Nhiều lệnh cấm mới trong mùa lễ hội 2015
- Tây Y
- 14:49 - 17/02/2015
Cấm treo thịt động vật tươi sống tại lễ hội Chùa Hương
Tại cuộc họp báo về công tác tổ chức Lễ hội Chùa Hương năm 2015, Ban tổ chức lễ hội cho biết sẽ kiên quyết không để tình trạng treo thịt động vật diễn ra trong mùa lễ hội này.
Theo đó, Ban tổ chức yêu cầu các chủ hộ kinh doanh ăn uống, sau khi sơ chế thịt động vật phải đặt lên đĩa, bày trong tủ kính. Các loại động vật như nhím, đà điểu, hươu, nai, lợn mán, lợn rừng… đều phải có giấy chứng nhận xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng.
Cấm kinh doanh tiền lẻ
Vấn đề đổi tiền lẻ, chèo kéo khách dọc đường, đặt tiền giọt dầu cũng được Ban tổ chức đưa ra giải pháp để giải quyết triệt để. Trưởng ban Tổ chức Lễ hội Chùa Hương 2015 cho biết, các hộ kinh doanh đã ký cam kết không kinh doanh dịch vụ đổi tiền lẻ trong lễ hội. Những hộ cố tình vi phạm sẽ bị tịch thu tiền lẻ, niêm phong và chỉ giải quyết sau khi lễ hội kết thúc.
Ngoài ra, Ban tổ chức cũng đưa ra các quy định không được mở loa đài quảng cáo bán hàng quá to, không tổ chức trò chơi có hình thức cá cược, không bán các loại văn hóa phẩm mê tín dị đoan...
Giá đò chất lượng cao mùa lễ hội năm nay là 40.000 đồng/người, đò thường là 35.000 đồng/người; nếu trên đò không có giỏ đựng rác, có biểu hiện chèn ép, "chặt chém" khách… thì sẽ bị xử lý nghiêm khắc. Giá vé cáp treo niêm yết là 140.000 đồng/người cho cả lượt đi và về.
Năm nay, thực hiện quy định của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, du khách tham quan Chùa Hương trong ba ngày 30, mùng 1 và mùng 2 Tết sẽ được miễn phí vé tham quan.
Cấm ngửa nón xin tiền tại Hội Lim
Trước đó, trong cuộc họp mặt báo chí ngày 5/2 tại Sở Văn hoá Thể thao và du lịch Bắc Ninh, Phó giám đốc Sở Nguyễn Văn Ảnh thừa nhận mùa lễ hội năm 2014 tồn tại hiện tượng khấn thuê, trò chơi trúng thưởng, đổi tiền lẻ... trong khu vực di tích đền bà Chúa Kho và hội Lim.
Đối với hiện tượng liền anh, liền chị ngửa nón xin tiền gây bức xúc dư luận những năm qua, Phó giám đốc Ảnh khẳng định là "không có" mà đây là tục lệ thưởng tiền cho người hát quan họ.
"Nhiều người đề nghị liền anh liền chị hát theo yêu cầu và khi người hát mang trầu cánh phượng đến mời rất đông du khách đã bỏ tiền vào cơi trầu. Tuy nhiên, mệnh giá tiền cũng rất nhỏ. Đó chỉ là sự cổ vũ giúp người hát nhiệt tình hơn", ông Ảnh nói.
Trả lời về việc liền anh liền chị bán trầu têm cánh phượng trong lễ hội Lim năm 2014, Phó chủ tịch UBND huyện Tiên Du Lê Xuân Lợi cho hay, các lán trại quan họ hoàn toàn không bán.Theo ông Lợi, ban tổ chức lễ hội đã quán triệt các lán quan họ là nghiêm cấm liền anh liền chị ngửa nón xin tiền dưới mọi hình thức. UBND huyện Tiên Du cũng đã hỗ trợ chi phí cho việc têm trầu cánh phượng mời khách. Do đó, liền anh liền chị không được phép bán trầu - biến tướng của hiện tượng xin tiền.
Cấm chém lợn
Sở Văn hóa thể thao & Du lịch tỉnh Bắc Ninh cũng đề nghị UBND Thành phố Bắc Ninh chỉ đạo lễ hội năm 2015 thực hiện tốt việc tế, rước, lễ theo nghi thức truyền thống. Sau phần tế, rước thì làm cỗ ngọc tế thánh (không thực hiện nghi lễ chém lợn). Không để tình trạng người dân lấy tiền nhúng vào máu lợn. Lấy ý kiến cộng đồng dân cư về việc đổi tên Lễ hội chém lợn thành Lễ hội rước lợn.