Nhiều điểm mới về cơ chế quản lý tài chính về BHXH, BHYT, và Bảo hiểm thất nghiệp
- Dược liệu
- 17:29 - 15/05/2020
Theo đó, Thông tư 24/2020/TT-BTC quy định chuyển kinh phí chi trả chế độ và chi phí quản lý bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp cho BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Bộ Công an, và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Cụ thể: Về phân bổ dự toán, chuyển kinh phí chi lương hưu, trợ cấp Bảo hiểm xã hội từ nguồn ngân sách nhà nước đảm bảo, Thông tư quy định, căn cứ dự toán chi ngân sách nhà nước được cấp có thẩm quyền giao, BHXH Việt Nam phân bổ dự toán chi tiết, gửi Bộ Tài chính để thẩm định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Trước ngày 25 hàng tháng, Bộ Tài chính chuyển từ ngân sách trung ương một khoản kinh phí bằng mức chi bình quân một tháng của dự toán được cấp có thẩm quyền giao trong năm (trong đó có chi phí chi trả) vào quỹ BHXH để BHXH Việt Nam thực hiện chi trả cho người thụ hưởng trong tháng tiếp theo.
Sau khi quyết toán năm được duyệt, nếu số kinh phí Bộ Tài chính đã chuyển vào quỹ BHXH lớn hơn số quyết toán, BHXH Việt Nam nộp trả ngân sách trung ương phần chênh lệch thừa.
Trường hợp số kinh phí Bộ Tài chính đã chuyển vào quỹ BHXH nhỏ hơn số quyết toán, Bộ Tài chính trình cấp có thẩm quyền cấp bổ sung phần chênh lệch thiếu cho BHXH Việt Nam.
Theo Thông tư, về phân bổ, giao dự toán chi phí quản lý bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định giao dự toán của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Lao động - TB&XH hoàn thành việc phân bổ và giao dự toán chi phí quản lý bảo hiểm thất nghiệp cho Cục Việc làm và các Trung tâm dịch vụ việc làm thuộc Sở Lao động - TB&XH; chi phí quản lý bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho Cục An toàn lao động và các Sở LĐ-TB&XH.
Đối với việc chuyển kinh phí chi trả chế độ và chi phí quản lý BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Bộ Công an và Bộ Lao động - TB&XH, Thông tư này quy định trước ngày 25 hàng tháng, BHXH Việt Nam chuyển kinh phí chi trả chế độ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bằng mức chi bình quân một tháng của dự toán được cấp có thẩm quyền giao trong năm để BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Bộ Công an thực hiện chi trả cho người thụ hưởng trong tháng tiếp theo.
Trường hợp mức chi trong tháng thay đổi, BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Bộ Công an có văn bản gửi BHXH Việt Nam để cấp kinh phí chi trả chế độ kịp thời. Việc chuyển kinh phí chi khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế.
Cùng với đó, định kỳ trước ngày 10 của tháng đầu tiên trong quý, BHXH Việt Nam chuyển chi phí quản lý của BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Bộ Công an và Bộ Lao động - TB&XH (Cục Việc làm, Cục An toàn lao động) bằng bình quân một quý của dự toán được giao.
Việc chuyển kinh phí ứng dụng công nghệ thông tin theo quy định tại Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2007 của Chính phủ về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước.
Trường hợp đến thời gian chuyển kinh phí chi chế độ BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và chi phí quản lý cho các đơn vị theo quy định nhưng chưa có dự toán được cấp có thẩm quyền giao, BHXH Việt Nam tạm cấp kinh phí như sau:
Chi phí quản lý bằng bình quân một tháng của dự toán giao năm trước liền kề; chi BHXH, bảo hiểm thất nghiệp đảm bảo đủ kinh phí chi trả chế độ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp cho người hưởng theo thực tế; mức tạm ứng chi khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 30/5/ 2020.