"Nhặt" bạc tỷ từ rừng dẻ tái sinh
- Dược liệu
- 12:35 - 10/04/2016
Đến hẹn lại vào rừng
Hơn 20 năm trước, khi cuộc sống còn gặp rất nhiều khó khăn, thiếu đất sản xuất người dân Quảng Lưu (Quảng Trạch - Quảng Bình) cùng với các xã lân cận đã vào rừng chặt phá không thương tiếc. Những cây to đem bán, cây nhỏ làm củi, những dãy đồi ở Quảng Lưu bỗng chốc trọc lốc, loang lổ những vết cháy vì người dân chặt, đốt lấy đất làm nương rẫy. Rừng bị phá tan hoang, nên hầu như năm nào Quảng Lưu cũng mất mùa do hạn hán, lũ quét.
Rung cây dẻ cho hạt rơi xuống để nhặt
Các hồ, đập trên địa bàn cũng mất luôn chức năng điều tiết nước, thường xuyên gặp sự cố. Mùa mưa, nước tràn vào làng gây ngập úng, mùa khô nước cạn kiệt không đủ phục vụ sản xuất nông nghiệp. Mất rừng, cuộc sống của người dân Quảng Lưu vốn đã khó nay càng khó hơn, đói nghèo thường trực, hiện hữu trên vùng chiến khu cách mạng năm nào.
Trước tình trạng đó, sau nhiều lần bàn đi họp lại, cuối cùng chính quyền xã Quảng Lưu xác định việc tái sinh rừng dẻ là vấn đề cấp thiết nhất, cần làm ngay. Ông Biền Ngân, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Quảng Lưu nhớ lại, chính quyền xã đã ra quyết sách cấm cửa rừng, không cho người dân vào rừng chặt phá, làm nương rẫy.
Những cán bộ, đảng viên nào vi phạm sẽ bị kỷ luật, với người dân thì vận động, tuyên truyền cho họ hiểu. Những ngày đầu, việc cấm rừng gặp phải phản ứng quyết liệt từ người dân. Nhiều người còn kéo đến nhà lãnh đạo xã chửi bới, nói xấu vì đã "cướp" mất miếng cơm của họ.Để vào cuộc quyết liệt, chính quyền xã lập hẳn một tổ bảo vệ rừng thường xuyên túc trực, tuyên truyền cho người dân hiểu được những lợi ích lâu dài của rừng mang lại.
Dần dần, với sự nỗ lực của các cấp chính quyền, người dân cũng ngộ ra. Họ không vào rừng đốt rẫy, lấy củi nữa mà còn chủ động phát giác người lạ vào chặt phá rừng. Những gốc dẻ thi nhau đâm chồi và hồi sinh từ đó."Công cuộc tái sinh rừng dẻ là biết bao nhiêu nỗ lực của chính quyền và người dân hết lòng ủng hộ, mồ hôi, nước mắt thậm chí cả máu đã đổ xuống...
Và rừng không phụ lòng người, giữ được rừng, người dân Quảng Lưu chẳng những không phải lo về hạn hán, lũ lụt mà mỗi năm còn thu về tiền tỷ từ việc đi nhặt và bán hạt dẻ..." - Ông Biền Ngân phấn khởi cho biết.
Chúng tôi men theo con đường 22B vào rừng dẻ Quảng Lưu, càng vào sâu những đồi dẻ càng ken dày, xanh ngút, bạt ngàn tầm mắt, không còn thấy đâu những vết loang lổ một thời. Mùa dẻ rụng bắt đầu từ tháng 10-11 dương lịch hàng năm.
Đó cũng là lúc công việc đồng áng đang rảnh rỗi, người dân Quảng Lưu cũng như các xã lân cận quanh chiến khu Trung Thuần lại cùng nhau vào rừng. Nhưng vào rừng không phải để chặt phá, đốt rẫy mà để nhặt hạt dẻ, thu hoạch những thành quả mà họ đã bảo vệ mấy chục năm nay.
Thu hơn 2 tỷ mỗi năm từ rừng dẻ
Rừng dẻ được tái sinh, cuộc sống của người dân Quảng Lưu từ đó cũng khấm khá lên từng ngày. Giữ được rừng, tình trạng lũ quét, ngập úng vào mùa mưa, thiếu nước vào mùa khô không còn nghiêm trọng như những năm trước.
Có lẽ không ai thấm thía tầm quan trọng của rừng hơn người dân Quảng Lưu. Rừng dẻ giờ đây không những bảo vệ ruộng làng Quảng Lưu mà còn mang về một nguồn thu quan trọng mỗi năm cho người dân trong xã.
Hạt dẻ được thương lái mua ngay tại cửa rừng
Gia đình chị Lê Thị Tuyết, thôn Vân Tiền được nhận khoán bảo vệ gần 5 ha rừng dẻ, mỗi năm nhặt được hơn nửa tấn hạt dẻ thu về hơn chục triệu đồng. Từ tiền bán hạt dẻ, gia đình chị có thêm vốn để chăn nuôi, trồng trọt, lập trang trại giữa đồi dẻ bạt ngàn xanh tốt. Dần dà cũng có "của ăn của để", gia đình chị thoát được nghèo trở thành hộ khá giả trong xã.
Vào mùa hạt dẻ rụng, có tới hàng trăm lượt người vào rừng nhặt hạt dẻ mỗi ngày. Năm nay được mùa, lượng người vào rừng nhặt hạt cũng đông hơn hẳn. Vừa ra khỏi cửa rừng, hai mẹ con chị Đặng Thị Như và cháu Nguyễn Thị Lành, ở thôn Vân Tiền vác trên vai bao hạt dẻ nặng trĩu đã có thương lái đón mua tại chỗ.
Chị Như cho biết, năm nào cũng vậy, cứ đến mùa dẻ, công việc đồng áng đang rỗi chị lại vào rừng nhặt hạt. Trung bình mỗi người nhặt được 7-10kg hạt dẻ/ngày, ra khỏi cửa rừng là có thương lái mua ngay. Những năm dẻ ít hạt thì bán được 30.000 đồng/kg, năm nay sai hạt, nhiều người đi nhặt nên chỉ bán được giá 20.000 đồng/kg. Ngày bình thường người dân cũng kiếm được 200-300 ngàn đồng, đủ để trang trải sinh hoạt. Còn cháu Lành, đang học lớp 6 vui vẻ cười nói," Hôm nào nghỉ học lại vào rừng nhặt hạt dẻ với mẹ, tiền bán được để dành mua sách vở, quần áo để đi học, đỡ đần cho ba mẹ".
Theo thống kê sơ bộ của UBND xã Quảng Lưu, mỗi năm trung bình người dân thu hoạch được khoảng 100-120 tấn. Với giá bình quân 20.000/kg, sản lượng hạt dẻ mang lại nguồn thu hơn 2 tỷ đồng cho người dân toàn xã. Tuy nhiên trên thực tế số lượng lớn hơn nhiều, bởi không chỉ có người dân Quảng Lưu, người dân các xã lân cận như Quảng Tiến, Quảng Thạch... cũng vào rừng nhặt hạt.
Anh Cao Hoài Nam, thôn Hải Lưu, xã Quảng Tiến cho hay: "Mấy năm trở lại đây, đến mùa dẻ tôi đều vào rừng nhặt hạt dẻ kiếm thêm thu nhập. Một tháng đi nhặt hạt dẻ, nếu chịu khó cũng kiếm được 5 -7 triệu đồng. Cũng may mùa dẻ bắt đầu trước khi vào vụ mùa mới nên có việc mà làm chứ không cũng chẳng biết làm gì ra tiền nuôi mấy đứa em ăn học". Cũng theo anh Nam, người dân các xã khác đi nhặt hạt dẻ có khi còn nhiều hơn người Quảng Lưu.
Rõ ràng, rừng dẻ Quảng Lưu hồi sinh không những đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân trong xã và các vùng lân cận, mà còn góp phần quan trọng bảo vệ môi trường sinh thái, hạn chế thiệt hại do thiên tai, lũ lụt gây ra hàng năm. Chia tay với những người dân đi nhặt hạt dẻ, chúng tôi không khỏi có suy nghĩ: Giá như tất cả các cánh rừng tự nhiên của tỉnh ta đều được cộng đồng chung tay bảo vệ tốt như rừng dẻ Quảng Lưu.