Ban Bí thư làm việc tại Đăk Lăk, Gia Lai
- Tây Y
- 18:21 - 22/07/2018
Báo cáo với Đoàn công tác về kết quả giữa kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020, đồng chí Êban Y Phu, Bí thư Tỉnh ủy Đăk Lăk nêu bật những kết quả đạt được trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội tại địa phương. Tốc độ kinh tế bình quân giai đoạn 2016 - 2018 đạt 7,44%/năm. Nông nghiệp có nhiều chuyển biến. Tuy nhiên, độ che phủ rừng (tính cả cây cao su) năm 2018 ước đạt 38,46%, dự kiến đến năm 2020 đạt 38,74% KH, không đạt kế hoạch đề ra.
Đồng chí Trần Quốc Vượng Thường trực ban bí thư tặng 10 nhà tình nghĩa cho tỉnh Gia Lai
Ở lĩnh vực lao động, việc làm và đảm bảo an sinh xã hội có nhiều tiến bộ. Các dự án cho vay vốn giải quyết việc làm đã mang lại hiệu quả thiết thực, công tác tư vấn việc làm, nghề nghiệp và dạy nghề được đẩy mạnh, các chính sách về giảm nghèo và bảo trợ xã hội được thực hiện đầy đủ, đúng đối tượng, đã góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị và tỷ lệ thiếu việc làm ở khu vực nông thôn, chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sỹ và người có công được quan tâm thường xuyên, đảm bảo giải quyết kịp thời, đúng quy định. Công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em, xây dựng xã, phường phù hợp với trẻ em được quan tâm, số xã đạt tiêu chuẩn tăng đáng kể, các chính sách đối với trẻ em được thực hiện đầy đủ, kịp thời.
Các chính sách dân tộc được triển khai thực hiện đảm bảo mục tiêu và kế hoạch đề ra, góp phần mang lại sự thay đổi trên các lĩnh vực đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, nguồn vốn trung ương hỗ trợ cho các chương trình còn thấp dẫn đến đầu tư dàn trải, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư thấp, tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn cao so với bình quân chung của tỉnh, chất lượng giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khỏe cho đồng bào ở vùng sâu, vùng xa một số nơi chưa tốt.
Đồng chí Trần Quốc Vượng Thường trực ban bí thư phát biểu tại cuộc họp
Tại buổi làm việc, Tỉnh ủy Đăk Lăk cũng kiến nghị Trung ương đánh giá các tiêu chí, sớm đưa vào thành phố Buôn Ma Thuột đủ điều kiện trở thành đô thị trung tâm vùng trước năm 2020. Trung ương xem xét, cho phép tỉnh để lại và sử dụng số kinh phí thu được từ cổ phần hóa của các công ty nông, lâm nghiệp do tỉnh quản lý (dự kiến sau khi hoàn thành sẽ thu được 1.682 tỷ đồng), không chuyển về Công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước –SCIC như hiện nay mà để lại cho địa phương để đầu tư thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, mua lại các vườn cây, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để cấp lại cho người dân (là đồng bào dân tộc thiểu số) thiếu đất sản xuất, đất ở và các hộ trực tiếp nhận khoán tại các công ty nông, lâm nghiệp.
Hiện nay, quỹ đất lâm nghiệp không còn rừng trên địa bàn tỉnh rất lớn nhưng do vướng về chuyển đổi đất nông lâm nghiệp không còn rừng nên các dự án đầu tư không thể triển khai. Vì vậy, đề nghị Trung ương cho phép tỉnh rà soát chuyển đổi đất lâm nghiệp không có rừng để thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh nhằm tăng thu ngân sách, khai thác tìm năng, lợi thế của tỉnh, góp phần phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của địa phương.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH nhấn mạnh những khó khăn cơ bản của tỉnh Đăk Lăk hiện nay, đó khó khăn về hạ tầng cơ sở và giá cả một số cây trồng ảnh hưởng đến đời sống người dân. Những mặt phát triển ở địa phương rõ nét nhất là tốc độ tăng trưởng khá (7,44%), hạ tầng giao thông nông thôn phát triển, đời sống thu nhập người dân đạt khá. Thu ngân sách có nhiều chuyển biến, an sinh xã hội đảm bảo, quan tâm đầu tư giảm nghèo và chăm sóc người có công.
Đồng chí Đào Ngọc Dung cũng nhìn nhận những khó khăn hiện nay của tỉnh Đăk Lăk là địa phương rất lúng túng trong việc giải quyết thiếu đất sản xuất cho người dân, nhưng chưa chủ động làm việc với các Bộ, ngành để thống nhất quan điểm xử lý. Diện tích rừng phát triển quá ít. Công tác đào tạo nghề cho nông dân cần đẩy mạnh để tạo sinh kế. Đồng chí đề nghị địa phương tập trung sắp xếp bộ máy theo Nghị quyết 18, 19 của Trung ương. Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, gắn sản xuất nông nghiệp với công nghiệp chế biến sản phẩm cây trồng đặc thù tại địa phương.
Đồng chí Đào Ngọc Dung, Bộ Trưởng Bộ LĐ-TB&XH phát biểu tại cuộc họp
Tỷ lệ hộ nghèo còn cao (13,5%), đứng thứ 3 cả nước, còn 46 xã khó khăn theo Chương trình 135. Hộ nghèo hầu hết rơi vào đồng bào dân tộc thiếu số nên địa phương cần quan tâm đẩy mạnh đầu tư vùng nghèo, hỗ trợ đồng bào sản xuất để kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo. Tích cực giải quyết hồ sơ tồn đọng người có công và giải quyết dứt điểm các trường hợp hồ sơ hưởng chính sách không đúng quy định. Chú trọng phòng ngừa để giảm thiểu các vụ xâm hại trẻ em.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, đồng chí Trần Quốc Vượng-Thường trực Ban Bí thư ghi nhận những ý kiến đóng góp và đề xuất của các đồng chí lãnh đạo tỉnh Đăk Lăk và Đoàn công tác. Đồng chí đánh giá, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng Đảng bộ tỉnh đã phấn đấu đạt được kết quả nhiều lĩnh vực. Kinh tế tăng trưởng khá, mặc dù chưa có sự đột phá. Một số dự án đang đầu tư, tới đây hình thành sẽ tạo sự tăng trưởng nhanh. Đồng chí cho rằng, với cơ cấu nông nghiệp 42%, lấy nông nghiệp làm chủ lực là hướng đi đúng đắn của một tỉnh Tây nguyên có lợi thế đất đai tài nguyên rộng rãi, màu mỡ, hình thành một số vùng chuyên canh hàng hóa có tầm cỡ quốc tế như cà phê, cao su, hồ tiêu. Thành phố xanh, sạch mang đậm nét văn hóa Tây nguyên.
Công tác xây dựng Đảng ở địa phương được đẩy mạnh theo tinh thần Nghị quyết Trung ương. Nghiêm túc thực hiện các Nghị quyết về xây dựng Đảng. Thới gian tới, tỉnh Đăk Lăk phải tập trung cao hơn để thực hiện thắng lợi Nghị quyết nhiệm kỳ đề ra.
Đồng chí đánh giá, với vị trí chiến lược quan trọng, trung tâm của Tây nguyên, có lợi thế về đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa, lực lượng lao động dồi dào (1,9 triệu dân) là điều kiện thuận lợi để tỉnh Đăk Lăk phát triển theo hướng chủ lực về nông nghiệp. Có phát triển về nông nghiệp cũng phải theo hướng nông nghiệp công nghệ cao phù hợp với điều kiện đặc thù của Đăk Lăk. Làm sao để phát triển công nghiệp chế biến sâu cà phê, cao su xuất khẩu có giá trị cao.
Đồng chí Thường trực Ban Bí thư cũng chỉ đạo tỉnh Đăk Lăk phải tập trung quyết liệt nâng cao tỷ lệ độ che phủ rừng. Phải giữ rừng, quan tâm bảo vệ rừng để tăng tỷ lệ bao phủ rừng. Quan tâm hỗ trợ đời sống sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ để giảm nghèo. Công tác xây dựng Đảng phải đề cao tính Đảng ở mỗi con người, dù công tác ở cương vị nào. Đảng viên bao giờ cũng gương mẫu dân mới tin, Đảng lấy lợi ích của nhân dân là chính.
Với 47 dân tộc anh em sinh sống ở Đăk Lăk, vấn đề xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, Đảng bộ tỉnh cũng phải đặc biệt chú trọng. Vì sức mạnh của Đảng chính là sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, chỉ có làm tốt việc này mới tạo được sức mạnh giữ vững an ninh chính trị, an toàn xã hội.
Đồng chí Trần Quốc Vượng, Thường trực ban bí thư và đồng chí Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH tặng học bổng cho học sinh nghèo Gia Lai
Buổi chiều cùng ngày, Đoàn công tác làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Chư Pưh (Gia Lai) tại xã Ia Blứ. Tại buổi làm việc, Đoàn công tác đã tặng 10 nhà tình cho các gia đình chính sách tỉnh Gia Lai (mỗi căn 50 triệu đồng), tặng học bổng cho 200 học sinh nghèo (mỗi suất 1 triệu đồng) và 5 phần quà cho 5 gia đình chính sách là người dân tộc thiểu số xã Ia Blứ.