THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 06:27

Nhiều mô hình mới cho người nghèo ở Bạc Liêu

 

Cái khó ló cái khôn!

 Nghề nuôi tôm, nuôi cá tra một thời rất được người dân ở Bạc Liêu đầu tư sản xuất. Thực tế cũng đã có nhiều gia đình thoát nghèo và trở nên khá giả, giàu có từ nghề này. Càng về sau nghề nuôi tôm càng gặp nhiều rủi ro, cùng với đó môi trường bị ảnh hưởng nặng nề do quá trình nuôi tôm gây ra. Đây là áp lực rất lớn với người sản xuất nông nghiệp, vì sau khi nuôi tôm, đất bị nhiễm mặn, nhiễm hoá chất rất khó cho việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi thay thế.

Cánh đồng muối ở Bạc Liêu

  Tìm được mô hình phát triển kinh tế phù hợp vừa mang lại hiệu quả kinh tế, đảm bảo vệ sinh môi trường không ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững là điều khiến lãnh đạo cũng như người dân Bạc Liêu suy tư trăn trở. Nhiều mô hình đã được thể nghiệm như nuôi bò, kết lục bình, nuôi cá rô… đã phần nào làm tăng thêm thu nhập cho hộ nghèo, nhưng chưa cho kết quả như mong muốn. Thời gian gần đây, tỉnh đã nghiên cứu và mạnh dạn cho triển khai hai mô hình mới đó là trồng hoa lan và nuôi cua biển. Ông Phan Chí Dũng – cán bộ phụ trách kỹ thuật mô hình trồng hoa lan cho biết: “Đúng là cái khó đã giúp chúng tôi ló cái khôn. Hoa lan được trồng trên đất tại địa phương đã thích ứng tốt, phát triển nhanh, ra nhiều hoa. Đặc biệt hoa lan trồng ở đây tươi lâu cả tháng so với hoa lan nhập từ Thái Lan về chỉ tươi 5 ngày. Cua cũng vậy, tỷ lệ chết, bệnh ít, lớn nhanh và chất lượng thì khỏi chê”.

Diện mạo mới cho nông thôn Bạc Liêu trong tương lai

Anh Nguyễn Thanh Tùng ở xã An Trạch – Đông Hải, có 2 ha đất nuôi tôm quảng canh, tôm bị bệnh suốt nên thu nhập thấp, đời sống gia đình khó khăn. Gần đây anh cải tạo lại ao, đầu tư nuôi cua kết hợp với cá chẽm thương phẩm. Anh Tùng thả trên 1.000 con cua giống, cua phát triển tốt. Sau 4 tháng gia đình anh đã thu lãi khoảng 25 triệu đồng. Theo anh Tùng, đây là mô hình dễ thực hiện do chi phí thấp so với nuôi tôm, ít rủi ro và cho lợi nhuận cao.

           Hoa lan loại cây cho hiệu quả kinh tế cao ở Bạc Liêu

Ở Bạc Liêu lâu nay bên những vườn nhãn cổ có tuổi hàng trăm năm, người dân chỉ biết trồng thêm rau. Giờ đây rau đã được thay thế bằng loại cây khác đó là hoa lan. Trồng loại cây này không chỉ giúp người dân tăng thêm thu nhập, giải quyết việc làm lúc nông nhàn mà còn góp phần hình thành vùng đất giống với hàng chục loài hoa lan rực rỡ phục vụ du lịch sinh thái.

Rõ ràng, mô hình nuôi cua biển đã hội tụ gần như đầy đủ các yếu tố cần và đủ. Hệ thống ao nuôi có sẵn, nông dân không cần chi phí xây dựng, kỹ thuật nuôi cua đơn giản hơn, nguồn cua giống dồi dào, đặc biệt là không phải sử dụng các loại hoá chất trong suốt quy trình nuôi. Cùng với đó, nguồn thức ăn có sẵn từ tự nhiên là cá biển giúp người nuôi giảm tối đa chi phí và không lệ thuộc vào thức ăn công nghiệp. Về giá thì giá cua cao hơn tôm từ 2 đến 3 lần và luôn ổn định. Đối với cây lan, đây là mô hình có thể tạo ra bước đột phá mới ở vùng đất giồng vì hoa phát triển tốt và được coi là mô hình siêu lợi nhuận so với nghề hoa màu truyền thống.

           Mô hình nuôi cua trong rừng phòng hộ ở Bạc Liêu

Trồng lan và nuôi cua là những mô hình mới mang lại hiệu quả tốt ở Bạc Liêu. Điều này thể hiện sự quyết tâm của tỉnh trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Việc triển khai thực hiện thành công những mô hình như thế này đã và đang góp phần không nhỏ trong việc thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm nâng cao đời sống nông dân trong tỉnh.

THIÊN HƯỚNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh