CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:12

Những trang trại bạc tỷ ở Tân Kỳ

 Nuôi bò sữa – cuộc cách mạng mới

Buổi chiều ở xã Nghĩa Hợp (Tân Kỳ) cũng bình yên như mọi làng quê, nhà nhà đều ra đồng và trở về, bên sân xóm phụ nữ, đàn ông vui thể thao bóng chuyền sau một ngày lao động vất vả. Nhưng đối với các hộ nuôi bò sữa ở xóm 3 Nghĩa Hợp và ở Nghĩa Đồng, Tân Phú, buổi chiều là thời khắc bận rộn nhất sau khi cho bò  sữa ăn, đó là vệ sinh chuồng trại, vệ sinh bò, khu vực vắt sữa và chuẩn bị cho công việc vắt sữa –công việc mới và quan trọng nhất của các gia đình. Đợi khoảng 30 phút sau, chị Lê Thị Lương xóm 3 Nghĩa Hợp mới vệ sinh xong cho đàn bò 8 con đang cho sữa.
Chị Lương cho biết sữa được vắt bằng máy, cho chảy vào bình chuyên dụng, tất cả phải thực hiện sao cho sạch sẽ, sau đó bảo quản sữa vào tủ lạnh, sáng mai 2-3 h sáng lại tiếp tục công đoạn vắt sữa và đi nhập ngay cho nhà máy Vinamilk… Nhà chị Lê Thị Lương có 8 con bò cho sữa, một con cho 25 kg sữa một ngày, 8 con bò cho 1,5 đến 1,6 ta sữa/ngày, như vậy một tháng nhà chị được Công ty Vinamlilk thanh toán hơn 60 triệu đồng tiền sữa. Giờ tháng nào cũng như tháng nào, anh chị có tiền “lương” và tích lũy để đầu tư trang trại và phát triển đàn bò.

Hầm thức ăn ủ chua cho bò sữa

Công việc của những người nuôi bò sữa liên chân liên tay. Nào đi cắt cỏ, chặt ngô, về thái cỏ, thái ngô bằng máy quay, rồi cho ăn, dọn chuồng vắt sữa…nhưng bù lại thu nhập rất cao là nguồn động viên anh chị vượt qua khó khăn để học hỏi, làm giàu. Phân thải ra gom lại đã có người từ các xã  đến mua về bón cho cao su, cà phê, cam, ngô… Nước dọn chuồng cũng có người mua, chở vào tẹc đem đi.

Anh Nguyễn Văn Mạnh xóm 3 Nghĩa Hợp có 5 con bò sữa, từ một gia đình nghèo nay một tháng thu 15 triệu đồng tiền sữa. Những xã viên của HTX chăn nuôi bò sữa xã Nghĩa Hợp (Tân Kỳ) đều rất bận rộn với tư duy làm ăn mới, cả ngày “xoay tròn” với đàn bò sữa, bữa cơm vội hơn, đêm ngủ ít hơn, 2 h sáng đã dậy vắt sữa kịp chở sữa lên nhập ở xã Nghĩa Mai (Nghĩa Đàn). Đúng 5 h sáng, tất cả các hộ mang sữa tươi đến nhà ông Nguyễn Hồng Sơn, chủ nhiệm HTX để gom tất cả lại.
 Ông Nguyễn Hồng Sơn, Chủ nhiệm HTX chăn nuôi bò sữa Nghĩa Hợp cho hay: Công việc vất vả nhưng có động lực để lao động, ai cũng phấn khởi.

Hiện nay đàn bò ở Nghĩa Hợp và thêm 2 hộ ở Tân Phú gia nhập HTX nữa là hơn 60 con, sản lượng sữa đạt 7- 8 tạ/ ngày. Mọi khó khăn ban đầu có cán bộ của nhà máy Vinamilk hỗ trợ, như thú y, hướng dẫn phối giống, bệnh tật.. Các xã viên HTX  đều vì nhau, giúp đỡ nhau, cho nhau thông tin, kinh nghiệm, nhà nào cũng muốn phát triển đàn bò nhiều hơn để đạt sản lượng 1,5 đến 2 tấn tạo thuận lợi cho nhà máy đặt bồn. Trời đã tối nhưng tại nhà ông chủ nhiệm, vẫn có mấy người dân đến nhà  mong được gia nhập HTX.
Chủ tịch xã Nghĩa Hợp,  ông Võ Văn Lợi cho biết: Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ cùng với phòng nông nghiệp, xã và các hộ đã lên làm việc với nhà máy sữa Vinamilk, chi nhánh Nghệ An để nhà máy thu mua sữa cho HTX, đồng thời định hướng phát triển nghề bò sữa ở địa phương như là một nghề mới đầy lợi thế. Huyện đang có kế hoạch phát triển đàn bò sữa trên địa bàn lên 1000 con. Sự quan tâm của chính quyền địa phương mà các hộ nuôi bò sữa rất yên tâm. 
Nghĩa Hợp là xã còn khó khăn của huyện Tân Kỳ, cách thị trấn hơn 20 km, đất đai chủ yếu đồi vệ, không bằng phẳng. Nhân dân đã làm đủ nghề, trồng đủ cây như lúa, bí xanh, sắn dây, ngô… Nay có thêm nghề nuôi bò sữa thực sự như làn gió mới, bà con lần đầu biết đến tiền “lương” trả trong thẻ ATM, trẻ em được uống sữa nóng và hơn hết là sự bận rộn, tinh thần ham học hỏi kỹ thuật chăn nuôi, thú y của những nông dân vùng miền núi.
Đến những trang trại tiền tỷ

Trang trại lợn 2.400 con lợn ở Nghĩa Hành - Tân Kỳ

Anh Nguyễn Như Kỳ, phó phòng Nông nghiệp huyện Tân Kỳ cho biết: Tân Kỳ còn có trang trại bò Úc qui mô trên 300 con bò được bố trí trong núi, cách xa khu dân cư, đầu tư 12 tỷ đồng và 10 trang trại gà có qui mô 1000 -5000 con/ lứa. Với sự xuất hiện của nhiều trang trại, nguồn cung hàng hóa về thực phẩm của Tân Kỳ dồi dào và đều đang có đầu ra.  Bên cạnh đó tạo việc làm thêm cho nhiều nghề khác.

Thời gian gần đây, Tân Kỳ xuất hiện rất nhiều trang trại chăn nuôi lớn. Trang trại chăn nuôi lợn qui mô lớn nhất ở Tân Kỳ với qui mô 2.400 con của chị Lê Thị Thanh, xóm 10 xã Nghĩa Hành. Đây là trang trại lợn thịt được qui hoạch nằm trong núi, cách xa khu dân cư, tổng đầu tư  tỷ đồng. Trang trại được lắp đặt hệ thống đèn sưởi về mùa đông và quạt gió về mùa hè. Lợn được nuôi trên 1 tạ mới xuất bán. Trang trại có công nhân  chăm sóc theo qui trình của hãng CP Thái Lan, cung cấp đàn lợn đực giống cho địa phương trong vùng và lợn thịt được công ty CP (Thái Lan) bao tiêu. 

Lứa mẹ thứ 2 ở trang trại bò Úc ở Tân Kỳ

 Tân Kỳ hiện có 477 gia trại, trang trại nhỏ, trong đó có 48 trang trại đạt tiêu chuẩn của Bộ NN và PTNT. Các trang trại đều được chính quyền địa phương quan tâm, chăm lo, hàng năm huyện tạo điều kiện cho các chủ trang trại được gặp nhau, trao đổi thông tin, từ đó kết nối với nhau và tự liên hệ để đảm bảo đầu ra cho trang trại của mình trong cả nước.
Theo ông Phạm Văn Hóa, Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ cho rằng: “Tân Kỳ dồn sức cho trang trại phát triển cũng có nguyên nhân: trồng trọt khó khăn, hạn hán thiên tai thường xuyên đe dọa, trong khi đó, các chủ trang trại khi đã đầu tư lớn đều rất quan tâm bảo vệ sản nghiệp của mình, họ đầu tư chống rét, chống nóng, chăm lo thú y, phòng chống dịch bệnh. Hơn nữa các trang trại góp phần tạo ra giá trị lớn trong sản xuất nông nghiệp. Tân Kỳ phấn đấu đến 2020 có 200 trang trại đạt chuẩn của Bộ Nông nghiệp".

Theo baonghean.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh