới tính, phòng chống xâm hại trẻ em, bạo lực học đường; Sách đi kèm các phần mềm, ứng dụng phục vụ giảng dạy chưa phù hợp với nhiều trường chưa được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy bộ môn ngoại ngữ như máy chiếu, máy tính…

Tuy nhiên, theo Sở GD&ĐT tỉnh Phú Thọ, việc lựa chọn SGK cho học sinh nói chung và SGK môn tiếng Anh nói riêng được thực hiện theo Thông tư 25/2020/TT-BGDĐT. Cho đến nay, trong suốt quá trình thực hiện việc lựa chọn SGK môn tiếng Anh, Sở chưa nhận được bất cứ phản ánh nào của giáo viên/thành viên hội đồng lựa chọn sách về cuốn sách này…

Như vậy, điều đó đồng nghĩa với việc, hàng loạt những sai sót đã được các địa phương khác phát hiện trong quá trình lựa chọn SGK nêu trên, thì tại Phú Thọ lại không phát hiện bất cứ lỗi nào? Ở đây, chúng ta không đòi hỏi các thành viên hội đồng lựa chọn sách nhất thiết phải phát hiện ra lỗi gì đó ở những cuốn SGK khi được lựa chọn. Nhưng liệu có điều gì bất thường, so với sự phát hiện ít nhất từ vài ba lỗi cho đến cả gần chục lỗi như các địa phương khác đã nêu ra hay do năng lực của giáo viên tại địa phương này còn hạn chế…?. Phải chăng, những cuốn SGK tiếng Anh nêu trên do NXB Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh xuất bản đã rất "hoàn hảo", cho nên không có bất cứ lỗi gì trong cuốn SGK này được phát hiện ở Phú Thọ?.

Thêm vào đó, việc tỉnh Phú Thọ chỉ lựa chọn duy nhất bộ SGK tiếng Anh i-Learn Smart Start các lớp 1, 2 và i-Learn Smart World lớp 6 do Nhà xuất bản NXB Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh xuất bản liệu có đảm bảo phù hợp đặc điểm của mỗi nhà trường, vùng miền trên địa bàn tỉnh không?.

Bên cạnh những lỗi được phát hiện và phản ánh từ giáo viên, phụ huynh, Sở GD&ĐT một số địa phương,… có ý kiến cho rằng, quy trình lựa chọn SGK cũng bộc lộ một số bất cập cần khắc phục.

Sau phản ánh SGK tiếng Anh của NXB ĐHSP TP. Hồ Chí Minh có nhiều “sạn”: Các tỉnh thành cẩn thận trọng khi lựa chọn - Ảnh 5.

 Theo chị N.T.T.Đ., so với SGK lớp 1, điểm mới trong quy trình thẩm định, lựa chọn SGK lớp 2, lớp 6 của các địa phương cho năm học 2021 - 2022 áp dụng theo quy định mới, Bộ GD&ĐT yêu cầu mỗi giáo viên (GV) phải có bản nhận xét về các SGK của môn học thuộc chuyên môn phụ trách. Mục đích của việc làm này, theo lãnh đạo Bộ, ngoài đánh giá ưu điểm, nhược điểm, nếu GV phát hiện sách có nội dung chưa phù hợp thì báo ngay tổ trưởng chuyên môn, hiệu trưởng; lãnh đạo trường phải báo ngay với phòng GD&ĐT, Sở GD&ĐT để kịp thời báo cáo về Bộ GD&ĐT điều chỉnh trước khi năm học bắt đầu.

Tuy nhiên, GV chỉ nhận xét, đề xuất, sau nhiều công đoạn, cuối cùng việc quyết định chọn sách nào thuộc về UBND cấp tỉnh.

Trên cơ sở danh mục SGK do các cơ sở giáo dục phổ thông đề xuất, hội đồng lựa chọn SGK cấp tỉnh tổ chức họp, thảo luận, đánh giá mỗi SGK theo các tiêu chí được UBND tỉnh ban hành, bỏ phiếu và lựa chọn được sách cho mỗi môn học. Mỗi bộ môn sẽ có một hội đồng riêng, thành viên hội đồng lựa chọn cấp tỉnh được yêu cầu là những người có năng lực, kinh nghiệm dạy học và quản lý. Trong đó, 2/3 là tổ trưởng tổ chuyên môn, GV trực tiếp đứng lớp và có đại diện cho từng địa bàn có điều kiện kinh tế, xã hội khác nhau. Kết quả lựa chọn của các hội đồng được chuyển giao cho Sở GD&ĐT để trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.

Sau phản ánh SGK tiếng Anh của NXB ĐHSP TP. Hồ Chí Minh có nhiều “sạn”: Các tỉnh thành cẩn thận trọng khi lựa chọn - Ảnh 6.

Quan điểm của độc giả sau phản ánh SGK tiếng Anh i-Learn Smart Start lớp 1 và lớp 2 có sai sót.


 Sách được lựa chọn phải đạt trên 1/2 số phiếu đồng ý lựa chọn. Trường hợp môn học không có sách nào đạt trên 1/2 số phiếu đồng ý lựa chọn, hội đồng thảo luận và bỏ phiếu lựa chọn lại cho đến khi có ít nhất 01 SGK cho mỗi môn học đạt trên 1/2 số phiếu đồng ý lựa chọn.

Vấn đề chị Đ., đặt ra ở đây là, các bộ SGK đều đã được thẩm định bởi Hội đồng thẩm định quốc gia. Như vậy, về bản chất các bộ sách đều đảm bảo chương trình theo quy định của Bộ GD&DT. Vậy, tại sao cần phải có hội đồng chuyên môn cấp tỉnh lựa chọn lại khi các nhà trường đã có sự lựa chọn rồi?. Tại sao UBND lại đưa ra Quyết định lựa chọn 1 hoặc 1 vài bộ sách trong khi các bộ sách đều đã được Hội đồng thẩm định quốc gia thông qua?.

Kết quả lựa chọn sách của các nhà trường có ý nghĩa gì nếu kết quả bỏ phiếu lựa chọn SGK của hội đồng chuyên môn cấp tỉnh lựa chọn SGK không đồng nhất với đề xuất của GV, các cơ sở giáo dục phổ thông?.

Liệu có là công bằng cho các đơn vị phát hành sách không khi mà sách đã được thẩm định là sách giáo khoa và đáng ra các nhà trường đã lựa chọn rồi nhưng Hội đồng chuyên môn tỉnh lại không lựa chọn?.

Rất lòng vòng khi các trường đã có sự lựa chọn SGK phù hợp với nguyện vọng của GV, phụ huynh học sinh nhưng Hội đồng chuyên môn cấp tỉnh không lựa chọn thì nhà trường sẽ phải lựa chọn lại.

Tại một số địa phương như Phú Thọ, Yên Bái,… chỉ chọn được 01 bộ SGK tiếng Anh. Điều này vô hình trung đã làm mất đi ý nghĩa của việc lựa chọn SGK phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương, điều kiện về cơ sở vật chất, năng lực đội ngũ cán bộ, giáo viên và nhất là nhận thức của học sinh từng nhà trường.


TRUNG NGỌC

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh