THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 12:08

Nhạc sĩ Quỳnh Hợp: Luôn đồng hành, trăn trở cùng người lính

 

Quỳnh Hợp là ca sĩ bắt đầu khởi nghiệp ở Đoàn Nghệ thuật bộ đội Thông tin (Hà Nội) từ đầu thập niên 80 của thế kỷ trước.

Nhưng cột mốc bước ngoặt trong sự nghiệp sáng tác ca khúc của Quỳnh Hợp lại bắt đầu từ khi đầu quân về Đoàn Nghệ thuật Quân chủng Phòng không – Không quân, khi được Đoàn tạo điều kiện cho đi học sáng tác hệ trung cấp ở Trường Nghệ thuật Quân đội, rồi hệ đại học tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

Một sáng tác đầu tay “Những ngày bay hữu nghị” viết về những người lính không quân, đoạt giải ba (không có giải nhất) cuộc thi ca khúc do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức, đã tạo cho Quỳnh Hợp tự tin hơn trong cuộc dấn thân trên con đường nghệ thuật đầy nghiệt ngã, chông gai.

Từ 1991 đến nay, tuy rất bận rộn với công việc biên tập các chương trình âm nhạc ở Đài Tiếng nói Nhân dân TP. HCM, nhưng chị vẫn dành nhiều thời gian cho sáng tác âm nhạc, trong đó phần lớn những ca khúc của chị là viết về người lính và biển đảo.

Vốn chung thủy với dòng chảy không ngừng nghỉ của âm nhạc truyền thống cách mạng, những ca khúc của chị ra đời đã góp một tiếng nói riêng, một cá tính sáng tạo riêng vừa trữ tình sâu lắng, vừa khí thế hào hùng với giai điệu tiết tấu thật mạnh mẽ, hiện đại đa sắc màu thể loại âm nhạc từ dance, ballad  đến pop, rock.

Hình tượng người lính trong các ca khúc của chị hiện lên thật đậm nét và sinh động, giàu cảm xúc với những nghị lực can trường vượt lên gian khổ hy sinh, để giữ vững chủ quyền không phận và hải phận Tổ quốc.

Nhạc sĩ Quỳnh Hợp là một trong những nhạc sĩ có rất nhiều sáng tác về đề tài người lính từ biên giới tới hải đảo

Trong mỗi bước song hành cùng người lính trên mỗi chặng đường, chị đều giử gắm vào những ca khúc của mình những tâm tình dung dị mà ngập tràn tình yêu thương và chỉa sẻ sâu sắc.

Album “Dấu chân người lính”  gồm những ca khúc với nhiều cảnh huống tâm trạng chân thực như hơi thở, cuộc sống của người lính trong chiến tranh và hòa bình, trong gặp gỡ và chia ly, giữa đất liền bình yên và biển đảo đầy bão táp.

Nhiều lần nghe ca khúc “Xin mùa đông đừng đến”, tôi mới cảm nhận được phần nào những trăn trở, những đau đáu, những nấc nghẹn khôn nguôi của thân nhân liệt sĩ và của những người lính đã suốt 40 năm lặn lội bao cánh rừng để đi tìm và quy tụ hài cốt đồng đội.

Vụ tai nạn kép Su -30 và Ca Sa 212 năm 2016, khi cả nước hướng về Hà Nội, để tưởng nhớ và tiễn biệt các chiến sĩ phi công đã anh dũng hy sinh về với đất mẹ, chị kịp thời cho ra mắt công chúng album “Những đôi cánh thiên thần” để trải lòng tri ân.

Trong hơn 30 năm sáng tác, từng có mặt ở Trường Sa, bên cạnh hàng trăm ca khúc viết về những đề tài khác nhau, nhạc sĩ Quỳnh Hợp (chỉ tính tới thời điểm này) đã cho ra đời hàng chục ca khúc về biển đảo và những người lính nơi đầu sóng ngọn gió.

Tiêu biểu trong số này là những ca khúc đã tạo được dấu ấn mạnh mẽ trong lòng công chúng như: “Tổ quốc nhìn từ biển” (thơ Nguyễn Việt Chiến), “Đảo chìm”, “Đảo bão” (thơ Nguyễn Trọng Tạo), “Về thăm biển quê em” (thơ Phạm Minh Châu), “Làng đảo” (thơ Nguyễn Hữu Qúy” … và “Lính đảo đợi mưa” (thơ Trần Đăng Khoa), từng được giải A, Giải thưởng 5 năm về Văn học Nghệ thuật Quân chủng Hải quân.   

Nhiều nhà phê bình âm nhạc nhận xét, nhạc sĩ Quỳnh Hợp là một trong những nhạc sĩ đương đại đã góp phần làm mới mẻ mảng đề tài về người lính với biển đảo, bằng những ca từ, giai điệu, tiết tấu thật trẻ trung, hiện đại mà cũng thật lắng đọng đầy khắc khoải, giàu chất nhân văn, gây xúc động lòng người.

LƯƠNG ĐỊNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh