CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:38

Bảo hiểm thất nghiệp ‘cứu cánh’ của người lao động trong mùa dịch Covid-19

Giúp người lao động vượt qua khó khăn

Những tháng đầu năm 2020, dịch bệnh Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp ở Bình Dương phải thu hẹp sản xuất kinh doanh, thậm chí đóng cửa, dẫn tới tỷ lệ người lao động có nhu cầu nhận trợ cấp thất nghiệp ngày càng tăng.

Từ đầu năm 2020 đến nay, mỗi ngày Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương tiếp khoảng 2.500 - 3.000 lượt người lao động đến làm hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Trước đó, thực hiện nghiêm Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh đã tạm ngưng giao dịch trực tiếp với doanh nghiệp, người lao động tại Trung tâm từ ngày 30/3 đến hết ngày 15/4, chuyển sang hình thức giao dịch qua bưu điện và ứng dụng trực tuyến như: website, Facebook, email, zalo hoặc qua điện thoại.

Bảo hiểm thất nghiệp ‘cứu cánh’ của người lao động trong mùa dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Từ đầu năm 2020 đến nay, mỗi ngày Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương tiếp khoảng 2.500 - 3.000 lượt người lao động đến làm hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp

Ông Nguyễn Trọng Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm cho biết: Trong thời gian thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị của Thủ tướng, người lao động có nhu cầu hưởng bảo hiểm thất nghiệp đã  lên website "trungtamgioithieuvieclambinhduong.com" in mẫu đơn và điền đầy đủ thông tin, gửi kèm các giấy tờ liên quan qua đường bưu điện, email đến Trung tâm. Khi tiếp nhận, cán bộ Trung tâm báo với người lao động về việc đã tiếp nhận hồ sơ bằng việc nhắn tin, điện thoại. Với những hồ sơ thiếu giấy tờ, cán bộ Trung tâm gọi trực tiếp để người đăng ký bổ sung thông qua tin nhắn zalo, facebook. Nhờ vào đó, dù trong thời gian cách ly xã hội nhưng người lao động vẫn có thể đăng ký trợ cấp thất nghiệp, không bị chậm trễ cũng như thiệt thòi cho người lao động.

Sau một thời gian đóng cửa, mới đây, Công ty An Phát Cường, chuyên sản xuất các mặt hàng từ gỗ ở thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương đã hoạt động trở lại. Được quay trở lại nhà xưởng làm việc, hơn 300 công nhân lao động háo hức vui mừng, bởi đã thoát được cảnh thất nghiệp. Bà Nguyễn Thị Thu, Kế toán trưởng Công ty An Phát Cường cho biết, trước đây không có đơn hàng, công ty đã cho công nhân nghỉ 15 ngày. Trong thời gian tạm nghỉ, công ty đã hỗ trợ mỗi người từ 1 đến 1,5 triệu đồng. Sau đó, ban giám đốc nỗ lực tìm kiếm đơn hàng để đảm bảo công việc cho người lao động.

Không phải công ty nào cũng hoạt động trở lại sau dịch như An Phát Cường, bởi thống kê của Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương cho thấy, hơn 240 doanh nghiệp có công đoàn cơ sở bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, kéo theo gần 130.000 công nhân bị chấm dứt hợp đồng, ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương… Mất việc làm, đồng nghĩa với thu nhập của người lao động bị giảm sút.

Hơn lúc nào hết, bảo hiểm thất nghiệp giờ trở thành "cần câu cơm" cho người lao động giữa lúc khó khăn. Chị Nguyễn Thị Ánh (40 tuổi), kế toán công ty Thịnh Vượng tại khu công nghiệp Việt Nam – Singapore, phường Bình Hòa, thành phố Thuận An chia sẻ: Từ lúc Tết đến giờ, tình hình dịch bệnh kéo dài, công ty chỉ hoạt động trong tháng 1 sau đó đóng cửa. Tất cả nhân viên công ty đều thất nghiệp, tuy nhiên chi phí hàng tháng tiền ăn, tiền nhà trọ và chi phí cho con cái. Số tiền dành dùm cũng vơi đi nhiều. Tôi đăng ký trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm dịch vụ việc làm, khoảng 20 ngày là có tiền trợ cấp thất nghiệp. Nhờ khoản trợ cấp thất nghiệp gia đình tôi vượt qua khó khăn trong đợt dịch Covid-19 này. 

Sớm đưa người lao động tái hòa nhập thị trường lao động

Ngoài chi trả trợ cấp thất nghiệp, tư vấn giới thiệu việc làm, công tác hỗ trợ học nghề cũng là nhiệm vụ quan trọng trong chính sách bảo hiểm thất nghiệp đang được Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương thực hiện trong thời gian qua. Qua đó, góp phần giúp người lao động có chứng chỉ nghề để thay đổi công việc, đồng thời nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh ngày càng tăng cao.

Bảo hiểm thất nghiệp ‘cứu cánh’ của người lao động trong mùa dịch Covid-19 - Ảnh 3.

Ngoài chi trả trợ cấp thất nghiệp, tư vấn giới thiệu việc làm, công tác hỗ trợ học nghề cũng là nhiệm vụ quan trọng trong chính sách bảo hiểm thất nghiệp đang được

Ghi nhận của phóng viên, bắt đầu từ tháng 5, tại Trung tâm dịch vụ việc làm làm tỉnh lúc nào cũng đông lao động đến tìm việc làm và thực hiện hồ sơ hưởng BHTN. Bên cạnh hướng dẫn các thủ tục cần thiết, cán bộ của trung tâm còn tìm hiểu nhu cầu và tư vấn học nghề cho người lao động hưởng BHTN. 

Ông Nguyễn Trọng Thắng khẳng định hỗ trợ học nghề là một chính sách BHTN rất cần thiết đối với người lao động thất nghiệp, giúp họ có điều kiện nâng cao kỹ năng nghề, sớm quay lại thị trường lao động với mức thu nhập tốt hơn. Tuy nhiên, để chính sách thiết thực, hiệu quả và thực sự đi vào cuộc sống, trở thành "cứu cánh" cho người lao động thì các nhà làm chính sách cần nghiên cứu nâng mức hỗ trợ học nghề, hỗ trợ chi phí đi lại cho người lao động thất nghiệp. Cùng với đó, phát triển thêm ngành nghề mới phù hợp với nhu cầu xã hội và có chính sách giảm học phí đối với một số nghề có chi phí học nghề cao.

Bảo hiểm thất nghiệp ‘cứu cánh’ của người lao động trong mùa dịch Covid-19 - Ảnh 4.

Thực tế đã chứng minh rất nhiều trường hợp ban đầu họ là công nhân, sau đó tham gia học nghề từ chính sách hỗ trợ cho lao động thất nghiệp và đã xin được việc làm mới, mức lương ổn định hơn

Hiện nay, trung tâm có 19 nghề trong danh mục các nghề người lao động tham gia BHTN được hỗ trợ học nghề theo quyết định của UBND tỉnh. Đáp ứng nhu cầu việc làm, hầu hết người lao động đều chọn các nghề dễ xin việc, tự tạo việc làm sau khi học như: Thẩm mỹ, thực hành kế toán doanh nghiệp, điện, sửa xe, ẩm thực, lái xe… thời gian học từ 3 đến 5 tháng.

Để nâng cao tay nghề cho người lao động, những người làm chính sách BHTN luôn nỗ lực hết mình để chuyển hướng lao động hưởng BHTN sang học nghề. Về phía Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh tư vấn, tuyên truyền cho người lao động hiểu rõ, nắm kỹ về chính sách hỗ trợ học nghề cho lao động thất nghiệp thông qua đội ngũ tư vấn viên trực tiếp tại trung tâm và các đợt tuyên truyền lưu động tại nhiều địa bàn trong toàn tỉnh; mở thêm các lớp đào tạo kỹ năng mềm cho người lao động, giúp người lao động trang bị kỹ năng cần thiết khi đi xin việc, làm việc tại môi trường mới. Song song đó, trung tâm tiếp tục phối hợp với doanh nghiệp, đơn vị có nhu cầu tuyển dụng các ngành nghề để liên kết đào tạo.

Thực tế đã chứng minh rất nhiều trường hợp ban đầu họ là công nhân, sau đó tham gia học nghề từ chính sách hỗ trợ cho lao động thất nghiệp và đã xin được việc làm mới, mức lương ổn định hơn. Trường hợp anh Nguyễn Văn Dương (35 tuổi) là một điển hình. Trước đây, anh làm công nhân của Công ty TNHH Shyang Hung Cheng (TX.Thuận An). Với đồng lương ít ỏi hàng tháng chỉ đủ để chi tiêu hàng ngày mà không có tiền tích lũy, tuy nhiên, giờ trẻ còn sức khỏe thì ráng tăng ca may ra có dư chút ít nhưng khi có tuổi liệu còn đủ sức để lao động cực nhọc. Vì vậy, anh xin nghỉ và tham gia học nghề điện tại Trung tâm dịch vụ việc làm. Học xong, anh xin vào phụ trách kiểm tra, sửa chữa điện cho công ty khác với mức lương cao hơn. "Trước đây tôi chưa từng nghĩ sẽ có được một công việc tốt như bây giờ, bởi không có bằng cấp chỉ biết xin làm công nhân hay lao động phổ thông thôi. Sau khi học nghề tôi đã có chứng chỉ nghề và có công việc ổn định mà mức lương cũng cao hơn trước", anh Dương chia sẻ.

PHA LÊ (ảnh: Thiên Lý)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh