CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 03:21

Nhân lực ngành du lịch: Đã thiếu lại yếu

 

Thiếu về số lượng, mất cân đối về cơ cấu

Để du lịch phát triển, bên cạnh nhiều yếu tố quan trọng khác, thì việc xây dựng và phát triển đội ngũ HDV chuyên nghiệp có vai trò hết sức quan trọng. Tuy nhiên, hiện lực lượng HDV còn thiếu và yếu, gây ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam. Tại hội thảo khoa học “Nâng cao chất lượng đào tạo văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao và du lịch theo hướng chuẩn quốc gia và khu vực" do Vụ Đào tạo (Bộ VH-TT&DL) tổ chức, các chuyên gia bày tỏ, HDV du lịch không chỉ thiếu trầm trọng về số lượng mà còn mất cân đối nghiêm trọng về cơ cấu.

Cụ thể, trong số 9.920 HDV quốc tế thì HDV nói tiếng Anh có 5.595 người, tiếng Hoa có 1.586 người, tiếng Pháp có 1.135 người, tiếng Nga có 521 người, tiếng Nhật có 512 người... Tình trạng này dẫn đến sự xuất hiện các HDV “chui”, trong đó có một số người nước ngoài lâu năm ở Việt Nam, thông thạo dịch vụ, đã tự tổ chức tour, hướng dẫn khách. Các chuyên gia cho rằng, điều này dễ khiến nội dung thông tin bị truyền tải sai lệch, khó kiểm soát. Điển hình như tình trạng HDV người Trung Quốc giới thiệu sai lệch về lịch sử văn hóa, chủ quyền của Việt Nam tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn các tỉnh, thành phố miền Trung đang gây nhiều bức xúc trong dư luận những ngày gần đây.

Mặt khác, theo TS Phạm Hồng Long, Khoa Du lịch, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội, hiện việc cấp thẻ HDV cũng đang có nhiều bất cập. Đó là chỉ cần trải qua một khóa đào tạo ngắn hạn theo những quy định trên và đạt yêu cầu, bất kể người lao động đó có học chuyên ngành HDV du lịch trước đó hay không đều có thể được cấp bằng HDV du lịch. Trong khi những người có kinh nghiệm và kiến thức về hướng dẫn du lịch nhưng không có điều kiện tham dự các khóa bồi dưỡng nghiệp vụ hướng dẫn du lịch thì không được cấp bằng.

Hướng dẫn viên đang giới thiệu cho du khách về một di tích lịch sử.

Tình trạng này dẫn đến số lượng HDV du lịch tăng liên tục qua các năm, chưa kể số lượng HDV chui, sinh viên đi làm HDV du lịch. Và cũng chính từ sự dễ dãi đó nên HDV du lịch Việt Nam hiện nay đang bão hòa và đại trà về số lượng, nhưng thiếu và yếu về chất lượng.

Thiếu trung tâm đào tạo nhân lực chất lượng cao

Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Văn Khánh, Trường cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn, đội ngũ nhân viên nghiệp vụ du lịch nói chung và HDV du lịch nói riêng hiện còn thiếu tính chuyên nghiệp, kỹ năng nghề chưa thuần thục, kỹ năng ngoại ngữ còn hạn chế. Phần lớn nguồn nhân lực du lịch chỉ qua các khóa học “cấp tốc” hoặc ngắn hạn nên kỹ năng nghề nói chung còn thấp. Số lao động có trình độ đại học và trên đại học chiếm tỷ lệ thấp trong tổng số lao động đã qua đào tạo, nhưng rất ít người được đào tạo đúng chuyên ngành du lịch, chủ yếu từ các ngành nghề khác chuyển sang.

Cụ thể, nguồn lao động đang làm việc trong ngành du lịch Việt Nam không qua đào tạo (hoặc chỉ đào tạo ở trình độ sơ cấp) chiếm tới 36,93% trong tổng số hơn 600.000 người lao động trực tiếp trong ngành du lịch, chưa kể số lao động du lịch gián tiếp (xấp xỉ 1 triệu người) chủ yếu chưa qua đào tạo. Kiến thức hội nhập, ngoại ngữ, tin học; năng lực sáng tạo, lãnh đạo, quản lý, quản trị, kỹ năng và kinh nghiệm thực tế còn hạn chế, chưa tương ứng với yêu cầu phát triển của ngành. Điều này khiến nhân lực du lịch Việt Nam rất khó cạnh tranh với lao động nước ngoài khi hội nhập kinh tế khu vực ASEAN.

Hiện Việt Nam vẫn đang thiếu các trung tâm đào tạo nhân lực du lịch chất lượng cao. Theo thống kê, hiện nguồn nhân lực cho ngành du lịch trình độ từ đại học trở lên chỉ chiếm 3,11% trong số hơn 1 triệu lao động của ngành. TS Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng: “Quy hoạch, xây dựng trường thì rất nhiều, nhưng thực tế ta chưa có nơi nào thực sự đào tạo có uy tín để cung cấp nhân lực cho ngành du lịch. Nhiều doanh nghiệp kêu bây giờ tuyển nhân lực hoạt động trong lĩnh vực lữ hành, khách sạn, resort đẳng cấp rất khó, nhiều doanh nghiệp phải thuê người nước ngoài, vì ta không đáp ứng được”.

Theo nhận định của ông Phạm Hà, Tổng Giám đốc Cty Luxury Travel, hầu hết các doanh nghiệp du lịch lữ hành đang thiếu hụt trầm trọng đội ngũ quản lý bậc trung. Gia nhập AEC, thị trường lao động mở cửa với ngành này, các doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội lựa chọn nhân lực hơn, nhưng cũng đồng nghĩa lao động trong nước có ít cơ hội hơn nếu trình độ ngoại ngữ, kỹ năng chuyên môn không được cải thiện. Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch chia sẻ: Cùng với sự xuất hiện ngày càng nhiều Cty lữ hành, các khu nghỉ dưỡng lớn được xây dựng khắp nơi trong cả nước, có thể nói du lịch đang đóng một vai trò lớn trong tạo việc làm trong xã hội. Tuy nhiên cũng giống như nhiều lĩnh vực khác, ngành du lịch luôn phải đối mặt với tình trạng thiếu nguồn nhân lực.

Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch nói chung và tránh tình trạng HDV du lịch “chui” nói riêng, theo các chuyên gia, trong quá trình đào tạo cần tăng cường đào tạo ngoại ngữ cho sinh viên (kể cả ngoại ngữ không chuyên và ngoại ngữ chuyên ngành du lịch), khuyến khích học thêm các ngoại ngữ hiếm theo dự báo thị trường khách quốc tế, để thị trường du lịch không bị thiếu hụt HDV do kém ngoại ngữ. Ngoài ra, cơ quan quản lý nhà nước cần chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra và có biện pháp xử phạt nặng nhằm chấm dứt tình trạng HDV du lịch “chui” đang gây bức xúc dư luận và thiệt hại cho hoạt động du lịch chân chính.

NGUYỄN THANH/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh