Nhiều địa phương chủ động, linh hoạt triển khai đề án vị trí việc làm
- Bài thuốc hay
- 20:29 - 25/08/2018
Ảnh minh họa
Nhiệm vụ quan trọng góp phần giảm biên chế
Từ tháng 6/2016, Bộ Nội vụ đã cơ bản phê duyệt xong khung danh mục vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính của các bộ, ngành, địa phương (trừ Bộ Công an và Bộ Quốc phòng). Đối với đơn vị sự nghiệp công lập, các cơ quan, đơn vị được giao quyền tự chủ cũng đã chủ động xây dựng và phê duyệt đề án vị trí việc làm (VTVL).
Trong quá trình triển khai, nhiều bộ, ngành, địa phương đã có cách làm sáng tạo, đạt được những kết quả rõ nét.
Nghệ An là một trong những địa phương chủ động triển khai sớm việc này trong các cơ quan đảng và tổ chức chính trị - xã hội, xác định đây là một nhiệm vụ quan trọng góp phần giảm biên chế một cách hợp lý, đảm bảo thực hiện chủ trương của Đảng về rà soát, làm rõ chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị; xây dựng tổ chức bộ máy tinh gọn, phù hợp, có tính ổn định, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả và là cơ sở để thực hiện tinh giản biên chế theo tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 17/4/2015 về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để đánh giá khả năng, năng lực của công chức, viên chức và trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao xác định VTVL, khung năng lực, bản mô tả công việc và số lượng biên chế ứng với mỗi VTVL của từng cơ quan, đơn vị.
Ảnh minh họa
Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nghệ An là cơ quan gương mẫu đi đầu trong thực hiện chủ trương của Đảng về tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế. Từ việc rà soát lại chức năng, nhiệm vụ, xây dựng VTVL và hệ thống quy chế nội bộ, nhận thấy việc lãnh đạo, điều hành công việc giữa các phòng có lúc, có nơi vẫn còn chồng chéo, dẫn đến hiệu quả chưa như mong muốn, Ban đã chủ động rút gọn từ 6 phòng xuống 4 phòng. Chia sẻ thành công này bà Võ Thị Minh Sinh - Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nghệ An cho rằng: “Việc tinh gọn đầu mối các phòng không những vẫn đảm bảo yêu cầu công việc mà còn lược bỏ các khâu trung gian, giảm đầu mối, giảm biên chế, vận hành bộ máy thông suốt, có hiệu lực, hiệu quả, thể hiện được tinh thần 3 Không - “Không cồng kềnh, Không chồng chéo, Không bỏ sót” và 3 Rõ - “Rõ người, Rõ việc, Rõ trách nhiệm”.
Tại Hà Nội, sau khi hoàn thành sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy và phê duyệt đề án VTVL, thành phố đã tập trung chuyển các đơn vị sự nghiệp công lập sang cơ chế tự chủ. Đến cuối năm 2017, thành phố có thêm 106 đơn vị sự nghiệp tự chủ chi thường xuyên, tinh giản được 9.361 biên chế viên chức không hưởng lương từ ngân sách. Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Huy Sáng chia sẻ: "Với cách làm thận trọng, lộ trình thích hợp, vừa làm vừa điều chỉnh, không cầu toàn, đến nay Hà Nội đã cơ bản hoàn thiện và xây dựng xong Đề án VTVL đối với các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp".
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng nhận định, Luật Cán bộ, công chức năm 2008, Luật Viên chức năm 2010 và các nghị định của Chính phủ, thông tư hướng dẫn của Bộ Nội vụ còn quy định chưa cụ thể, dẫn đến việc tổ chức thực hiện tại các bộ, ngành, địa phương gặp khó khăn, không thống nhất, không đạt mục tiêu, làm giảm tác dụng của việc xây dựng đề án vị trí việc làm.
Trước tình hình đó, Bộ Tư pháp đề xuất, cần có hướng dẫn cụ thể việc xây dựng bản mô tả, phân tích công việc của từng vị trí việc làm để người quản lý nhìn nhận được từng vị trí việc làm cũng như xác định được tính phức tạp của từng mảng công việc để sắp xếp, bố trí, sử dụng nhân sự hợp lý. Theo Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng Võ Ngọc Đồng, muốn đánh giá được năng lực thực tiễn của công chức phải có một hệ thống đánh giá khoa học, hợp lý. Hệ thống này không chỉ chú ý các tiêu chí đánh giá gắn liền với các vị trí công việc cụ thể mà cả việc thiết kế công cụ đo lường kết quả thực hiện các tiêu chí để bảo đảm tính chính xác của kết quả đánh giá.
Giám đốc Sở Nội vụ TP Hà Nội Trần Huy Sáng cũng cho biết, thành phố đang đề xuất Chính phủ cho phép xây dựng quỹ tiền lương, thưởng để trả lương cho cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm trên cơ sở yêu cầu công việc, nguồn thu ngân sách của thành phố. Trên thực tế, một vị trí việc làm cùng là chuyên viên, chuyên viên chính, nhưng trong khung năng lực, yêu cầu công việc, kết quả công việc ở Hà Nội có sự khác biệt so với nhiều địa phương khác. Số lượng công việc phải giải quyết, tính phức tạp cao hơn, đặt ra phải trả lương cao hơn, từ đó mới tạo động lực làm việc cho cán bộ, công chức, viên chức.