THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 11:14

Nhiều thách thức khi dân số đang già hóa

 

Hệ thống chăm sóc NCT còn rất thiếu

Theo Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNFPA), Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn “già hóa dân số” từ năm 2011 và là một trong các quốc gia có tốc già hóa dân số nhanh trên thế giới. Năm 2014, số NCT tăng 10,5% trong tổng dân số và dự đoán sẽ tăng gấp đôi là 23% vào năm 2040 và 26% vào năm 2050.

Bên cạnh đó, đời sống vật chất của một bộ phận NCT còn gặp rất nhiều khó khăn. Chỉ có 35,6% NCT  ở thành phố và 21,9% ở nông thôn có lương hưu hoặc trợ cấp từ nhà nước, có 70-80% NCT  phải tự kiếm sống hoặc nhờ vào sự nuôi dưỡng và chăm sóc của con cái. Mặt khác, NCT Việt Nam sống già nhưng không khỏe, bình quân một người cao tuổi có 2 đến 3 bệnh mãn tính. Theo kết quả Điều tra quốc gia về NCT Việt Nam, chỉ có 4,8% NCT có sức khỏe tốt, 26,1% NCT không có bất cứ loại bảo hiểm y tế nào, trên 51% không đủ tiền chi trả cho việc điều trị, dẫn đến không điều trị. Hệ thống dịch vụ chăm sóc NCT còn rất thiếu trong khi nhu cầu điều trị ngày càng tăng; cơ cấu tổ chức và năng lực chăm sóc NCT chưa đáp ứng yêu cầu; chưa có chính sách tốt trong khám và chăm sóc NCT tại nhà...

Ảnh minh họa  (Nguồn ảnh: Internet).

Kết quả khảo sát gần đây về thái độ và kỳ vọng vào tương lai hưu trí do UNFPA công bố cho thấy: Người lao động Việt Nam rất quan tâm đến việc làm gì để đối phó với an sinh hưu trí tương lai. Có tới 95% số người được hỏi bày tỏ nỗi lo lắng sẽ chịu cảnh nghèo, không đủ tiền sinh sống khi về hưu.

Đảm bảo thực thi đầy đủ quyền của NCT

Già hóa mang đến những cơ hội cũng như thách thức lớn, đòi hỏi các phương thức tiếp cận mới về y tế, việc làm, tuổi nghỉ hưu và lương hưu, môi trường xã hội và hòa đồng giữa các thế hệ. Số NCT đang ngày càng gia tăng cũng đi kèm với những thách thức trong việc xây dựng  các kế hoạch về chăm sóc sức khỏe và an sinh xã hội cho NCT.

Thạc sỹ Lê Minh Quang, Văn phòng Ủy ban Quốc gia về NCT Việt Nam đề nghị ngành y tế tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu (phòng bệnh) cho NCT có tính đến sự khác biệt giới; nâng cao tỷ lệ NCT có thẻ bảo hiểm y tế, đa dạng hóa các hình thức bảo hiểm bao gồm bảo hiểm chăm sóc lâu dài. Đồng thời, tăng cường năng lực quốc gia về chăm sóc sức khỏe cho NCT cả nam và nữ (bao gồm chăm sóc tại bệnh viện, nhà dưỡng lão, chăm sóc tại nhà và cộng đồng); phát triển hệ thống chăm sóc lâu dài; thúc đẩy mạng lưới công tác xã hội.

Nhấn mạnh tỷ lệ người cao tuổi sẽ còn tăng nhanh trong thời gian tới, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Văn Liệu cũng cho rằng, các chính sách phát triển kinh tế- xã hội, đặc biệt là chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cần được xây dựng, sửa đổi cho phù hợp với xu hướng dân số ngày càng già đi để đảm bảo rằng người già không bị lãng quên và khuyến khích sự đóng góp của  NCT cho xã hội, cộng đồng.

Ông Lê Bạch Dương, Trưởng nhóm Dân số và Phát triển (UNFPA tại Việt Nam) cho rằng, cần có các chương trình, chính sách toàn diện đảm bảo an sinh và phúc lợi cho NCT; khuyến khích mở rộng độ bao phủ của an sinh xã hội, hưu trí và việc làm tới NCT; họ cần được bảo đảm được tiếp cận tới các dịch vụ cơ bản của đời sống xã hội bao gồm giáo dục, y tế, chăm sóc, môi trường sống; xây dựng hệ thống chăm sóc dài hạn, đảm bảo nhu cầu chăm sóc sức khỏe và giảm chi phí bệnh tật hướng tới già hóa thành công và khỏe mạnh... Một số ý kiến cho rằng cần tiếp tục tăng cường giám sát thực hiện pháp luật về NCT, đặc biệt là quy định chăm sóc sức khỏe, miễn giảm một số loại phí cho NCT, sửa Luật Người cao tuổi để điều chỉnh đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội (đối tượng thu nhập thấp, hạ độ tuổi hưởng trợ cấp xã hội).

NGUYỆT HÀ/Lao động và xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh