THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:52

Bổ sung đối tượng miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp

 

Các đại biểu QH biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020.


Thúc đẩy kinh tế nông nghiệp

Thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp, phần lớn đại biểu QH tán thành bổ sung đối tượng miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp như Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, có ý kiến không tán thành việc miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân. Bởi việc thu thuế sử dụng đất nông nghiệp không nhằm mục đích tăng thu ngân sách nhà nước mà để tăng cường công tác quản lý đất đai, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc sử dụng đất. Đồng thời, để tạo động lực cho các hộ, cá nhân trong việc sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai được nhà nước giao, tránh tình trạng bỏ hoang, không sản xuất, không nên miễn toàn bộ thuế sử dụng đất nông nghiệp cho tất cả các hộ gia đình, cá nhân như Tờ trình của Chính phủ, mà chỉ miễn đối với những người trực tiếp sử dụng đất để sản xuất. Đối với những người có đất nhưng không sản xuất, sử dụng không đúng mục đích thì thậm chí có thể “đánh” thuế cao hơn hoặc Nhà nước thu hồi đất.

Nhiều ý kiến cơ bản đồng tình với đề nghị của Chính phủ về thời hạn miễn thuế cho các đối tượng được bổ sung đến hết ngày 31/12/2020, nhằm tạo căn cứ pháp lý ổn định, thể hiện chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước về nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Có ý kiến đề nghị kéo dài thời hạn miễn thuế đất nông nghiệp đến năm 2030 và Chính phủ cần tổng kết, đánh giá việc thực hiện chính sách về thuế sử dụng đất nông nghiệp sau khi kết thúc thời hạn miễn, giảm thuế để nghiên cứu, sửa đổi phù hợp và ban hành chính sách chung về thuế đối với đất đai, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đã tham gia giải trình ý kiến của đại biểu QH về dự thảo Nghị quyết nêu trên.

Tại phiên làm việc chiều qua, QH đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, với 407 đại biểu tán thành, bằng 82,39% tổng số đại biểu QH.

Để thực hiện mục tiêu nêu trên, Nghị quyết nêu năm nhiệm vụ trọng tâm cơ cấu lại nền kinh tế, là: Tập trung hoàn thành cơ cấu lại đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tín dụng; Cơ cấu lại ngân sách nhà nước, khu vực công; Phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân trong nước và thu hút hợp lý đầu tư trực tiếp nước ngoài; Hiện đại hóa công tác quy hoạch, cơ cấu ngành và vùng kinh tế theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, gắn với đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế; Hình thành đồng bộ và phát triển các loại thị trường, gồm thị trường tài chính, thị trường quyền sử dụng đất, thị trường lao động và thị trường khoa học công nghệ.

Chiều qua, QH đã nghe Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư trình bày Tờ trình dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ và Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH trình bày Báo cáo thẩm tra dự án luật này. Tạo động lực mạnh mẽ trong ngành du lịch

Sáng qua, các đại biểu QH thảo luận tại tổ về hai dự án: Luật Du lịch (sửa đổi) và Luật Thủy lợi.

Đề cập các nội dung chính nêu trong

Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của cơ quan của QH về dự án Luật Du lịch (sửa đổi), nhiều ý kiến đại biểu cơ bản tán thành sự cần thiết sửa đổi luật nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay. Đại biểu Phạm Phú Quốc (TP Hồ Chí Minh) và một số đại biểu cho rằng, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, có tính dự báo hướng tới 10 đến 20 năm tới cho nên luật phải có đánh giá tác động hướng tới dự báo sẽ phát triển ngành du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của nước ta. Cần cập nhật các quan điểm, mục tiêu, giải pháp chiến lược phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030. Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (TP Hồ Chí Minh) đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu kỹ hơn, xây dựng hành lang pháp lý thông thoáng, cơ chế đặc thù, tạo động lực, môi trường thuận lợi thúc đẩy du lịch phát triển nhưng vẫn phải bảo đảm chặt chẽ để giúp ngành này phát triển nhanh hơn.

Nhiều đại biểu cho ý kiến về điều kiện kinh doanh lữ hành (KDLH) quy định tại Điều 32 dự thảo luật. Hoạt động KDLH là một dạng kinh doanh có điều kiện, phải được cấp phép, vì liên quan đến con người, ngoại giao, an ninh quốc gia nhưng những quy định trong dự thảo còn khá mở và đơn giản. Người hoạt động KDLH phải am hiểu về hoạt động lữ hành, tính chất hoạt động du lịch và phải có kiến thức pháp luật, kiến thức xử lý các tình huống có liên quan, phải được đào tạo. Các điều kiện KDLH phải chặt chẽ hơn, bảo đảm điều kiện chất lượng tour và đội ngũ nhân viên.

Chung quanh những quy định về doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài KDLH, nhiều ý kiến đồng tình với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH. Theo đó, quy định về doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không được phép KDLH đối với khách du lịch là công dân Việt Nam, người nước ngoài cư trú ở Việt Nam đi du lịch sẽ tạo sự bất bình đẳng giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài. Hơn nữa, không phù hợp với chính sách về đầu tư kinh doanh được quy định trong Luật Đầu tư, không phù hợp với xu hướng hợp tác quốc tế.

Qua thảo luận, nhiều đại biểu QH đề nghị Ban soạn thảo bổ sung điều kiện về cơ sở vật chất và nguồn nhân lực, trong đó cần có những quy định chặt chẽ hơn về hướng dẫn viên du lịch. Thời gian qua có tình trạng người nước ngoài sang du lịch Việt Nam, sau đó ở lại hành nghề hướng dẫn viên du lịch và chúng ta không kiểm soát được những thông tin họ trao đổi với du khách. Đại biểu Nguyễn Văn Chiến (TP Hà Nội) phản ánh hoạt động kinh doanh du lịch gần đây có nhiều vi phạm nghiêm trọng, có hiện tượng người nước ngoài trực tiếp tham gia kinh doanh lữ hành, hướng dẫn khách trái quy định, xuyên tạc văn hóa, lịch sử Việt Nam, ảnh hưởng chất lượng, hiệu quả hoạt động du lịch Việt Nam. Vì thế, rất cần có những tiêu chí, điều kiện về nguồn nhân lực được nêu cụ thể trong sửa đổi luật lần này.

Thảo luận tại tổ về dự án Luật Thủy lợi, các đại biểu cho rằng, quy hoạch thủy lợi phải gắn với đề án tái cơ cấu nông nghiệp, chú ý đặc điểm các vùng miền, khuyến khích xã hội hóa đầu tư các công trình thủy lợi, tạo điều kiện cho người sản xuất nông nghiệp được hưởng lợi nhiều hơn...

Đề cập quy định Nhà nước có chính sách trong hoạt động thủy lợi, trong đó ưu tiên đầu tư các công trình có quy mô lớn, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, hải đảo, một số đại biểu cho rằng cần bổ sung chính sách ưu tiên đối với các công trình trọng điểm và công trình kinh tế trọng điểm. Hơn nữa, quy định Nhà nước cần có chính sách đối với các công trình thủy điện, thủy lợi tham gia phòng, chống hạn hán. Một số đại biểu nêu dự án luật cần quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do các tổ chức, cá nhân trong quá trình xử lý khai thác công trình thủy lợi gây ra. Phải quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho từng chủ thể và mức bồi thường cụ thể đối với những trường hợp gây thiệt hại...

 

Tôi tán thành việc miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân, kể cả phần vượt hạn mức sử dụng đất. Điều này sẽ tạo ra sự đồng thuận trong nhân dân, tạo động lực mạnh mẽ để thực hiện chính sách “tam nông” của Đảng và Nhà nước.

Đại biểu Hoàng Thanh Tùng (Sóc Trăng)

Còn nhiều vấn đề liên quan đến lữ hành mà chưa xử lý được một cách rốt ráo, hiệu quả, như người nước ngoài núp bóng người Việt Nam để hoạt động du lịch tại Việt Nam, hay tình trạng nhái các thương hiệu đang diễn ra. Quy định về điều kiện kinh doanh lữ hành phải chặt chẽ hơn, để các hoạt động này được kiểm soát.

Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (TP Hồ Chí Minh)

Về mặt kỹ thuật, hoàn toàn có thể biết được lượng nước trong hồ là bao nhiêu, khi xả ra biết được quy mô tác động thế nào. Chính phủ phải quy định rõ việc vận hành đập an toàn, quy định không rõ sẽ không ai có trách nhiệm và không có cách nào để đánh giá...

Đại biểu Hồ Thanh Bình (An Giang)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh