CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:52

Lễ hội chém lợn, đâm trâu nhìn theo góc độ tâm lý


Dân làng Ném Thượng phản đối đề xuất bỏ lễ hội chém lợn ở Bắc Ninh

 

Gần đây, truyền thông chính thống và mạng xã hội lại xôn xao tranh cãi về việc nên hay không nên bỏ những lễ hội chém lợn, đâm trâu – những lễ hội đã trở thành truyền thống hàng năm được tổ chức thu hút hàng vạn người xem trực tiếp, hàng triệu người theo dõi qua các kênh truyền thông.

Anh bạn Lọc – một facebooker nổi tiếng cũng có một bài viết khá dài tỏ ý bênh vực cho cho dạng lễ hội này. Tôi không có ý định phản biện lại bài viết này, bởi vì cho đến nay mọi góc nhìn vẫn còn đang ở dạng tham khảo, chúng ta mới đang ở trong thời kỳ quá độ chạm tới nền văn minh. Mỗi người đều có cái lý khi đưa ra luận điểm để bảo vệ nhưng chưa đi tới tận cùng của tính nhân văn.

Tôi còn nhớ, ngày bé tôi thường được ba tôi là họa sĩ cho xem những bức tranh nổi tiếng của các thời kỳ lịch sử. Tôi đã mất ăn, mất ngủ, rơi vào trạng thái hoảng sợ cả tuần liền khi ba tôi chép lại bức tranh nổi tiếng Ngày tận thế hay còn gọi là “Ngày cuối cùng của Pompeii” do danh họa Karl Bryullov thực hiện từ năm 1830 đến 1833.

 Bức tranh lấy ý tưởng từ sự kiện “Ngày tận thế” năm 79 SCN, khi núi lửa Venuvius bất ngờ phun trào phá hủy cuộc sống người dân thành phố Pompeii. Người La Mã cổ đại tin rằng đó là dấu hiệu tận thế ứng với lời tiên tri của nhà triết học La Mã cổ đại Seneca. Trước đó, Seneca dự đoán: “Những gì chúng ta nhìn thấy và ngưỡng mộ ngày hôm nay sẽ bị ngọn lửa đốt cháy và cũng chính nó sẽ dẫn loài người đến với một thế giới mới hạnh phúc hơn”.

 Giới tâm lý học gọi hiện tượng của tôi là shock tâm lý.

 Rồi sau đó ít lâu, shock tâm lý lại bồi thêm cho tôi một cú mạnh nữa khi mà trận động đất năm 1986 xảy ra khi ba con tôi đang chơi cầu lông ở trước nhà. Cả xóm tôi ùa ra đường la hét, hoảng loạn. Nếu như trước đó tôi chưa có dịp nhìn thấy bức tranh Ngày tận thế thì có lẽ trận động đất này chẳng xi nhê gì với tôi. Rốt cuộc, tôi không dám ra đường một mình mất gần một tháng vì luôn sợ những ngôi nhà nghiêng ngả, những cây cối đổ sập và cảnh tang tóc xuất hiện trước mắt bất cứ lúc nào. Cũng may, thời đó trẻ con có bệnh hầu như tự chữa lành bởi làm gì có điều kiện mà đến bác sĩ tâm lý?

Cuộc tranh cãi xung quanh việc nên hay không bỏ lễ hội chém lợn ở Bắc Ninh đang diễn ra gay gắt

 

Trở lại với những lễ hội chém lợn, đâm trâu. Chúng ta hầu như ai cũng biết xuất xứ các lễ hội này đều từ những lần khao quân trong các trận đánh lịch sử. Nếu không phải khao quân thì cũng như một thứ trò chơi giải trí trong bối cảnh thiếu thốn, đói khổ, dân trí thấp khác hẳn với thời đại bây giờ đầy rẫy các game show. Bla bla.

Do đó, về mặt văn hóa chúng ta tạm chấp nhận và thông cảm với tiền nhân có một thời kỳ đã như vậy. Nhưng ủng hộ duy trì những lễ hội này thì không nên bởi:

Ở châu Âu ngày xưa có đấu trường La Mã, người ta tổ chức cho các đấu sĩ người với người chém nhau đến chết, người với bò tót rượt nhau đến chết và cho rằng đó là trò giải trí của giới thượng lưu. Những trò này giờ không còn ai cổ vũ nữa vì cho đó là trò man rợ, phi nhân tính.

Bỏ qua ý nghĩa nguồn gốc lễ hội, rõ ràng, khi chúng ta hò hét, thậm chí kích động khi xem chém, giết một con vật bị trói máu me văng tung tóe (tức là không có cơ hội phản kháng) chúng ta đang cổ vũ tính man rợ và chúng ta đang cố tình từ chối/rũ bỏ phần “người” đang vượt trội hơn nhiều phần “con” trong mỗi con người chúng ta.

Tại sao thời đại văn minh người ta thường tập trung giết gia súc, gia cầm trong lò mổ - nơi mà chỉ ít người làm nhiệm vụ thực hiện? Cũng rất ít khi người ta public hình ảnh giết mổ trước cộng đồng? Câu hỏi đưa ra các bạn tự trả lời đi.

Và, trong chừng mực nào đó, tôi nhìn thấy cảnh chém giết này lại liên tưởng đến cảnh quân Hồi giáo IS hành hình con tin một cách man rợ trong các clip đăng đầy trên youtube. Còn các bạn thấy sao?

Nếu các bạn thấy rằng máu me, chém giết là hình ảnh quá quen thuộc với trẻ em, người lớn Việt Nam thì tôi khuyên các bạn nên xem lại. Có phải vì quá quen nên Lê Văn Luyện xuất thân từ gia đình giết mổ lợn sẵn sàng sát hại cả giả đình trong đó có cả trẻ sơ sinh để cướp tiệm vàng hay không? Hay chính các bạn đang ngụy biện cho mình tính man rợ vẫn còn đang tồn tại?

Lễ hội chém lợn, đâm trâu là những lễ hội có thể đã tồn tại hàng trăm năm nhưng khi thấy cần thiết không cần phải cổ vũ những hình ảnh gây shock tâm lý cho trẻ em thì cũng nên mạnh dạn cắt phăng nó đi như cắt phăng mụn cơm mọc trên cơ thể lâu ngày. Người thì nói cứ để mụn cơm trên người có sao đâu. Nhưng người thì lại bảo cắt được nó đi, cơ thể nhẹ nhõm, thẩm mỹ hơn nhiều chứ?

Chũm 4/2/2015

Thủy Hướng Dương

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh