THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 05:37

Nhiều loại quả có múi rớt giá thê thảm

Cam Vinh rẻ chưa từng thấy

Khoảng nửa tháng nay, khắp các tuyến phố, chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội bày bán la liệt các loại cam Vinh, cam ngọt Hưng Yên, cam Cao Phong… giá dao động từ 9.000 - 18.000 đồng/kg. Thậm chí, trên các trang mạng xã hội, cam Vinh trồng tại Hà Giang rao bán chỉ 60.000 đồng/10kg. Chị Nguyễn Minh Hương, tiểu thương chuyên thu mua cam ở Bắc Giang đổ buôn về Hà Nội cho biết, vài năm gần đây, người dân Bắc Giang liên tục mở rộng diện tích trồng cam.

Cam Vinh đã bắt đầu vào vụ thu hoạch.

Cam Vinh đã bắt đầu vào vụ thu hoạch.

Thời điểm này, đa phần diện tích trồng cam đã cho thu hoạch, nên nguồn cung khá dồi dào. Mặt khác, giá cam giảm  do ảnh hưởng dịch Covid-19 khiến việc lưu thông hàng hóa giữa các tỉnh, thành không được thuận lợi. Đối với tiểu thương đi các tỉnh, thành khác phải có giấy xét nghiệm Covid-19, đồng thời giá cước vận chuyển cũng tăng gấp 2, 3 lần so với mọi năm. Trong khi lượng tiêu thụ trên thị trường chậm, nên nhiều tiểu thương dừng hoạt động.

Tại thủ phủ cam Vinh ở huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) có hơn 2.000 ha. Trái với cảnh nhộp nhịp thương lái thu mua như những năm trước, năm nay không khí có phần im ắng. Nhiều nhà vườn bán cam với giá khoảng 5.000 đồng/kg nhưng không ai thu mua.

Chị Hồ Thị Minh, xã Tam Hợp, huyện Quỳ Hợp cho biết, gia đình có 1 ha cam với khoảng 600 gốc. Những năm trước, thời điểm này, đã bán được gần nửa vườn với giá khoảng 15.000 đồng/kg, nhưng năm nay không thấy thương lái thu mua dù giá đã xuống thấp.

Theo chị Dương Thị Thu Hạnh, xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp, giá cam từ 3 - 5.000 đồng/kg là loạt cam Mát hoặc cam Xã Đoài, Vân Du chín bói đầu vụ chất lượng cũng như mẫu mã kém, được các nhà vườn thu hoạch sớm. Mọi năm, những loại cam này có giá dao động từ 15 - 20.000 đồng/kg, năm nay chỉ khoảng 5.000 đồng/kg nhưng cũng không có người mua. Dù chỉ có khoảng 1,5 ha cam Vân Du, chưa đến vụ thu hoạch nhưng chị Hạnh rất lo vì những năm trước, quả xấu sẽ được thu hái sớm để bán, nhưng năm nay thời điểm này chưa thấy thương lái hỏi mua. Nguyên nhân do ảnh hưởng dịch bệnh nên các đại lý tiêu thụ ở thành phố Vinh, Hà Nội, Đà Nẵng không đặt mua.

Bưởi da xanh chỉ 6.000 đồng/kg

Những năm gần đây, bưởi da xanh được coi là loại cây trồng chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao cho một số địa phương như Đồng Nai, Khánh Hòa, Bến Tre. Ngoài phục vụ nhu cầu của thị trường nội địa, bưởi da xanh còn được một số đơn vị thu mua để xuất khẩu với giá cao. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên từ đầu năm đến nay, bưởi da xanh liên tục rớt giá, khiến nhiều gia đình trồng loại quả này đứng ngồi không yên.

Anh Phan Văn Hậu, ở huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) cho biết, mọi năm dịp Trung thu, bưởi da xanh giá bán cao hơn các tháng khác trong năm vì nhu cầu mua làm quà biếu tăng. Tuy nhiên, năm nay, do ảnh hưởng dịch bệnh khiến nguồn tiêu thụ giảm đáng kể. Những năm trước giá thu mua tại vườn khoảng 40 - 50.000 đồng/kg, nhưng năm nay loại đẹp mới bán được 12.000 đồng/kg, loại dạt chỉ còn 6.000 đồng.

Theo anh Hậu, bưởi rớt giá nhưng phân bón lại tăng mỗi bao 100.000 đồng so với trước đây, thuốc trừ sâu cũng tăng giá, người trồng bỏ thời gian, công sức chăm sóc 6 - 7 tháng mới được thu hoạch nhưng lãi chẳng được bao nhiêu. Nhiều chủ vườn phải đi thuê đất năm nay bỏ vườn không làm nữa.

Sở hữu vườn bưởi da xanh rộng hơn 5 ha, anh Nguyễn Thái Thọ, trú tại huyện Trảng Bom (Đồng Nai) cho biết, năm nay vườn nhà cho thu hoạch khoảng 80 tấn bưởi. Tuy nhiên, trong vườn hiện còn khoảng 30 tấn chưa bán được. Theo anh Thọ, những năm trước, bưởi đến kỳ thu hoạch được thương lái đến mua cả vườn với giá từ 30 - 35.000 đồng/kg. Thậm chí có năm, giá bưởi lên đến 45.000 đồng/kg. Tuy nhiên năm nay giá rớt thê thảm, chỉ còn 7 - 8.000 đồng/kg bưởi xô.

Nhận thấy giá trị kinh tế của bưởi da xanh mang lại, những năm gần đây, không chỉ các tỉnh miền Đông Nam bộ mà nông dân các tỉnh khác đổ xô đi trồng. Diện tích tăng nhanh nhưng bưởi da xanh lại chỉ tiêu thụ trái tươi mà chưa đưa vào chế biến, xuất khẩu nên giá ngày càng giảm. Hơn nữa, do ảnh hưởng của Covid-19, nhiều địa phương siết chặt biện pháp phòng chống dịch, thực hiện giãn cách xã hội nên việc vận chuyển, tiêu thụ gặp không ít khó khăn, khiến giá bưởi xuống thấp chưa từng có.

Theo báo cáo của Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), năm 2020, tổng diện tích cây có múi trên cả nước là 235.216 ha. Trong đó, diện tích trồng cây có múi ở các tỉnh phía bắc là 106.125 ha, các tỉnh Bắc Trung Bộ là 29.630 ha, các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên là 7.761 ha và các tỉnh phía nam là 91.702 ha. Đây là cây ăn quả phổ biến, có mặt trong sản xuất tại khắp các vùng địa phương trong cả nước.

Thời gian qua, cây cam, bưởi mang lại hiệu quả kinh tế cao nên tại nhiều địa phương người dân ồ ạt mở rộng diện tích trồng không theo quy hoạch. Việc xây dựng các nhà máy chế biến sâu những sản phẩm từ cam, bưởi,… chưa tương xứng với sản lượng thu hoạch hàng nằm. Vì thế, các loại cây có múi sẽ rớt giá là điều mà nhiều chuyên gia đã dự báo từ trước. Năm nay, cộng thêm ảnh hưởng của dịch COVID-19, giá xăng dầu tăng cao nên chi phí vận chuyển tăng lên, trong khi đa số người dân thu nhập người dân giảm sút do tác động của COVID-19 nên nhu cầu tiêu thụ cũng giảm theo. Đây được xem là nguyên nhân khiến giá nhiều loại quả có múi rớt giá thê thảm ngay tại vườn.

K.VÂN

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh