THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 05:31

Nhiều học sinh vẫn “mơ hồ” kiến thức phòng, chống xâm hại

 

Khi được hỏi: “Ai là người có thể xâm hại trẻ em và trông người đó như thế nào?”, các học sinh tại một trường Tiểu học trên địa bàn Hà Nội khi được mời tham gia đều trả lời rất chính xác rằng, thủ phạm xâm hại tình dục trẻ em có thể là bất cứ ai. Trông bề ngoài, họ cũng giống như những người bình thường khác. Trong nhiều trường hợp, kẻ xâm hại chính là người quen thân, thậm chí là thành viên trong gia đình (chú, bác, anh, chị…) là hàng xóm, người sống trong cùng một khu phố với các em. Ngoài ra, thủ phạm xâm hại tình dục trẻ em có thể là người nghiện ma túy, ruợu bia, bị bệnh tâm thần, mất ý thức về việc mình đang làm. Cũng có thể, kẻ xâm hại là người hoàn toàn xa lạ với các em nhưng đã lợi dụng hoàn cảnh và thời cơ thuận lợi để thực hiện hành vi xâm hại trẻ em.

Trang bị kỹ năng phòng, chống xâm hại cho trẻ em.

 

Tuy nhiên, khi được hỏi về quy tắc 5 ngón tay – quy tắc đơn giản để nhận diện, tránh xa những đối tượng nguy hiểm và bảo vệ chính bản thân mình thì các em không đưa ra được đáp án chính xác.

Thực ra, quy tắc 5 ngón tay rất đơn giản. Ngón cái - gần mình nhất: Tượng trưng cho những người thân ruột thịt trong gia đình như ông bà, bố mẹ, anh chị em ruột. Các em có thể ôm hôn những người này hoặc đồng ý để các thành viên trong nhà ôm hôn, thể hiện tình yêu thương, tắm rửa khi các em còn nhỏ. Ngón trỏ: Tượng trưng cho thầy cô, bạn bè ở trường lớp hoặc họ hàng của gia đình. Những người này có thể nắm tay, khoác vai hoặc chơi đùa. Song chỉ dừng lại ở đó. Còn nếu ai chạm vào “vùng riêng tư”, các em sẽ hét to và gọi người thân.

Ngón giữa: Người quen biết nhưng ít khi gặp như hàng xóm, bạn bè của cha mẹ. Những người này, các em chỉ nên bắt tay, cười và chào hỏi. Ngón áp út: người quen của gia đình mà các em mới gặp lần đầu. Với những người này, các em chỉ nên dừng lại ở mức vẫy tay chào. Ngón út - ngón tay xa nhất: Thể hiện cho những người hoàn toàn xa lạ hoặc người có cử chỉ thân mật, khiến các em thấy lo sợ, bất an. Với những người này, các em hoàn toàn có thể bỏ chạy, hét to để thông báo với mọi người xung quanh.

Tại một trường tiểu học khác trên địa bàn Hà Nội, trong tiết sinh hoạt ngoại khóa cung cấp những kiến thức phòng, chống xâm hại trẻ em, khi hướng dẫn viên cho 5 học sinh đại diện các khối lớp lên thực hành kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục, học sinh rất lúng túng. Khi bị người lạ tấn công, chỉ có 2 học sinh lớp 5 biết kêu cứu và vùng vẫy để chạy thoát thân; các học sinh lớp 2 và 3 để yên cho người lạ bế lên và mãi mới kêu cứu. Khi hỏi các em về 5 tổ chức, cá nhân bảo vệ các em và là nơi có thể chia sẻ, cầu cứu khi bị xâm hại thì đa số học sinh đều chưa biết. Một học sinh trả lời hồn nhiên rằng một trong những nơi bảo vệ mình là hàng xóm.

Chị Nguyễn Huệ Thủy, nhân viên dự án giáo dục giới tính S Project cho biết, các nhân viên dự án đã đến nhiều trường tiểu học để tuyên truyền về phòng chống xâm hại tình dục cho trẻ em. Đến trường nào cũng thấy thực trạng học sinh bị thiếu hụt các kỹ năng này, tuy nhiên nhiều trường học vẫn thờ ơ.

Viện trưởng Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững Nguyễn Phương Linh cho rằng, ảnh hưởng khi bị lạm dụng tình dục là một vết sẹo về tinh thần không bao giờ xóa được với trẻ. Vì vậy người lớn cần nói với trẻ sớm về cách tự bảo vệ mình. Trẻ phải hiểu rõ là không ai được phép chạm vào những chỗ kín trên người mình.

Các chuyên gia của Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững cũng cho rằng, khi trẻ khoảng 6 tuổi, cha mẹ nên dạy trẻ tin vào trực giác của mình và cách xử lý những tình huống thực tế có thể làm con không thoải mái, như cần làm gì khi đang ở nhà bạn và có người muốn đụng vào con, làm gì nếu có người cho con xem những thứ không hay ho và sau đó muốn cùng con tái hiện những gì đã xem... Cảnh báo về những tình huống có thể xảy ra trong đời thực là rất quan trọng.

Trưởng ban Công tác thiếu nhi, Phó chủ tịch Hội đồng Đội TP.Hà Nội Bùi Lan Phương cho biết, trong thời gian gần đây, các vụ xâm hại trẻ em, bạo lực học đường theo chiều hướng mức độ ngày càng nghiêm trọng, liên tiếp xảy ra ở nhiều nơi. Trước tình hình này, liên đội trên địa bàn TP.Hà Nội đồng loạt tổ chức tuyên truyền phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Hội đồng Đội TP.Hà Nội cũng yêu cầu các hội đồng Đội ở cơ sở chỉ đạo giáo viên làm tổng phụ trách phối hợp với gia đình nắm bắt tâm, sinh lý của học sinh; có biện pháp giúp đỡ, giáo dục kịp thời cho các học sinh chậm tiến; phát huy vai trò tự quản của ban chỉ huy liên đội, chi đội và hệ thống sao đỏ để kịp thời phát hiện, ngăn chặn những hành vi bạo lực học đường, xâm hại trẻ em và các trào lưu không phù hợp với trẻ em...

KHÁNH VÂN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh