THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:47

Triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ người lao động tại Hàn Quốc

Thiết lập các đầu mối liên lạc tại tâm dịch Daegu và Gyeongbuk

Hiện 48.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại Hàn Quốc theo hợp đồng. Đối với 2 vùng tâm dịch theo khuyến cáo của Hàn Quốc có khoảng 4000 lao động. Trong đó, số lao động Việt Nam đang làm việc tại TP.Daegu là 1.000 người và tại Gyeongsangbuk là 3.007 người, riêng tại huyện Cheongdo là 201 người.

Để hỗ trợ người lao động Việt Nam đang làm việc tại Hàn Quốc phòng, chống dịch Covid-19, Cục QLLĐNN đã chỉ đạo Ban quản lý lao động tại Hàn Quốc triển khai một số nội dung:

Chủ động liên hệ với các cơ quan đối tác phía Hàn Quốc như Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc, Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Tư pháp Hàn Quốc để cập nhật các thông tin có liên quan đến các chính sách, quy định đối với người lao động nước ngoài (quy định về nhập cảnh, quy định không xử phạt người cư trú bất hợp pháp khi đến khám và điều trị y tế nếu có các triệu chứng lây nhiễm Covid-19, quy định kéo dài thời gian làm việc thêm 50 ngày đối với những lao động hết hạn hợp đồng).

Liên tục theo dõi, cập nhật thông tin trên các phương tiện truyền thông liên quan đến dịch Covid-19 để chủ động cung cấp thông tin cho Văn phòng Quản lý lao động EPS; đại diện doanh nghiệp; tư vấn viên tại các trung tâm hỗ trợ lao động nước ngoài; trang thông tin điện tử của Hội người Việt Nam tại Hàn Quốc, các chi hội người Việt Nam tại các địa phương để kịp thời cung cấp thông tin đến người lao động.

Cập nhật thông tin về số lượng, loại hình lao động theo khu vực địa lý; thiết lập các đầu mối liên lạc tại tâm dịch Daegu và Gyeongbuk để cập nhật thông tin trực tiếp từ phía người lao động như đại diện chi hội người Việt Nam tại Gyeongbuk -Daegu; tư vấn viên tại trung tâm hỗ trợ lao động người nước ngoài thành phố Daegu; đại diện chi hội sinh viên trường Đại học Gyeongbuk, trường Đại học Yeongnam. Hiện Ban đang cùng Văn phòng EPS thiết lập thêm các đầu mối liên lạc tại 8 quận, huyện thuộc thành phố Daegu trong thời gian tới (mỗi quận, huyện có ít nhất 1 đầu mối liên lạc).

Yêu cầu đại diện các doanh nghiệp đưa lao động thuyền viên chủ động, tích cực trong việc theo dõi sát tình hình sức khỏe của người lao động, trong đó, cần thường xuyên liên hệ với chủ sử dụng lao động nhằm cập nhật tình hình của người lao động để có các biện pháp hỗ trợ khi cần thiết.

Triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ người lao động tại Hàn Quốc - Ảnh 1.

Lao động Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc

Hướng dẫn người lao động sử dụng ứng dụng "Colab SOS" để tư vấn, hỗ trợ người lao động

Khuyến cáo đối với người lao động Việt Nam đang ở Hàn Quốc

-Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid -19 tại Hàn Quốc, Cục QLLĐNN khuyến cáo người lao động đang làm việc tại Hàn Quốc bình tĩnh làm việc, hạn chế đi lại nơi công cộng, không đi đến vùng tâm dịch, hạn chế di chuyển, đặc biệt không nên di chuyển khỏi Hàn Quốc nếu không thực sự cần thiết.

-Kịp thời liên hệ theo số điện thoại nóng của Ban quản lý lao động tại Hàn Quốc và văn phòng EPS để cung cấp thông tin tình hình dịch bệnh của bản thân cũng như cộng đồng để được tư vấn hỗ trợ để ứng phó khi cần thiết.

-Trường hợp người lao động hết hạn hợp đồng về nước trong thời gian này phải tuân thủ khuyến nghị của cơ quan kiểm soát dịch bệnh của Hàn Quốc và Việt Nam. Đặc biệt tuân thủ quy định về khai báo y tế khi nhập cảnh Việt Nam và quy định về cách ly của Bộ Y tế để được giám sát y tế, kịp thời chữa trị nhằm đảm bảo sức khỏe cho mình và gia đình và phòng tránh dịch bệnh cho cộng đồng.

Từ ngày 22/2/2020, Ban QLLĐ đã thiết lập đường dây nóng: 010-3248-6886; 010-4356-2505 và số điện thoại của Văn phòng Chương trình cấp phép việc làm cho người nước ngoài làm việc tại Hàn Quốc (EPS): 010-9892-1712 để có thể trực tiếp tư vấn, hỗ trợ người lao động khi cần thiết.

Ban Quản lý lao động tại Hàn Quốc đã phối hợp với Văn phòng quản lý lao động theo chương trình EPS tổng hợp danh sách người lao động đang làm việc tại TP. Deagu và Geyongsangbuk, cung cấp thông tin, hướng dẫn và hỗ trợ cho người lao động sử dụng ứng dụng "Colab SOS"; bước đầu thực hiện thủ tục đăng ký với cơ quan có thẩm quyền phía Hàn Quốc để triển khai việc gửi tin nhắn cảnh báo thông tin thường xuyên (số lượng lớn) qua tổng đài đến trực tiếp người lao động.

Cục QLLĐNN cũng cho biết, nhằm hỗ trợ giải quyết tình trạng thiếu nhân lực trong của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong thời gian dịch Covid-19 gia tăng mạnh, Bộ Tư pháp Hàn Quốc đã phối hợp với Bộ Việc làm Lao động, Bộ Thủy sản Hải dương Hàn Quốc cho phép người lao động nước ngoài theo chương trình EPS (visa E-9) và thuyền viên nước ngoài (visa E-10) nếu hết hạn hợp đồng (4 năm 10 tháng) được tiếp tục ở lại làm việc tại doanh nghiệp thêm tối đa 50 ngày. Việc lựa chọn đối tượng được phép ở lại theo chính sách này sẽ do Bộ Việc làm và Lao động, Bộ Thủy sản Hải dương thực hiện và thông báo cho Bộ Tư pháp. Người lao động được lựa chọn sẽ không cần phải đến các Văn phòng quản lý Xuất nhập cảnh tại các địa phương để xin gia hạn. Người lao động thuộc đối tượng nêu trên có thể liên hệ với các trung tâm tuyển dụng và Sở Thủy sản tại địa phương để được thông tin chi tiết.

Ngoài ra, Hàn Quốc đã thực hiện một số biện pháp khẩn cấp để ngăn ngừa sự lây lan của virus như: khuyến cáo người dân không tụ tập nơi đông người; đóng cửa các nhà thờ Sincheonji trên toàn quốc; phun khử trùng tiêu độc các địa điểm công cộng, tòa nhà văn phòng; chính quyền thủ đô Seoul đã ban hành lệnh đóng cửa quảng trường thành phố (cấm biểu tình, tụ tập đông người) và đóng cửa tạm thời một số trung tâm mua sắm lớn; chính quyền thành phố Daegu khuyến cáo người dân không nên ra khỏi nhà nếu không có việc gì cấp bách…

Trước đó ngày 29/1/2020, Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Tư pháp Hàn Quốc có thông báo chính thức: Những công dân nước ngoài đang cư trú trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc nếu có các biểu hiện liên quan đến dịch viêm đường hô hấp do virus corona khi đến khám, điều trị tại các cơ sở y tế công cộng sẽ không bị truy cứu về tình trạng cư trú bất hợp pháp và không bị trục xuất.

CHÂU GIANG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh