CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:30

Nhiều mô hình giảm nghèo tại tỉnh Đắk Lắk đem lại hiệu quả kinh tế cao

Với sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị các cấp, được thực hiện cùng Ngân hàng Chính sách Xã hội, tín dụng chính sách như một đòn bẩy kinh tế để thực hiện các chủ trương chính sách, các mục tiêu mà Đảng và Nhà nước đã đề ra về giảm nghèo.

Cuộc sống của người dân trên cao nguyên đất đỏ đã đổi thay nhiều từ khi có nguồn vốn chính sách. Nguồn vốn này đã tạo điều kiện và cơ hội để đồng bào các dân tộc trong xã nghèo trên cao nguyên này đầu tư phát triển kinh tế xóa đói, giảm nghèo. Từ đó, hình thành được các mô hình kinh tế phát triển có hiệu quả như mô hình nuôi lợn sạch, mô hình nuôi dê bán chăn thả, mô hình trồng xen các cây công nghiệp dài ngày và cây ngắn ngày, nhiều gia đình đã lập trang trại chăn nuôi dê, bò, lợn, cá, gà... có vốn kết hợp áp dụng khoa học kỹ thuật, chịu khó tiết kiệm và đã thoát nghèo bền vững, cuộc sống được cải thiện. Nhiều hộ làm ăn có lãi đã có nhà xây, xóa nhà tạm bợ, mua được xe máy, các đồ dùng sinh hoạt có giá trị.

Nhiều mô hình giảm nghèo tại tỉnh Đắk Lắk đem lại hiệu quả kinh tế cao - Ảnh 1.

Hình ảnh tuyên truyền về công tác giảm nghèo tại tỉnh Đắk Lắk

Các chính sách phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo tại tỉnh Đắk Lắk đã thực hiện và nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả. Công tác tuyên truyền các chính sách về công tác giảm nghèo nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ và người dân được đẩy mạnh. Các giải pháp giảm nghèo được xây dựng phù hợp, tạo điều kiện cho các hộ nghèo phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Như gia đình chị Lữ Thị Kim Xuyến, ở xã Ea M'róh, huyện Cư M'gar tỉnh Đắk Lắk, có đàn dê 35 con sinh trưởng tốt, đem lại thu nhập ổn định, gia đình chị được xã cấp cho 1 con bò cái sinh sản theo mô hình giảm nghèo "Chăn nuôi bò cái sinh sản cho hộ nghèo".

Sau thời gian chăm sóc kỹ lưỡng, bò tơ vẫn kém phát triển do không phù hợp với điều kiện chăn nuôi của gia đình. Chị đã đề nghị bán con giống được hỗ trợ để mua 2 con dê cái sinh sản, 2 con dê non bổ sung vào đàn dê hiện có. Với kinh nghiệm 7 năm nuôi dê, chị đã nhân rộng hiệu quả mô hình chăn nuôi. Năm 2019, gia đình chị Lữ Thị Kim Xuyến thoát nghèo.

Nhiều mô hình giảm nghèo tại tỉnh Đắk Lắk đem lại hiệu quả kinh tế cao - Ảnh 2.

Mô hình nuôi dê thoát nghèo

Trong khi đó, thông qua tổ vay vốn của Hội Nông dân xã, các hộ nghèo như hộ gia đình anh Trịnh Thành Trí, buôn HDung, xã Ea Mróh huyện Cư M'gar, được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội. Với nguồn vốn vay 50 triệu đồng, anh Trịnh Thành Trí đầu tư chuyển đổi diện tích cà phê, tiêu cằn cỗi, kém năng suất qua trồng xen canh các loại cây ăn trái có giá trị như sầu riêng, bơ Cuba, mít Thái, mãng cầu…

Năm qua, vườn cây đem lại thu nhập hơn 100 triệu đồng, đời sống của gia đình anh Trịnh Thành Trí nhờ đó đã khấm khá hơn trước.

Tại huyện Bôn Đôn tỉnh Đắk Lắk, gia đình ông Lê Mộng Huynh xã EaVen, được sự hỗ trợ từ nguồn vốn của ngân hàng chính sách nhằm phát triển chăn nuôi, ông Huynh đã vay 40 triệu đồng để chăn nuôi bò sinh sản và dê sinh sản. Lúc đầu ông mua một con bò cái và dê giống, đến nay đàn bò được 4 con và dê được 30 con đã lớn và cho thu hoạch cao, Ông cho phóng viên biết vừa rồi đã bán một số bò và dê, ông thu về một số tiền kha khá phụ thêm vào kinh tế gia đình. "Gia đình ông ít người, sức khỏe không ổn định nhưng chương trình vay vốn chăn nuôi, phát triển kinh tế để thoát nghèo này đối với tôi là có hiệu quả và phù hợp với gia đình tôi, chương trình này cần nhân rộng để những người khó khăn như tôi được tiếp cận và được vay vốn để phát triển thoát khỏi nghèo khó".

Chúng tôi rời xã EaVen đến gia đình Anh Phạm Trọng Đức, trú tại thôn7 xã EaBar, huyện Buôn Đôn. Anh Đức cùng gia đình từ tỉnh Bình Định di cư lên vùng đất tây nguyên làm ăn sinh sống và mang theo nghề làm bánh tráng truyền thống của Bình Định đến với đất này đã hơn 10 năm, Anh Đức tâm sự với phóng viên khi đến nơi đây kinh tế gia đình nhiều khó khăn, ít vốn lắm, nên làm nghề tráng bánh cũng khó khăn, nhưng mới đây nhờ sự giúp đỡ tạo điều kiện được vay vốn thêm từ ngân hàng chính sách, nên công việc kinh doanh của gia đình cũng đỡ hơn xưa nhiều rồi, nên gia đình tôi đầu tư công nghệ hiện đại làm bằng máy, áp dụng khoa học kỷ thuật, trên cơ bản nguyên liệu của truyền thống, sản phẩm sản xuất ra ổn định, nhanh hơn và hiệu quả cao. Một ngày gia đình tôi sản xuất khoảng 500kg nguyên liệu và tạo công ăn việc làm cho 10 lao động tại địa phương. Anh Đức tâm sự sản phẩm của nhà Anh chỉ tiêu thụ trong tỉnh nhưng sản phẩm sản xuất ra không đủ cung cấp cho người dùng, nếu được ngân hàng hỗ trợ thêm vốn thì tôi đầu tư công nghệ để đưa vào sản xuất, sẽ cho năng xuất cao hơn.

Theo đó Công tác khảo sát, xác định, lựa chọn dự án trên địa bàn thực hiện và số hộ dân tham gia được quan tâm, đảm bảo phù hợp, hiệu quả trong quá trình triển khai thực hiện dự án. Ủy ban nhân dân các huyện và các xã được chọn tham gia dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo, quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện và các hộ dân tham gia dự án đồng tỉnh ủng hộ, phấn khởi.

Nhiều mô hình giảm nghèo tại tỉnh Đắk Lắk đem lại hiệu quả kinh tế cao - Ảnh 3.

Mô hình nuôi bò thoát nghèo

Hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo khi tham gia dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo được tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ của nhà nước, được tập huấn, chuyển giao kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, được hỗ trợ cây giống, con giống, vật tư liên quan và nhiều hộ đã thoát nghèo, thoát cận nghèo. Ngoài ra địa phương còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo sẽ thực hiện trên địa bàn, đảm bảo công khai, minh bạch, có sự tham gia của người dân và xây dựng kế hoạch triển khai dự án đảm bảo tiến độ và hiệu quả, tăng cường công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành có liên quan trong quá trình triển khai dự án và thực hiện giải ngân nguồn vốn kịp thời cho người dân.

Trong thời gian qua chương trình đã thực hiện được: Đối với hoạt động nhân rộng mô hình giảm nghèo thuộc Tiểu dự án 2, Dự án 2, Chương trình 135. Tổng số dự án: 14 dự án (đều là dự án chăn nuôi, trong đó, chăn nuôi bò: 09 dự án, chăn nuôi gà ta lai chọi: 04 dự án, chăn nuôi dê lai bách thảo: 01 dự án).

Địa bàn triển khai thực hiện: 14 xã, thuộc 06 huyện. Số hộ tham gia: 389 hộ, trong đó: 329 hộ nghèo, 34 hộ cận nghèo, 26 hộ mới thoát nghèo, hộ dân tộc thiểu số 199 hộ. Số hộ được tập huấn kỹ thuật về chăn nuôi: 389 hộ. Kết quả hỗ trợ cho hộ dân tham gia dự án: Hỗ trợ 204 con bò, 100 con dê lai bách thảo, 15.560 con gà ta lai chọi và vật tư có liên quan như: máng ăn, máng uống, đá khoáng, thuốc thú y các loại.



LÊ NHUẬN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh