THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 11:06

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý: Tri ân qua trường ca "Mười bông hoa trinh liệt giữa ngã ba Đồng Lộc"

 

Sinh năm Giáp Tý (1924), năm nay nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đã 93 tuổi, chân yếu, mắt mờ nhưng còn minh mẫn. Ông sống lặng lẽ và cô đơn trong một căn nhà nhỏ ở Tân Định, Q1 (TP.HCM) với sự chăm sóc của một người cháu gái gọi ông bằng dượng. Trò chuyện với ông, tôi có cảm nhận tất cả những gì liên quan đến đời sống âm nhạc, dù trong quá khứ hay hiện tại ông cũng đều quan tâm và luận bàn một cách thấu đáo. Theo như ông cho biết thì ông có một tuổi thơ khá may mắn, vì được một cha cố người Tây Ban Nha cho vào nhà thờ hát thánh ca, nên ông đã sớm được học nhạc lý cơ bản, hòa thanh, hát bè. Ngoài ra ông còn được một thầy giáo là nhạc sĩ, người Hoa dạy chơi đàn guitar Hawail. Có giọng hát khá ngọt, biết đàn nên năm 1944, ông đi hát trong phòng trà ở thành Vinh để kiếm tiền sinh sống. Cách mạng tháng 8/1945 thành công, như bao thanh niên thời ấy, ông tham gia phong trào Việt Minh và tham gia đoàn kịch thơ, kịch nói của thanh niên Cứu quốc Nghệ An. Không khí hào hùng của phong cách mạng ngày ấy đã thôi thúc ông, tạo nguồn cảm hứng cho ông sáng tác ca khúc đầu tay Ai xây chiến lũy (1949). Nhưng ca khúc này nhanh chóng bị rơi vào quên lãng. Năm 1950, khi đang làm Trưởng đoàn, Đoàn Văn công Sư đoàn 304,  trong một lần theo người bạn về thăm quê ở Quỳnh Lưu, Nghệ An ông đã gặp gỡ và phải lòng cô em gái út của người bạn mình. Tài tử gặp giai nhân không thể không tương tư.

 

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý với nhạc phẩm Dư âm bất hủ đã được ông thăng hoa sáng tác từ năm 1950

 

Những ngày tháng sau đó hình ảnh người con gái ấy luôn ám ảnh ông, tạo nguồn cảm hứng cho ông thăng hoa sáng tạo nên nhạc phẩm Dư âm bất hủ, làm nên tên tuổi nhạc Nguyễn Văn Tý. Nhưng oái oăm thay, cũng chính vì Dư âm mà ông bị đưa ra kiểm điểm chỉ vì giai điệu ủy mị, ca từ lãng mạn không phù hợp với không khí của cuộc kháng chiến. Dư âm bị cấm phổ biến ở miền Bắc, nhưng ở miền Nam lại trở nên nổi tiếng được nhiều ca sĩ hát tại các phòng trà của Sài Gòn ngày ấy.

Sau hệ lụy đáng buồn của Dư âm, năm 1951 ông giải ngũ chuyển về công tác ở Chi hội Văn nghệ Liên khu IV. Ông buồn, nhưng không nản chí mà tiếp tục dấn thân vào con đường sáng tác âm nhạc một cách có định hướng và tích cực hơn. Chính trong thời gian này ông đã sáng tác được những ca khúc nổi tiếng, sau này nhận được nhiều giải thưởng giá trị như: Vượt trùng dương (1952), Tiếng hát Dôi a (1953), đặc biệt là ca khúc Mẹ yêu con (1956).  Tiếng vang và uy tín của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, được đông đảo giới nhạc sĩ trân trọng. Ông được chỉ định cùng với các nhạc sĩ danh tiếng như: Văn Cao, Lưu Hữu Phước, Nguyễn Xuân Khoát, Đỗ Nhuận thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam vào cuối năm 1957.  

Giai điệu âm nhạc trong những ca khúc của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý mang đậm chất liệu, âm hưởng của dân ca ba miền. Đó chính là dấu ấn và những chắt chiu, sự nghiền ngẫm của ông qua những chuyến dấn thân thực tế. Ông bảo: “Phương pháp sáng tác của lứa nhạc sĩ chúng tôi ngày trước là phải đi thực tế, mà đi thực tế thì việc đầu tiên là học dân ca. Dân ca xứ Nghệ là quê tôi rồi, ngấm vào máu thịt rồi. Nhưng viết “Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa”, tôi phải về Kinh Bắc, cùng tham gia những đêm quan họ, để cảm được cái hồn cốt của người và đất quan họ. Viết ca khúc Em đi làm tín dụng, tôi lại lên mạn ngược, học theo dân ca Tày… Sau 1975, chuyển vào làm công dân của TP. HCM, tôi ngưng mấy năm không viết, chỉ đi theo vợ chồng nhạc sĩ Lư Nhất Vũ – nhà thơ Lê Giang để sưu tầm dân ca Nam bộ và học làm người Nam bộ, nên mới có được Dáng đứng bến tre (1981)…”. Có thể nói công phu lắm, tài hoa lắm nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý mới đưa được cả âm sắc, lẫn ca từ và tình cảm thể hiện mang âm hưởng dân ca, hồn cốt của con người những miền quê mà ông đã đến, đã gặp vào những ca khúc của mình một cách nhuần nhuyễn như vậy.

Từ Dư âm đến Mười bông hoa trinh liệt giữa Ngã Ba Đồng Lộc, hơn nửa thế kỷ đi qua, nhưng âm nhạc Nguyễn Văn Tý vẫn tràn đầy sức truyền cảm làm xốn xang mê đắm lòng người yêu âm nhạc bao thế hệ. Nói về cơ duyên viết trường ca Mười bông hoa trinh liệt giữa Ngã Ba Đồng Lộc, ông hào hứng cho biết, năm 2006 sau khi đọc bài thơ của tác giả Bùi Mạnh Hảo viết về sự kiện 10 cô gái thanh niên xung phong tuổi 19 đôi mươi hy sinh ở Ngã Ba Đồng Lộc, đăng trên báo, ông rất xúc động, nên đã quyết tâm thể hiện thành tác phẩm âm nhạc để tri ân. Sau hơn một tháng trời ròng rã dồn hết tâm huyết của mình vào từng câu thơ, để sáng tạo nên cấu tứ tiết tấu, giai điệu âm nhạc, khi hào hùng, lúc da diết nỗi đau như dồn nén đến tột cùng bi thương, ông đã hoàn thành bản trường ca Mười bông hoa trinh liệt giữa Ngã Ba Đồng Lộc, đúng vào dịp giỗ 10 cô gái (24/7). “Các O nằm lại đây/Nàng Kiều buông giọt lòng tay ngọc/Tỳ bà rung đứt đoạn một cung thương/Hồn Nguyễn Du phiêu bồng về Hồng Lĩnh/Gọi nghìn thu chín chín đỉnh mù sương/Hà Tĩnh quê ta ơi, biết mấy tự hào…”. Đây là bản trường ca đầu tiên và duy nhất trong sự nghiệp sáng tác âm nhạc của ông.

 

Ca sĩ trẻ Phúc Lâm là một trong những người thường xuyên đến thăm và đưa nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đi dạo phố bằng xe lăn 


Trường ca Mười bông hoa trinh liệt giữa Ngả Ba Đồng Lộc, được tốp ca nam, nữ Đoàn Nghệ thuật Quân khu 7 dàn dựng trình bày rất thành công và được Ban Văn hóa, văn nghệ, báo Sài Gòn Giải Phóng bình chọn là 1 trong 10 sự kiện văn hóa, văn nghệ nổi bật của năm 2006 (xuân Đinh Hợi). Tuy chưa mãn nguyện, nhưng ông cho rằng đó chính là tác phẩm mà ông tâm huyết bày tỏ sự tri ân của mình đối với không chỉ 10 liệt nữ ở Ngã Ba Đồng Lộc, mà với tất cả những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống trong suốt 2 cuộc chiến hào hùng và bi tráng trong thế kỷ XX đã qua. Nhắc đến những tác phẩm được giải thưởng này nọ trong sự nghiệp sáng tác âm nhạc của mình, tôi thấy ông như chợt buồn xa xăm… Dường như, đối với ông đó chưa phải là những gì tiêu biểu nhất, tâm đắc nhất của đời mình. Ông còn đau đáu, day dứt và khát khao sáng tạo lắm, nhưng sức khỏe và thời gian nghiệt ngã đã không cho phép ông vẫy vùng nữa. Ông cho biết, từ năm 1988 đến nay ông sáng tác hàng chục bản tình ca, nhưng ít phổ biến. Ai cũng biết, thời gian rồi sẽ phủ bụi lên tất cả. Nhưng tôi tin những sáng tạo âm nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý sẽ còn mãi dư âm trong lòng công chúng nhiều thế hệ…

LƯƠNG ĐỊNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh