Như Xuân (Thanh Hóa): Nhiều hộ làm giàu từ trồng cam
- Huyệt vị
- 01:40 - 22/03/2020
Cây xóa nghèo
Có khí hậu đặc trưng và đất đai phù hợp với nhiều loại cây ăn quả, đặc biệt cây cam đang trở thành một trong những cây xóa đói nghèo, giúp nhiều hộ dân ở huyện Như Xuân (Thanh Hóa) trở nên giàu có. Theo thống kê của phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Như Xuân, hiện toàn huyện có hơn 982 ha cây ăn quả. Trong đó, có đến hơn 300 ha cây ăn quả tập trung, gồm: Cam, bưởi ở các xã Xuân Hòa, Bãi Trành, Xuân Bình…
Những năm gần đây, cam Như Xuân đã tạo được chỗ đứng ổn định trên thị trường với chất lượng tốt, được người tiêu dùng rất ưa thích. Hàng năm, từ cuối tháng 10 đến đầu tháng 12 dương lịch, người trồng cam Như Xuân bắt tay vào thu hoạch cam chính vụ.
Một số diện tích cam đang được bà con nông dân tiếp tục chăm sóc để bán vào dịp trước, trong và sau Tết nguyên đán. Với năng xuất từ 50-70kg/cây, bà con có doanh thu khoảng 500 triệu đồng/ha cam kinh doanh. Nhiều hộ nông dân trồng cam vì thế có mức thu nhập hàng trăm triệu đồng đến cả tỷ đồng trong mỗi niên vụ sản xuất.
Giờ đây cam không chỉ là cây xoá đói giảm nghèo mà còn là cây làm giàu cho nhiều hộ gia đình và qua đó góp phần phát triển kinh tế địa phương và khẳng định thương hiệu cho sản phẩm cam Như Xuân.
Ông Chử Thanh Hải, Giám đốc HTX Sản xuất nông nghiệp Thành Công Cho biết: "Hợp tác xã hiện tại đang trồng hơn 20 ha cả cam và bưởi tại xã Xuân Hòa và Cát Tân với 7 thành viên tham gia. Những năm gần đây cây cam mang lại giá trị cao hơn rất nhiều so với những cây trồng khác tại địa phương. Vụ thu hoạch cuối năm 2019 đầu 2020 với hơn 10ha trồng cam chúng tôi thu hoạch được hơn 170 tấn, cho giá trị hơn 2 tỷ đồng. Ngoài thị trường Thanh Hóa, Nghệ An chúng tôi còn xuất hàng bán cho thị trường Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Hợp tác xã cũng tạo việc làm thường xuyên cho 20 động địa phương, thời kỳ cao điểm lên đến gần 50 người" – ông Hải cho biết.
Người dân chăm sóc, thu hoạch cam
Ông Lê Đình Tuấn, Chủ tịch xã Xuân Hòa cho biết thêm: "Tại xã Xuân Hòa có 30 hộ gia đình trồng với 173 ha trồng cây ăn quả, trong đó có đến 120 ha trồng cam. Cây cam sau 3 năm trồng sẽ cho thu hoạch, những năm gần đây cây cam đã giúp kinh tế nhiều hộ gia đình trở nên khá giả bởi giá trị lợi nhuận cao hơn rất nhiều những cây trồng khác. Cứ bình quân 10ha sẽ tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động để chăm sóc, bón phân cho cây. Thời kỳ cao điểm thu hoạch mỗi hộ gia đình sẽ phải thuê 30-40 lao động. Cam có giá trị kinh tế cao, chất lượng tốt, lại được thương lái vào tận vườn thu mua. Hầu hết đều được đóng thùng vận chuyển vào các tỉnh phía Nam tiêu thụ" – ông Tuấn thông tin.
Xây dựng thương hiệu từ chất lượng sản phẩm
Để nâng cao giá trị kinh tế cho sản phẩm cam Như Xuân, bên cạnh việc thu hút doanh nghiệp liên doanh liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho người dân, UBND huyện Như Xuân hết sức quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu Cam Như Xuân. Ngày 29/5/2019, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 1998/QĐ-UBND về việc chấp thuận cho cho phép sử dụng địa danh "Như Xuân" để đăng ký nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm "Cam Như Xuân".
Hướng tới mục đích xây dựng thương hiệu Cam Như Xuân an toàn, chất lượng, chính quyền và các cơ quan, Đoàn thể các cấp đã quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn, tuyên truyền để các hộ trồng cam áp dụng tiêu chuẩn VietGAP trong quy trình sản xuất. Đến nay, 100% các hộ trồng cam trên địa bàn huyện đã ký cam kết sản xuất kinh doanh thực phẩm nông lâm sản an toàn; nhiều hộ đã đăng ký để xây dựng mô hình sản xuất cam an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP trên địa bàn huyện.
Ông Phạm Văn Tuấn, trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Như Xuân cho biết: "Nắm bắt được nguyện vọng của người dân, ngày 10/3/2020, phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện đã cùng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản Thanh Hóa có buổi làm việc với UBND xã và các hộ trồng cam trên địa bàn xã Xuân Hòa, Xuân Bình, Bãi Trành. Nội dung buổi làm việc bàn về vấn đề phát triển trồng cam theo chuỗi liên kết và sản xuất cam an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, hướng tới hình thành vùng sản xuất cam tập trung, chuyên canh đạt tiêu chuẩn VietGAP với quy mô 50 ha trên địa bàn xã Xuân Hòa, Bãi Trành. Các hộ dân đã hết sức ủng hộ và đều có nguyện vọng được tham gia xây dựng mô hình. Ngoài ra chúng tôi cũng đang hoàn thiện hồ sơ gửi Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu, lô gô sản phẩm. Qua đó nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm và khẳng định được chỗ đứng cho sản phẩm trên thị trường…" – ông Tuấn thông tin.