THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 01:57

Hội nhập quốc tế: Nhân tài toàn cầu sẽ trở nên không biên giới

Trong điều kiện nền kinh tế thế giới đang bước vào giai đoạn toàn cầu hóa, lợi thế so sánh của sự phát triển kinh tế đang chuyển từ yếu tố giàu tài nguyên, nhiều tiền vốn, giá nhân công rẻ sang lợi thế về nguồn nhân lực chất lượng cao. Vấn đề đặt ra đối với Việt Nam là đổi mới cơ chế giáo dục đào tạo nhằm phát triển nguồn nhân lực này.

Thứ trưởng Bộ Nội Vụ Trần Anh Tuấn (ngoài cùng) tham dự Hội thảo

Đem đến cho nhân sự điều kiện thăng tiến 

Để thúc đẩy đổi mới trong giáo dục ngành nhân sự cũng như mong muốn đem đến một cái nhìn tổng quan về sự cần thiết trong việc thay đổi và hoàn thiện bộ máy quản lí nhân sự phù hợp với thời kì hội nhập, tạo ra diễn đàn và cơ hội tốt cho các em sinh viên trước ngưỡng cửa tìm việc, ngày 19/10 tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo khoa học quốc gia “Nâng cao chất lượng đào tạo về kinh tế và quản lý nguồn nhân lực trong bối cảnh hội nhập quốc tế” do khoa Kinh tế và quản lý nguồn nhân lực (trường Đại học Kinh tế quốc dân) tổ chức.

Tham dự hội thảo có Thứ trưởng Bộ Nội Vụ Trần Anh Tuấn; Phó hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc Dân PGS.TS Phạm Quang Trung; Chủ nhiệm khoa Kinh tế và Quản lý nguồn nhân lực PGS, S Vũ Thị Mai cùng giám đốc nhân sự các tập đoàn, doanh nghiệp lớn. Điều đặc biệt là các giám đốc nhân sự ở các doanh nghiệp lớn trong nước và doanh nghiệp FDI này đều là cựu sinh viên của trường ĐH Kinh tế Quốc dân.
Ông Phạm Hồng Quân, Giám đốc nhân sự khu vực Châu Á TBD, CTy Piagio Việt Nam đã mở đầu buổi hội thảo với bài phát biểu thú vị của mình. Với kinh nghiệm 20 năm trong lĩnh vực quản lý nhân sự, theo suy nghĩ cá nhân, ông nhận định rằng ngành Quản trị nhân sự ngày nay thật sự nóng bỏng, mấu chốt chủ yếu đặt ra cho người quản lí là phải làm sao “bùng nổ” được tất cả khát vọng của từng con người trong một tập thể, phải cho họ cảm thấy họ được tôn trọng, thỏa mãn và đem đến cho các nhân sự điều kiện thăng tiến trong công việc. 

“Mỗi một chuyên ngành, ở góc độ nhân lực, yêu cầu trình độ ngoại ngữ phải là yêu cầu bắt buộc trong quá trình hội nhập. Trong một số dự án, khi chúng tôi tổ chức tuyển nhân sự, nhiều em khả năng rất tốt nhưng quá đáng tiếc, chỉ vì yếu ngoại ngữ mà các em vuột mất các cơ hội việc làm tốt ở các doanh nghiệp nước ngoài, các doanh nghiệp lớn”, ông Phạm Hồng Quân chia sẻ.

Cùng với đó, ông Quân cho rằng, bản thân các giảng viên cũng cần có một “kiến thức nền” để giảng dạy cho các em về Luật Lao động, về các điều kiện cơ bản nhất để các em- là người lao động tương lai – khi bước chân vào đời, nắm bát các cơ hội nghề nghiệp, đã được trang bị kiến thức để ứng phó với các vấn đề như doanh nghiệp muốn sa thải người lao động, cần phải “đủ” những gì, sẽ giúp sinh viên làm chủ trong quá trình làm việc.

“Đặc biệt thời đại hội nhập, ngay trên ghế nhà trường, thầy cô phải góp phần giúp các em tự nâng tầm sinh viên Việt Nam so với sinh viên các nước; tạo các cơ hội cho các em giao lưu với sinh viên quốc tế, để chúng ta có cơ hội so sánh, đưa ra các sự hợp tác và quan trọng nhất là để các em sinh viên có cơ hội thực tiễn”, ông Quân khuyến nghị. 

Quay về phía các sinh viên đang chăm chú theo dõi, ông Quân bày tỏ thêm, ông lấy làm tiếc khi nhiều em đầu tư đến 4 năm để học môn quản lý nhân sự mà ra trường lại đi làm những nghề khác, “dù rằng mọi thứ đều có thể làm được từ đầu ở bất cứ thời điểm nào và không bao giờ là muộn”. 

Người làm quan hệ lao động phải biết hài hòa văn hóa giữa các quốc gia

Đồng quan điểm, bà Bùi Thị Hương, Giám đốc nhân sự CTy Yamaha Motor cũng cho rằng, yêu cầu tối thiểu của nhân sự thời hội nhập là phải thông thạo tiếng Anh. Bà Hương cho biết, ngay tại Cty Yamaha mỗi người làm công tác quản lý nhân sự phải có kế hoạch của bản thân: học gì, làm gì trong một năm. Căn cứ vào đó Cty sẽ có hỗ tợ, tư vấn, đào tạo để nhân lực phát triển. “Quản lý nhân lực trong doanh nghiệp liên doanh Yamaha: có mặt trên 32 quốc gia với 128 nhà máy, riêng ở VN có 2 nhà máy ở Sóc Sơn và Nội Bài. Với gần 5,574 nhân viên, để quản lý được nguồn nhân lực này đồng nghĩa với việc quản lý toàn diện về lương thưởng phúc lợi xã hội, các quan hệ lao động…”, bà Hương cho biết.

Đáng chú ý, bà Hương cho rằng khi tham gia AEC, TPP chúng ta phải xác định rõ ràng tự do di cư lao động qua biên giới, tính đa dạng văn hóa sẽ xuất hiện. Một doanh nghiệp sẽ có nhiều lao động ở các quốc gia khác nhau. “Nhân lực thời hội nhập đa dạng, phong phú và không biên giới. Người làm quan hệ lao động phải biết hài hòa văn hóa giữa các quốc gia, nếu không hiểu rõ về văn hóa, tôn giáo của các quốc gia, về khả năng đàm phán, thuyết phục, chuyên môn, cách thức làm việc của chuyên gia, nhân sự từng nước, bạn sẽ thất bại”, bà Hương nhấn mạnh. 

Do đó, làm thế nào để đảm bảo an toàn phát triển, doanh thu cho doanh nghiệp, đồng thời đảm bảo tốt cho người lao động, hài hòa các mối quan hệ mới đem lại lợi ích cao cho nhà đầu tư và đảm bảo cho sự phát triển của đất nước là một đòi hỏi không dễ đối với ngành quản lý nguồn nhân lực. “Chuyển đổi thách thức thành cơ hội, do đó phụ thuộc vào chúng ta”, bà Hương khẳng định. 

Chưa hết, điểm làm đau đầu nhà quản lý cũng như doanh nghiệp là sẽ phải đối mặt với sự già hóa từ nguồn lao động. Các chuyên gia tại Hội thảo cho rằng, đây là vấn đề mà các doanh nghiệp phải dự trù sẵn, có bước đi sẵn để chuẩn bị ứng phó với già hóa dân số. Để tận dụng sức lao động tối đa và phát triển hài hòa một công ty, chắc chắn trong vài năm tới, trong một công ty, sẽ có nhân sự quá già và nhân sự mới 18 tuổi. Để bảo đảm điều hòa, đòi hỏi doanh nghiệp cần phải có các kỹ năng, các chi phí lao động và chiến lược lao động của mình. 

Một bài toán nữa thời hội nhập là sự phát triển như vũ bão của công nghệ. Công tác nhân sự không thể đứng ngoài cuộc. Đi ra khỏi phòng xoáy của công nghệ, là doanh nghiệp tự đào thải chính mình. Điều này Thứ trưởng Bộ Nội Vụ Trần Anh Tuấn cũng đồng thuận với các giám đốc nhân sự của các doanh nghiệp, rằng quản trị nhân sự thời đại công nghệ, phải ứng dụng công nghệ hiệu quả, là đòn bẩy để đưa hiệu suất lao động cao hơn, đó mới là quan điểm quản trị nhân sự thời đại hội nhập. 
Theo đó, Chủ nhiệm khoa Kinh tế và Quản lý nguồn nhân lực PGS, TS Vũ Thị Mai nhận định, quản trị nhân sự ngày nay đang dần thay thế vị trí của bộ phận hành chính nhân sự thông thường (tuyển dụng, trả lương, đào tạo,…) nhằm đổi mới, hoàn thiện hơn về bộ máy quản lí có tầm nhìn lâu dài dựa trên cơ sở tự kiểm soát bản thân hơn là dựa trên sự kiểm soát từ bên ngoài vào. Chính việc mở rộng chiều sâu và đa dạng trong vai trò của mình đã chứng tỏ cho sự thay đổi tích cực về nhân sự tại Việt Nam./.

THANH NHUNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh