Nhiều chính sách hỗ trợ người dân khi quay trở lại TP.HCM
- Dược liệu
- 11:40 - 23/10/2021
Sẽ kéo dài chi hỗ trợ đến hết tháng 10
Như vậy, sau 22 ngày triển khai hỗ trợ đợt 3 (từ ngày 1/10), số người đã nhận hỗ trợ chiếm 78% trong tổng số hơn 6,8 triệu người có hoàn cảnh thật sự khó khăn do dịch Covid-19 tác động đã được thẩm định danh sách và cập nhật lên app SafeID Delivery.
Ông Lê Minh Tấn, GĐ Sở LĐ-TB&XH TP.HCM cho biết, do còn hơn 1,5 triệu người dân đã có danh sách nhưng chưa nhận hỗ trợ đợt 3 nên TP.HCM quyết định kéo dài thời gian chi hỗ trợ đến ngày 31/10. Riêng 3 địa phương quận 12, quận Bình Tân và huyện Bình Chánh có đông người lao động có hoàn cảnh khó khăn, đông người lao động nhập cư, nên sẽ kéo dài thời gian chi hỗ trợ đến ngày 7/11.
“Việc hỗ trợ sẽ dứt điểm vào ngày 31/10 đối với 19 địa phương và vào ngày 7/11 đối với 3 quận huyện (12, Bình Tân, Bình Chánh). Sau ngày này, sẽ không giải quyết hỗ trợ đợt 3”, ông Lê Minh Tấn cho biết.
Tuy nhiên, riêng những người được hỗ trợ thuộc nhóm 1 (thành viên hộ nghèo, hộ cận nghèo, người thuộc diện hưởng chế độ trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng đang gặp khó khăn) và những người đang cách ly tập trung, đang trị bệnh trong nhóm 2, 3, 4, 5 thì không hạn chế mốc thời gian vào ngày 31/10 hay 7/11, mà sẽ cố gắng chi hỗ trợ sớm nhất tới người dân.
Ngoài ra, một số người đã được lập danh sách và được thẩm định danh sách nhưng trong thời gian chờ hỗ trợ mà vì lý do nào đó vắng mặt ở TP.HCM (như về quê), thì sẽ được các địa phương tổng hợp danh sách, gửi TPHCM xem xét về việc hỗ trợ sau ngày 31/10 hoặc 7/11.
Hiện nay, huyện Bình Chánh có gần 719.400 người có hoàn cảnh khó khăn, quận 12 có hơn 609.000 người có hoàn cảnh khó khăn, quận Bình Tân đã lập danh sách gần 512.400 người có hoàn cảnh khó khăn. Đây là 3 trong 5 địa phương có danh sách hỗ trợ nhiều nhất (cùng với TP Thủ Đức hơn 1 triệu người và huyện Hóc môn gần 547.000 người). Tuy nhiên, tiến độ chi hỗ trợ tại huyện Bình Chánh mới đạt 46%, quận Bình Tân đạt 51% và quận 12 đạt 66% trong khi các quận huyện khác đều có tỷ lệ chi hỗ trợ đạt cao.
Nhiều chính sách hỗ trợ người dân khi quay trở lại TP.HCM
Cũng liên quan đến gói hỗ trợ đợt 3, tại Chương trình Livestream “Dân hỏi – Thành phố trả lời”, tối 22/10, với chủ đề “Lao động - việc làm trong phục hồi sản xuất, kinh doanh” trả lời câu hỏi của người dân về vấn đề “Khi quay trở về TP, người lao động khó khăn có được hưởng hỗ trợ ?”, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Lâm cho hay, việc chăm lo cho người dân nói chung và người lao động (NLĐ) nói riêng luôn được TPHCM quan tâm, chú trọng. TP trân trọng lực lượng lao động đang tham gia sản xuất trên địa bàn và luôn chào đón NLĐ đến với TP theo nhu cầu.
Về gói đợt 3, có những tiêu chuẩn nhất định khi xét lập danh sách, trong đó những người thuộc diện được hỗ trợ phải có mặt trên địa bàn TP.HCM vào thời điểm khảo sát, lập danh sách. Do đó, NLĐ vắng mặt (về quê) thì không thuộc diện được nhận.
Mỗi gói hỗ trợ đều có quy định điều kiện riêng. Người dân cần đối chiếu lại các tiêu chí để biết mình có thuộc các nhóm được nhận hỗ trợ hay không. Trường hợp thuộc nhóm hỗ trợ nhưng không có trong danh sách thì yêu cầu địa phương bổ sung; nếu cần thiết có thể gặp trực tiếp Trưởng phòng LĐ-TB&XH của quận- huyện hoặc chuyển trực tiếp yêu cầu lên Sở. Sở cũng thường xuyên kiểm tra, rà soát việc lập danh sách và công tác chi trả để đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng và kịp thời.
Tuy nhiên, theo ông Lâm, bên cạnh các gói hỗ trợ, TP đang triển khai rất nhiều chính sách hỗ trợ người dân khi quay trở lại TP để sinh sống, làm việc và học tập.
Vì vậy, với câu hỏi “Khôi phục sản xuất, kinh doanh trong trạng thái bình thường mới, là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, trong đó có TPHCM. Theo dự báo từ Sở LĐ-TB&XH TP, 03 tháng cuối năm TP.HCM cần thêm khoảng 60.000 lao động và quý 1/2022 cần khoảng 120.000 – 140.000 lao động, TP có phương án, chính sách gì nhằm thu hút lao động, đáp ứng đủ nguồn nhân lực cho hoạt động sản xuất?”, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Lâm thông tin: Từ ngày 1/10/2021, TPHCM thực hiện nới lỏng giãn cách, NLĐ có thể trở lại TP làm việc theo lời mời từ công ty cũ hoặc tìm kiếm việc làm mới. Hiện TP có 127 doanh nghiệp, trung tâm tiếp nhận và giới thiệu việc làm, sẽ tư vấn, hỗ trợ người dân tìm kiếm việc làm phù hợp, đào tạo và tái hòa nhập công việc sau thời gian dài giãn cách.
Người dân nói chung và NLĐ nói riêng trở lại TP đều được hỗ trợ tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 1 và mũi 2 tại doanh nghiệp, địa phương cư trú hoặc địa bàn giáp ranh với TP.HCM.
Bên cạnh đó, TP cũng vận động, huy động các chủ nhà trọ giảm -miễn giá tiền thuê trong khoảng thời gian nhất định để hỗ trợ cho NLĐ ổn định lại cuộc sống. Riêng khu vực lưu trú cho công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất… TP đã giao cho Sở Xây dựng và các ngành, địa phương liên quan khảo sát và báo cáo đề xuất.
Theo khảo sát mới đây về vấn đề tiền lương, bên cạnh số lao động được giữ nguyên lương, tăng lương chiếm tỷ lệ nhỏ thì nhiều lao động có việc làm nhưng tiền lương giảm (20 - 50%, thậm chí có nơi giảm 80%) hoặc nhận lương tùy thuộc vào sản phẩm làm ra trong tháng do các DN bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh. Để giải quyết các khó khăn về lương/thu nhập, chế độ làm việc, bên cạnh Nghị quyết 68 của Chính phủ, Sở LĐ-TB&XH cũng sẽ tiến hành khảo sát, đánh giá tình hình cụ thể để kịp thời có đề xuất, kiến nghị với UBND TP, Bộ LĐ-TB&XH có những chủ trương, chính sách hỗ trợ DN và NLĐ phù hợp.
DN chủ động trong việc liên hệ, hỗ trợ NLĐ quay về TP.HCM làm việc
Trao đổi thêm về vấn đề việc làm, Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm thanh niên TP.HCM Nguyễn Quang Cường cho biết, nhiều DN hiện rất chủ động trong việc liên hệ, hỗ trợ NLĐ quay về TP.HCM làm việc.
Khi quay lại TP, NLĐ có thể liên hệ với Công ty cũ để nắm bắt nhu cầu hoặc tiếp cận tìm việc qua website của các DN, các Trung tâm dịch vụ việc làm TP.HCM, hoặc Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên trực thuộc Thành đoàn TP.
Qua kênh của Sở, NLĐ có thể truy cập website tại địa chỉ http://www.sldtbxh.hochiminhcity.gov.vn để cập nhật thông tin tuyển dụng và đăng ký ngành nghề phù hợp.
Qua kênh Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên, NLĐ có thể liên hệ Tổng đài 1088 nhấn số 155 hoặc truy cập website tại địa chỉ: http://sieuthivieclam.vn.
Trước khi đến TP làm việc, người dân cũng có thể liên hệ trước Trung tâm để được hỗ trợ thủ tục, quy trình hoặc hỗ trợ kết nối với doanh nghiệp để trao đổi trước, nhằm giúp người dân đỡ tốn công tốn sức, thời gian đi lại, hạn chế lây nhiễm dịch bệnh… Hiện nay, Trung tâm đang triển khai chương trình hỗ trợ “Combo 3 trong 1” (nhà trọ 0 đồng, test nhanh miễn phí và giới thiệu việc làm ngay lập tức), triển khai từ ngày 1/10 đến 30/11/2021.
Người lao động đến TP.HCM có nhu cầu tìm kiếm nhà trọ ở phù hợp, miễn phí thì Trung tâm sẽ giới thiệu. Hiện Trung tâm cũng đã kết nối với 21 quận, huyện đoàn và Thành đoàn Thủ Đức để cập nhật đầy đủ các nhà trọ 0 đồng và nhà trọ miễn phí trước mắt là 1 tháng đầu. Hiện số nhà trọ đăng ký giảm tiền từ 30 - 40% cho người lao động quay trở lại TPHCM làm việc rất nhiều
Ngoài ra, người lao động trước khi qua doanh nghiệp phỏng vấn việc làm thì có thể ghé Trung tâm (số 1A Nguyễn Văn Lượng, phường 6, quận Gò Vấp) trong giờ hành chính (có thể không cần đăng ký trước) để được test nhanh miễn phí.
Trước thực trạng, nhiều NLĐ hồi hương mong muốn tìm việc làm ở quê để gần gia đình, yên ổn dù mức thu nhập chưa thể bằng so với trước đây, nhiều người dân băn khoăn liệu đây có được xem là một khó khăn, thử thách của TPHCM trong nỗ lực tuyển dụng lao động? Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm thanh niên TPHCM Nguyễn Quang Cường chia sẻ:
Dịch COVID-19 đã và đang được khống chế, nhiều địa phương bước vào khôi phục sản xuất, do đó nhu cầu lao động tăng cao. Tuy nhiên, lượng NLĐ về quê đông đang gây ra tình trạng quá tải cho một số tỉnh thành về cả công tác phòng chống dịch và giải quyết việc làm, an sinh xã hội. Trong khi đó, các điều kiện về đào tạo, vui chơi, giải trí, kết nối DN và NLĐ ở TPHCM khá tốt nên vẫn là điểm thu hút NLĐ quay trở lại.
“Hiện tại, nhu cầu tuyển dụng của các DN ở TP.HCM rất lớn, kèm theo đó là chế độ tiền lương, thưởng, ưu đãi cao… Đây được xem là thời điểm tốt để tìm kiếm việc làm phù hợp với NLĐ” – ông Cường nhấn mạnh.
PHA LÊ
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ