THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 02:50

Nhiều cơ sở bán trang sức ngà voi bị phạt tại Đắk Lắk

Trong đợt ra quân mới đây công an Đắk Lắk, đã thu giữ hơn 2.000 sản phẩm liên quan đến động vật hoang dã như: Ngà voi, răng nanh, móng vuốt động vật…, có 7 cơ sở bị xử phạt với tổng mức tiền hơn 2,1 tỷ đồng.

Báo Tiền Phong thông tin: Tại buổi tọa đàm “Truyền thông về công tác xử lý tội phạm về động vật hoang dã tại Việt Nam” do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đắk Lắk phối hợp Trung tâm giáo dục thiên nhiên (ENV) tổ chức, thiếu tá Nguyễn Thế Anh- cán bộ Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường cho hay, có nhiều khó khăn trong công tác xử lý vi phạm liên quan đến tội phạm về động vật hoang dã, như để có căn cứ xử lý cá nhân, tổ chức thì phải giám định sản phẩm ấy là loại gì, thuộc nhóm nào…

Thiếu tá Nguyễn Thế Anh, cán bộ Phòng cảnh sát môi trường Công an tỉnh Đắk Lắk, cho biết đã kiểm tra, ra quyết định xử phạt nhiều trường hợp. (Ảnh AL)

Thiếu tá Nguyễn Thế Anh, cán bộ Phòng cảnh sát môi trường Công an tỉnh Đắk Lắk, cho biết đã kiểm tra, ra quyết định xử phạt nhiều trường hợp. (Ảnh AL)

Nhưng kinh phí cho một mẫu vật giám định có giá tới vài triệu đồng khiến cơ quan chức năng gặp khó khăn. Ngoài ra, nhu cầu mua các sản phẩm từ động vật hoang dã rất lớn. Nhiều khách du lịch đến Đắk Lắk- thủ phủ voi nên có nhu cầu mua các loại trang sức làm từ ngà voi, lông voi, nanh móng vuốt động vật…

Để ngăn chặn tình trạng mua bán động vật hoang dã cần có sự vào cuộc đồng bộ quyết liệt giữa các ban ngành liên quan; sự sát sao chỉ đạo lãnh đạo, hỗ trợ của lãnh đạo tỉnh; đặc biệt công tác truyền thông rất quan trọng. “Khi chúng tôi vào cuộc kiểm tra, nhiều chủ cơ sở khai hầu hết vi phạm lần đầu. Đối mặt với mức phạt 180 triệu đồng cho dưới 300g ngà voi, nhiều người bất ngờ, vì cả đời kinh doanh chưa đủ tiền đóng phạt. Do đó, tôi mong muốn các sở ngành, tổ chức liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân lẫn các cơ sở kinh doanh nắm bắt quy định, tránh vi phạm”.

Bà Bùi Thị Hà - Phó Giám đốc, Phụ trách Chương trình Chính sách & Pháp luật (ENV) cho hay, tại Đắk Lắk, vẫn còn tình trạng quảng cáo, tàng trữ, mua bán động vật hoang dã trái phép. Theo số liệu của ENV, từ năm 2018-2022, có 1.425 hành vi vi phạm về động vật hoang dã tại Đắk Lắk. Một cuộc khảo sát nhanh của ENV vào cuối tháng 1/2022 cho thấy, trong tổng số 49 cơ sở khảo sát (gồm 8 cửa hàng vàng bạc, 6 cửa hàng mỹ nghệ, 9 cửa hàng lưu niệm, 2 khách sạn và 1 nhà hàng) thì có 26 cơ sở kinh doanh các sản phẩm chế tác từ ngà voi, xương voi, lông đuôi voi, móng hổ, móng gấu và lông đuôi công. Sở dĩ tội phạm về động vật hoang dã ngày càng tăng bởi mức lợi nhuận rất lớn, chỉ đứng sau lợi nhuận buôn người, ma túy.

Vòng nghi được làm từ ngà voi được rao bán công khai

Vòng nghi được làm từ ngà voi được rao bán công khai

“Tôi từng vào 1 khách sạn lớn trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột và họ hô 1 chiếc nanh lợn rừng có giá 52 triệu đồng. Mức lợi nhuận quá lớn khiến tình trạng mua bán trái phép vẫn diễn ra”, bà Hà dẫn chứng và nói thêm, các quy định về xử phạt tội phạm về động vật hoang dã đã chặt chẽ, mức xử phạt cao. Vấn đề cần hơn nữa là sự quan tâm, chỉ đạo của chính quyền địa phương và việc thực thi pháp luật.

Nhiều năm theo dõi tiến trình xử lý các vụ việc liên quan đến tội phạm động vật hoang dã, bà Hà cho rằng nếu đủ hồ sơ xử lý Hình sự thì nên xử theo khung phạt tù giam thay vì tù treo. Bởi bà từng chứng kiến, có trường hợp sau khi bị xử án treo vẫn quay lại con đường kinh doanh mua bán động vật hoang dã. ENV mong muốn khi có bất cứ thông tin về động vật hoang dã, người dân hãy báo tin đến đường dây nóng miễn phí 18001522 để phối hợp xử lý.

Báo pháp Luật điện tử TP Hồ Chí Minh đưa tin: Ông Trương Văn Ty, cán bộ Phòng Quản lý bảo vệ rừng và Bảo tồn thiên nhiên, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk, cho biết pháp luật không cấm buôn bán ĐVHD, nhưng phải có điều kiện.

Theo ông Ty, loại động vật được phép buôn bán phải chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ như nuôi nhím, cá sấu.

“Việc xử lí hành vi buôn bán ĐVHD còn nhiều khó khăn và phải có căn cứ. Thông thường, người bán vẫn chưa biết được hàng hóa xuất phát từ đâu. Thực tế, phải có cơ quan chức năng (đơn vị giám định) khẳng định đồ đó thật hay giả mới xử lí được” - ông Ty cho hay.

LN (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh