THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 12:04

Quảng Trị: Đặt mục tiêu năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 1,5 - 2%

Theo số liệu thống kê, tỷ lệ hộ nghèo đầu năm 2019 của toàn tỉnh Quảng Trị là 9,68% (16.723 hộ nghèo); tỷ lệ hộ cận nghèo là 6,55% (11.316 hộ cận nghèo). Tỉnh Quảng Trị đặt mục tiêu, năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo của toàn tỉnh giảm 1,5 - 2% (tương ứng giảm trên 2.400 hộ nghèo); đối huyện nghèo Đakrông và xã nghèo giảm trên 4%.

Quảng Trị: Đặt mục tiêu năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo của toàn tỉnh giảm 1,5-2% - Ảnh 1.

Cây cà phê góp phần xóa đói giảm nghèo cho nhiều gia đình ở huyện miền núi tỉnh Quảng Trị.

Để đạt mục tiêu trên, tỉnh Quảng Trị đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Trong 6 tháng đầu năm 2019, Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Quảng Trị đã phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác chuyển tải nguồn vốn ưu đãi đến đối tượng thụ hưởng. Theo đó, 14.691 lượt hộ đã được vay vốn, đạt 68,46% kế hoạch năm; tổng số kinh phí giải ngân 522,053 tỷ đồng, nâng tổng số dư nợ toàn tỉnh trên 2.560,13 tỷ đồng.

Cơ quan Bảo hiểm xã hội đã cấp 154.518 thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, người cận nghèo, người dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn và người dân ở vùng đặc biệt khó khăn, với tổng kinh phí thực hiện trên 61,61 tỷ đồng. Bên cạnh đó, thực hiện Quy chế khám chữa bệnh cho người nghèo tỉnh, trong 6 tháng đầu năm, Quỹ Khám chữa bệnh cho người nghèo của tỉnh đã hỗ trợ 11.753 lượt người nghèo khám chữa bệnh với tổng kinh phí trên 6 tỷ đồng. Qua hoạt động cấp thẻ bảo hiểm y tế, hỗ trợ khám chữa bệnh cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng đặc biệt khó khăn, người thuộc diện hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng của tỉnh có điều kiện tiếp dịch vụ y tế tốt hơn, góp phần giản bớt khó khăn cho bản thân và gia đình.

6 tháng đầu năm cũng đã thực hiện miễn, giảm học phí cho 12.462 lượt học sinh thuộc hộ nghèo; hỗ trợ chi phí học tập cho 24.560 lượt học sinh thuộc hộ nghèo; tổng kinh phí miễn giảm và hỗ trợ chi phí học tập là 13,58 tỷ đồng. Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành 4 Quyết định phân bổ gạo hỗ trợ cho học sinh ở xã, thôn đặc biệt khó khăn, hỗ trợ tiền ăn, tiền nhà ở theo Nghị định 116/2016NĐ-CP, cấp học bổng cho học sinh và hỗ trợ kinh phí đóng bảo hiểm y tế cho học sinh sinh viên năm học 2019... với tổng kinh phí trên 24,41 tỷ đồng và trên 530,6 tấn gạo. Bên cạnh đó, các trường học ở địa phương đã có nhiều hình thức giúp đỡ, động viên các học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tổ chức tuyển sinh, đào tạo nghề cho 6.641 lao động nông thôn, trong đó: Đào tạo nghề trình độ cao đẳng: 76 người; trung cấp: 158 người; sơ cấp và đào tạo thường xuyên: 6.407 người. Người thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo được đào tạo nghề là 65 người, tổng kinh phí hỗ trợ trên 162,5 triệu đồng.

Ủy ban nhân dân tỉnh đã phân bổ trên 7,18 tỷ đồng để hỗ trợ tiền điện Quý I, II và III cho hộ nghèo, hộ chính sách xã hội; theo đó, các địa phương cấp tiền điện Quý I và Quý II các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội với tổng kinh phí thực hiện trên 4,78 tỷ đồng. Qua đó, hỗ trợ nhu cầu sử dụng điện chiếu sáng cho hộ nghèo, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh; trong 6 tháng đầu năm đã thực hiện hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo với số tiền trên 4,5 tỷ đồng.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức Hội, Đoàn thể đã vận động, hỗ trợ 70 nhà ở cho hộ nghèo với tổng kinh phí thực hiện trên 2,9 tỷ đồng.

Ông Bùi Văn Thảng, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Trị cho biết, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác giảm nghèo tại địa phương đang gặp một số khó khăn, hạn chế. Đến nay, toàn tỉnh có 244 hộ nghèo thuộc diện chính sách ưu đãi người có công, chiếm tỷ lệ 1,46% so với tổng số hộ nghèo; 3.440 hộ nghèo thuộc hộ chính sách bảo trợ xã hội, chiếm tỷ lệ 20,57%. Đây chủ yếu là hộ người cao tuổi, đơn thân, khuyết tật không có khả năng lao động, vì vậy rất khó để thoát nghèo. Số hộ nghèo dân tộc thiểu số là 9.634, chiếm 57,61% trong tổng số hộ nghèo (tăng 2,97% so với năm 2018) và chiếm 51,5% so với hộ đồng bào dân tộc thiểu số (giảm 7,62% so với năm 2018). Đa số đồng bào dân tộc thiểu số có trình độ thấp hơn so với đồng bào Kinh; điều kiện môi trường, vệ sinh không đảm bảo dễ phát sinh bệnh tật; cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống giao thông chưa đảm bảo làm ảnh hưởng đến việc lưu thông hàng hóa. Còn một bộ phận người nghèo có tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào các chính sách hỗ trợ của nhà nước, không muốn thoát nghèo để được hưởng các chế độ, chính sách của nhà nước; một số hộ còn ngại vay vốn sản xuất, kinh doanh để cải thiện điều kiện sống.

Mặc dù rà soát xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo có quy định ước tính, thu nhập của hộ qua quy đổi điểm tài sản trong hộ gia đình, tuy nhiên do tính cào bằng chung của các loại tài sản mà chưa tính đến giá trị thực tế của tài sản trong hộ gia đình nên nhiều hộ có hoàn cản khó khăn nhưng không đủ điều kiện để công nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát thực hiện các chính sách, dự án giảm nghèo ở một số ngành, địa phương còn thiếu thường xuyên dẫn đến việc chỉ đạo, theo dõi thực hiện công tác giảm nghèo cũng gặp không ít khó khăn.

ĐỨC THỌ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh