Nhạc sĩ Vinh Sử: Thăng trầm cùng bolero
- Văn hóa - Giải trí
- 20:51 - 29/07/2017
Những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, khi Văn Nghệ quán tại 81 Trần Quốc Thảo, quận 3, TP.HCM còn đang thời hoàng kim và nổi tiếng bởi bia hơi ngon, rẻ, tôi là một trong những thực khách thường xuyên của quán.
Thời ấy quán là nơi hội tụ đông đảo giới văn nghệ sĩ, báo chí nhiều thế hệ với đủ các chuyên ngành từ văn, thơ, nhạc, họa, điêu khắc, sân khấu, điện ảnh, báo viết, báo hình, báo nói…
Tôi nhớ lần ấy nhờ ngồi chung bàn với cố nhạc sĩ Châu Kỳ tác giả của những nhạc phẩm boloro nổi tiếng như: “Đón xuân này, nhớ xuân xưa”, “Giọt lệ đài trang”, “Còn đường xưa em đi”… mà tôi được diện kiến “vua nhạc sến” Vinh Sử.
Thời điểm ấy, dòng nhạc bolero ít được phổ biến trên sân khấu, trên sóng phát thanh, truyền hình và việc chi trả tiền tác quyền cũng phập phù, nhập nhèm nên hoàn cảnh của “vua nhạc sến” cũng túng bấn.
Sau vài tuần bia hơi dường như đã ngà ngà, ông trải lòng rằng ông mê những giai điệu trữ tình của dòng nhạc boloro từ nhỏ, nên mua sách nhạc về tự học, rồi tập tành sáng tác.
Nhờ năng khiếu ấm nhạc trời phú, nên Vinh Sử đã nhanh chóng nhập cuộc và hòa mình vào dòng nhạc bolero đang thời hoàng kim ở miền Nam khi ấy.
Ngay từ những sáng tác đầu tiên của ông đã thiên về giai điệu bolero trữ tình với đề tài tình yêu lứa đôi, trắc trở, ngang trái, mất mát, chia ly dễ đi vào lòng công chúng bình dân từ làng quê đến thành thị, nên được đông đảo công chúng yêu thích.
Tuy nhiên, những sáng tác của ông không phải ngay lập tức được công chúng biết đến, mà cũng rất long đong lận đận trong việc tìm kiếm cơ hội để phổ biết ca khúc của mình với công chúng thời bấy giờ.
Ông cho biết, ca khúc đầu tay của ông là “Yêu người chung vách”, có số phận thăng trầm như chính cuộc đời ông vậy. Ca khúc này được chính ca sĩ nổi danh dòng nhạc boloro Chế Linh hát và thu âm, nên khi ông đem đến những quán cà phê vỉa hè mở cho mọi người nghe ai cũng khen hay.
Nhưng, khi ông đem bản quyền tới một nhà phát hành băng đĩa nhạc có tiếng Sài Gòn, để cho ông chủ nghe thử thì bị chê và sau đó bị ném vào sọt rác.
Thất bại và bị tổn thương, nhưng ông không nản chí vẩn say mê dồn hết tâm huyết của mình cho sáng tác âm nhạc. Rồi ca khúc “Yêu người chung vách” do Chế Linh thể hiện cũng lọt và đôi tai thẩm định âm nhạc tinh tường của một nhạc sĩ tên tuổi và được phát miễn phí trên sóng Đài Phát thành Sài Gòn gây được tiếng vang, tên tuổi nhạc sĩ Vinh Sử từ đó được đông đảo công chúng biết đến.
Thành công ấy, những ca viết khúc về phận người nghèo, thiếu may mắn, tình duyên éo le liên tiếp xuất hiện làm nên tên tuổi ông “vua nhạc sến” như: Gõ cửa trái tim”, “Gái nhà nghèo”, “Hai bàn tay trắng, “Người phu kéo mo cau”, “Nhẫn cỏ cho em”…
Thời hoàng kim trước 1975, số tiền tác quyền từ những ca khúc bolero đã đem lại cho ông món tiền không hề nhỏ, đủ để ông mua nhà lầu, sắm xe hơi và sống một cuộc sống vương giả.
Ngoài chuyện tiêu tiền không kém gì “công tử Bạc Liêu”, ông “vua nhạc sến” còn nổi tiếng đào hoa với 4 đời vợ và nhiều mối tình dang dở với biết bao người đẹp.
Sau những cuộc chia ly với những người vợ và những người tình, ông lại cho ra đời những ca khúc làm say đắm lòng người yêu dòng nhạc bolero như: “Đêm lang thang”, “Gõ cửa trái tim”…
Sau 1975, dòng bolero bắt đầu nhường chỗ cho những ca khúc cách mạng (nhạc đỏ) lên ngôi, không còn nguồn thu nhập từ tiền tác quyền, đời sống của ông “vua nhạc sến” hết thời hoàng kim phong lưu.
Cũng như nhiều văn nghệ sĩ danh tiếng trước 1975 ở Sài Gòn, ông cũng gặp phải rất nhiều chật vật khó khăn trong cuộc mưu sinh.
Năm 2014, ông bị bệnh ung thư đại tràng, đã trải qua phẫu thuật và sống cảnh cô đơn nghèo túng trong căn nhà chưa đầy 20 mét vuông nằm sâu trong con hẻm nhỏ ở quận 7.
Nhiều lần ông chia sẻ với báo giới rằng, mình từ tay trắng mà trở nên giàu có, giờ lại trắng tay âu cũng là bình thường thôi, có nữa thì chết cũng có mang theo được đâu, thôi vậy cũng đủ rồi.
Đến nay, sau một thời gian trị bệnh, sức khỏe của ông tiến triển tốt ổn định, ông lại phiêu bồng chu du đó đây và vẫn chung thủy với dòng nhạc bolero.
Trải qua bao thăng trầm của cuộc đời, gia tài âm nhạc của ông "vua nhạc sến" Vinh Sử với hàng trăm ca khúc trữ tình dòng nhạc bolero đã và đang được phổ biến trên sân khấu ca nhạc cả nước.
Ông lạc quan cho biết, nhờ bệnh tật ở nhà hoài mà tôi mới sáng tác được hàng loạt ca khúc mới, hiện có khoảng gần 300 nhạc phẩm chưa phổ biến.
Tháng 1/2016, Chương trình “Sol Vàng” với chủ đề: “Vinh Sử - Gõ cửa trái tim” đã thực sự mang đến mang đến cho người nghe nhiều cung bậc cảm súc, khiến công chúng càng yêu dòng nhạc bolero hơn bội phần.
Những ca khúc vang bóng một thời “Qua ngõ nhà em”, Nối lại tình xưa”, “Gõ cửa trái tim” với sự thể hiện của các giọng ca bolero nổi tiêng: Giao Linh, Ngọc Sơn, Chế Thanh lại lần nữa “gõ cửa” và làm xao dộng trái tim người nghe như thuở nào.
Từ sau Chương trình “Sol Vàng” tôn vinh ông đến nay với sự “hồi sinh” của dòng nhạc bolero, những sáng tác của ông liên tục được phát trên sóng các đài Phát thanh – Truyền hình, nhất là khu vực đồng bằng sông Cửu Long: Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang, An Giang…
Nhờ đó mà nay cuộc sống của ông “vua nhạc sến” một thời nghèo túng đã lật sang một trang mới, hết bí cực đến hồi thái lai. Hiện ngày ngoài căn nhà nhỏ mà ông đã ở suốt nhiều năm qua, ông còn tậu thêm được một căn khác cũng tại quận 7, đang cho thuê.
Ông chia sẻ, nhờ bolero thịnh hành trở lại mà thời gian gần đây cuộc sống của ông thoải mái hơn, với mỗi quỹ lãnh được vài chục triệu đồng tiền tác quyền của các ca khúc. Ông bảo: “Nói chung nếu nói ít quá thì kỳ, nói nhiều quá thì người ta lại không thích, cứ nói tôi bây giờ đủ sống, không còn khổ nữa, vậy thôi".