THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:08

Nhiều rào cản trong kinh doanh đầu vào trung gian ngành nông nghiệp

 

Tại hội thảo "Các rào cản trong kinh doanh đầu vào trung gian nông nghiệp" do Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn tổ chức sáng 12/1, các chuyên gia kinh tế cho rằng, bức tranh đầu tư vào nông nghiệp hiện có nhiều điểm khó, nhất là các rào cản chính sách và nguồn vốn.

Quang cảnh Hội thảo

 

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho rằng, hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp đó là làm sao giảm được giá đầu vào để sản phẩm nông nghiệp tăng sức cạnh tranh. Nhưng việc giảm giá cũng phải đảm bảo sản phẩm đầu vào đạt chất lượng.

Đây được coi là hai mặt của 1 vấn đề, điều này cần sự quản lý “khéo léo” của nhà nước để vừa đảm bảo chất lượng đầu vào vừa giảm giá thành sản phẩm nông nghiệp.

Lý giải tại sao việc đầu tư vào nông nghiệp vẫn còn hạn chế, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (VCCI) chỉ ra, các nước trên thế giới rất ưu tiên trong bảo hộ quyền tài sản, quyền hợp đồng một cách toàn vẹn và lâu dài. Các biện pháp như ưu đãi, hỗ trợ, định hướng thị trường chỉ là bước thứ hai, sau khi đảm bảo quyền tài sản và quyền hợp đồng.

Nhưng ở Việt Nam, quá chú trọng vào các biện pháp ưu đãi, hỗ trợ, định hướng thị trường, thậm chí làm thay thị trường. Vấn đề quyền tài sản và quyền hợp đồng lại chưa được đảm bảo.

Theo kết quả khảo sát nhận diện doanh nghiệp nông nghiệp qua điều tra của PCI trong 685 doanh nghiệp tham gia điều tra có 52% doanh nghiệp cho rằng đầu tư vào nông nghiệp lãi ít, 13% doanh nghiệp có rằng hòa vốn. Như vậy ước tính, tổng có 65% doanh nghiệp đầu tư lãi ít và hòa vốn, tức khoảng 445 doanh nghiệp.

Chỉ có 9% doanh nghiệp đạt được kỳ vọng trong đầu tư lĩnh vực này, tức khoảng 61 doanh nghiệp trong khi 4% doanh nghiệp thua lỗ (khoảng 27 doanh nghiệp).

Ông Đậu Anh Tuấn phân tích đầu tư vào nông nghiệp là đầu tư dài hạn trong khi doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn với các khoản vay có thời hạn ngắn, lãi suất biến động.

Đánh giá về những rào cản trong khảo nghiệm, công nhận giống cây trồng mới, bà Trần Thị Thanh Nhàn, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho biết, qua nghiên cứu điều tra cho thấy quy trình cấp phép còn phức tạp (phải được công nhận 2 lần, 4 hội đồng thẩm định, khảo nghiệm giá trị canh tác…) nên phải mất 3,5-5 năm cho cây ngắn ngày và 5-6 năm cho cây dài ngày, dài hơn 2-4 năm so với các nước trong khu vực.

Bên cạnh đó, quy định cũng yêu cầu phải có xác nhận của cơ quan địa phương. Điều này sẽ phát sinh thêm chi phí doanh nghiệp, tạo cơ chế xin-cho, đồng thời cũng gây khó cho địa phương quản lý. Hay việc quy định về diện tích sản xuất thử cũng không hợp lý, gây tốn kém cho doanh nghiệp, bà Trần Thị Thanh Nhàn chỉ ra.

Về vấn đề trên, GS.TS Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam kiến nghị, trong khảo nghiệm giống, không cần qua bước công nhận sản xuất thử; việc khảo nghiệm giá trị canh tác và tính khác biệt có thể tiến hành đồng thời; chỉ công nhận giống quốc gia với một số cây trồng chủ lực. Ông cũng kiến nghị Nhà nước nên bảo hộ các loại giống bản địa của Việt Nam như giống sâm ngọc linh để đảm bảo giá trị.

Bên cạnh đó, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, hiện nay quy định về thời gian sử dụng đất, thu hồi đất nông nghiệp đang làm tăng rủi ro cho nhà đầu tư và giảm động lực đầu tư dài hạn nên cần sớm kéo dài thời hạn sử dụng đất, hạn chế các trường hợp thu hồi đất nông nghiệp như hạn chế theo chất lượng thổ nhưỡng, vị trí gần sông ngòi, hoặc trao thẩm quyền cho Tòa án ra quyết định thu hồi đất.

THANH NHUNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh