Nhiều lựa chọn cho học sinh trượt lớp 10 công lập
- Giáo dục nghề nghiệp
- 14:04 - 14/07/2023
Gạt bỏ áp lực trường công
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 được nhiều người đánh giá là căng thẳng không kém gì thi đại học, thậm chí còn hơn thế. Theo thống kê, TP. Hà Nội có khoảng 33.000 học sinh “không có suất” vào lớp 10 công lập; TP. Hồ Chí Minh khoảng 40.000. Đối với nhiều thí sinh, đây là cuộc thi “sống còn” và việc vào trường công là một áp lực khủng khiếp. Cha mẹ lo lắng nếu con không đỗ sẽ không có được môi trường học tập tốt, sợ thua kém bạn bè.
Tuy nhiên, phụ huynh cần thay đổi suy nghĩ và không nên gây áp lực với con, bởi có rất nhiều con đường để lựa chọn. Các em có nhiều lối rẽ để học tiếp chương trình THPT như mong muốn bằng hình thức theo học tại các trường trung cấp hoặc cao đẳng có hệ đào tạo 9+. Ở đó các em sẽ được học song song hai chương trình (chương trình THPT hệ giáo dục thường xuyên và chương trình nghề). Học sinh tốt nghiệp trung cấp có thể học tiếp lên cao đẳng và liên thông lên đại học.
Yến Nhi, sinh viên trường đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội cho biết, cách đây 4 năm, khi chuẩn bị thi vào lớp 10, bố mẹ cho rằng, em không có khả năng đỗ trường công lập. Vì vậy, em nộp hồ sơ vào trường cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội, đơn vị liên kết với Trung tâm giáo dục thường xuyên quận Tây Hồ. Tốt nghiệp hệ cao đẳng, em thi vào trường đại học Mỹ thuật Công nghiệp. Giờ nghĩ lại thấy khi đó em đã có quyết định thật sáng suốt.
“Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 vừa qua, con tôi thiếu điểm vào Trường THPT Nguyễn Trãi. Tôi quyết định cho cháu học chương trình 9+ để vừa học văn hóa vừa học trung cấp ngành chăm sóc sắc đẹp. Với chương trình này, sau khi học xong, cháu vừa có bằng nghề, vừa tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT. Nếu không học lên cao, con tôi có thể đi làm hoặc xuất khẩu lao động, du học Nhật, Úc, Hàn Quốc, Đức…”, một phụ huynh tại Hà Nội chia sẻ.
Không phải mọi cánh cửa học tập đều đóng lại
Cô Lại Vũ Kiều Trang, giảng viên khoa Tâm lý học trường đại học Văn hoá Hà Nội cho rằng, việc nhiều thí sinh thi trượt lớp 10 công lập suy nghĩ bi quan là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, các em hãy bình tĩnh và coi đó là nỗi buồn tạm thời. “Cuộc đời con người có nhiều cách để đi đến đích. Nếu chọn được cách phù hợp sẽ có động lực phát triển bản thân, nuôi dưỡng khát khao cống hiến cho xã hội. Điều quan trọng là tìm môi trường học tập đúng với năng lực, sở thích của mình”.
Nhiều năm đồng hành cùng học trò trong các kỳ thi, cô Nguyễn Thị Hương, giáo viên Ngữ văn một trường THPT tại Hà Nội đưa ra lời khuyên, trượt lớp 10 không phải dấu chấm hết. Các trường ngoài công lập hay đào tạo nghề rất nhiều. Nếu tài chính gia đình cho phép có thể học trường tư hoặc thi vào trường nghề. Thế mạnh của trường nghề sẽ giúp các em chạm gần hơn với nghề nghiệp cuộc sống.
Thầy Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội tâm lý Giáo dục Hà Nội đưa ra nhiều gợi ý đối với học sinh không may trượt lớp 10, sở dĩ phải tổ chức tuyển sinh là do lượng học sinh vào các trường công lập quá lớn. Vì vậy, phải có một lượng học sinh học các trường ngoài công lập, trung tâm giáo dục thường xuyên để học nghề. Đó là một ngã rẽ chúng ta phải tính toán.
Chương trình 9+ đang là xu hướng lựa chọn của phụ huynh và học sinh hoàn thành THCS hoặc không đủ điểm vào lớp 10 các trường THPT công lập năm học 2023 - 2024. Chương 9+ là vừa học nghề vừa học văn hóa để có thể tham gia thi tốt nghiệp THPT. Đây là lối rẽ tiết kiệm kinh phí, thời gian mà vẫn đảm bảo bằng cấp, kiến thức, kỹ năng cho các em lập nghiệp sau khi ra trường.