Nhiều người dân thoát nghèo nhờ vốn chính sách
- Dược liệu
- 01:43 - 18/09/2019
Từ nguồn vốn vay tín dụng chính sách xã hội đã giúp các hộ nghèo đầu tư phát triển sản xuất, xóa đói nghèo bền vững. Để phát huy hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách đối việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, an sinh xã hội trên địa bàn, tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo các sở, ngành có liên quan và Ngân hàng Chính sách xã hội Yên Bái phối hợp chặt chẽ lồng ghép hoạt động tín dụng chính sách với chương trình, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm trên địa bàn.
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo; đào tạo nghề, tạo việc làm cho người lao động.
Ông Trần Quang Sơn - Phó Giám Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cho biết: Trong giai đoạn 2014 - 2019, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội đã thực hiện cho vay được 129.176 lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách với doanh số 3.850 tỷ đồng. Nguồn vốn đó đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Thực tế cho thấy, 5 năm qua đã có trên 41.000 hộ nghèo nhờ đồng vốn vay đã vượt qua ngưỡng nghèo. Bên cạnh đó, còn có trên 1.595 học sinh, sinh viên được vay vốn đi học, trên 5.446 lao động được vay vốn từ Quỹ quốc gia Giải quyết việc làm.
Từ nguồn vốn chính sách đã xây được trên 53.000 công trình nước sạch vệ sinh môi trường ở nông thôn và làm mới 2.404 nhà ở cho hộ nghèo và đối tượng chính sách. Cùng với đó, Ngân hàng Chính sách xã hội đã cho 21.968 lượt hộ sản xuất kinh doanh ở các xã thuộc vùng khó khăn được vay vốn để thực hiện phương án kinh doanh, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Tính đến 30/6/2019 trên địa bàn tỉnh đang triển khai 14 chương trình tín dụng chính sách, 84.000 hộ đang vay vốn với tổng dư nợ 2.994 tỷ đồng, trong đó, riêng dư nợ chương trình cho vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo chiếm trên 60% tổng dư nợ. Tỷ trọng vốn đầu tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế hộ gia đình chiếm 86,5%, vốn đầu tư vào các chương trình an sinh xã hội chiếm 13,5%.
Từ nguồn vốn ưu đãi, các khách hàng vay vốn đã đầu tư chăm sóc, cải tạo, trồng mới 53.094 ha rừng, 3.226 ha chè, 408 ha cây ăn quả; mua 49.909 con trâu, bò; 40.68 con lợn; 66.322 con giống gia súc, gia cầm khác; mở rộng hàng chục ngàn mét vuông nhà xưởng sản xuất, đầu tư phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ… Đặc biệt, doanh số cho vay vốn tín dụng chính sách trên địa bàn các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới 1.095,9 tỷ đồng, doanh số cho vay vốn tín dụng chính sách đối với 2 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a 524,9 tỷ đồng.
Việc vay vốn tín dụng chính sách với thủ tục đơn giản, không phải thế chấp, lãi suất ưu đãi, nhận tiền vay, trả gốc và lãi tại Điểm giao dịch xã. Điều này đã giúp người dân từng bước tiếp cận các chương trình tín dụng chính sách, trực tiếp hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, tín dụng đen, giảm chi phí cho các đối tượng vay vốn; góp phần làm chuyển biến nhận thức của hộ nghèo, giúp các đối tượng thay đổi tập quán sản xuất, xóa bỏ tự ti, mặc cảm, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Qua thực tế có thể khẳng định, nguồn vốn tín dụng chính sách đã thực sự giúp hộ nghèo, hộ chính sách nâng cao thu nhập, bảo đảm đời sống và từng bước thoát nghèo, góp phần thực hiện tăng trưởng kinh tế, ổn định giá cả, kiềm chế lạm phát, giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh mỗi năm từ 3 - 4%; mức sống bình quân của hộ nghèo cũng đã được nâng lên rõ rệt.
Trong 3 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tỉnh Yên Bái đã ban hành 35 đề án, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, giai đoạn 2016 - 2018. Trong 3 năm từ 2016 - 2018 đã huy động, lồng ghép trên 8.630 tỷ đồng để thực hiện công tác giảm nghèo; hỗ trợ sửa chữa, làm mới 2.359 nhà ở cho các hộ gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo. Bình quân trong 3 năm, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 5,18%/năm; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh hiện còn 17,68%.