CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 10:33

Cố nhạc sĩ Mạnh Trinh:Những dấu ấn để lại sau một năm đi xa

 

Yêu thích âm nhạc và mê cây đàn guitare, nên năm 12 tuổi Mạnh Trinh đã theo học đàn guittare (theo lối truyền nghề) với một số bậc đàn anh chơi trong một số ban nhạc Sài Gòn vào những năm 60 của thế kỷ 20. Đồng thời anh cũng theo học lớp ngoài giờ (không chính quy) tại Trường Quốc gia Âm nhạc & Kịch nghệ (Nhạc viện). Cứ thế anh vừa học vừa đi đàn trong các ban nhạc, như vừa để sinh kế, vừa  rèn luyện ngón đàn. Nhưng, phải nói rằng, kể từ khi về công tác tại Đoàn Ca nhạc (nay là Ban ca nhạc) HTV, năm 1982, thì Mạnh Trinh mới phát huy hết được năng khiếu âm nhạc của mình cả về sở đoản lẫn sở trường. Vẫn kiên nhẫn siêng năng như con ong hút nhụy hoa làm mật, Mạnh Trinh vừa là một tay guitare lead luôn có mặt ở các chương trình của Ban Ca nhạc HTV,vừa nỗ lực học tập và đam mê sáng tác. Có thể nói anh đã dốc hết tâm lực với một quyết tâm theo đuổi con đường âm nhạc.

Năm 1990, Mạnh Trinh thi đậu vào Khoa Sáng tác (hệ đại học) Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh.  Đó thực sự là một bước ngoặt lớn đối với cuộc đời và sáng tạo ân nhạc của anh. Những năm đầu của thập niên 90 thế kỷ 20, một số ca khúc của anh bắt đầu xuất hịện, hứa hẹn nhiều thành công. Nhưng “bề nổi” của anh lúc này chưa phải là những ca khúc ấy, mà là một lĩnh vực khác đòi hỏi phải có một trình độ về chuyên môn âm nhạc cao hơn, đó là hòa âm phối khí, viết nhạc phim. Trong lĩnh vực này anh được giới trong nghề rất “tâm phục, khẩu phục”, nên anh được mời hòa âm phối khí cho hầu hết các chương trình ca nhạc của HTV, các đài phát thanh - truyền hình các tỉnh và các đơn vị sản xuất băng, đĩa nhạc nổi tiếng như: Hãng phim Trẻ; Kim Lợi studio; Viết Tân studio; Trung tâm băng nhạc Rạng Đông; Hãng phim Phương Nam…

Cố nhạc sĩ Mạnh Trinh là một trong những nhạc sĩ có nhiều đóng góp vào sự thành công trong các chương trình "Nhịp cầu âm nhạc" và các cuộc thi "Tiếng hát truyền hình" của HTV 

Luôn là người chỉ huy dàn nhạc, anh thực sự là linh hồn góp phần không nhỏ vào sự thành công trong tất cả các Chương trình cuộc thi “Tiếng hát truyền hình” của HTV, từ lần thứ nhất đến lần thứ 15 (2005); Chương trình “Nhịp cầu âm nhạc” và các chương trình ca nhạc truyền hình trực tiếp. Nhưng, tên tuổi của nhạc sĩ Mạnh Trinh không chỉ nổi lên ở những lĩnh vực ấy, mà từ khi tốt nghiệp xuất sắc Khoa Sáng tác của Nhạc viện (hệ đại học năm 2002) và loại giỏi (hệ cao đẳng tháng 6/2006) thì nhiều ca khúc và nhạc giao hưởng thính phòng của anh trình làng, đã thực sự chinh phục trái tim người yêu âm nhạc.

Những ca khúc mang phong cách pop như: “Phố quen”; “Ngày nắng mới”; “Đên thành phố bình yên”; “Chiều qua phố cũ”…của anh đã làm say đắm bao trái tim tuổi trẻ yêu ca nhạc trong Nam ngoài Bắc. Tuy nhiên, qua trò chuyện tôi biết điều anh đã, đang suy tư trăn trở, đang ấp ủ đề tài để thăng hoa nên những tác phẩm âm nhạc chứa đựng được một dung lượng nội dung tư tưởng thông qua ngôn ngữ âm nhạc, hình tượng âm nhạc lớn lao hơn, sâu sắc hơn, bác học hơn, ấy chính là những bản giao hưởng. Đó là một khao khát sáng tạo âm nhạc đích thực không chỉ của riêng anh, mà của nhiều thế hệ nhạc sĩ được đào tạo một cách bài bản, chuyên sâu về lĩnh vực sáng tác. Tất nhiên, mức độ thành công lại còn tùy thuộc vào yếu tố tài năng. Nhạc sĩ Mạnh Trinh cũng vậy. Những gì anh viết, anh trình làng qua một số tác phẩm nhạc giao hưởng thính phòng như:Tứ tấu “Tiếng vọng Cửu Long”; tổ khúc “Sài Gòn đất lành chim đậu” (bài thi tốt nghiệp cao học) cũng mới chỉ là những khúc dạo đầu,  nhưng hé mở một tài năng đầy triển vọng.

Trong buổi thi tốt nghiệp cao học tổ khúc giao hưởng “Sài Gòn đất lành chim đậu”, được nhạc sĩ Ca Lê Thuần (Chủ tịch Hội đồng thi) đánh gía là một tác phẩm có cá tính sáng tạo độc đáo, gây được ấn tượng, bởi Mạnh Trinh đã kết hợp được tinh hoa của âm nhạc phương Tây và tinh hoa âm nhạc Việt Nam một cách khá nhuần nhuyễn…Đó là sự kết hợp giữa toàn bộ nhạc cụ của phương Tây, với một số nhạc cụ cổ truyền rất đặc trưng Nam bộ như (guitare phím lõm, guitare điện tử, đàn kìm) trong một dàn nhạc giao hưởng,  tạo nên sự hòa quyện, cộng hưởng giữa chất âm nhạc bác học cổ điển phương Tây và chất âm nhạc tài tử Nam bộ, đủ sức chinh phục lòng người thưởng thức.

Tổ khúc giao hưởng “Sài Gòn đất lành chim đậu” với âm hưởng chủ đạo là nói lên qúa trình khai khẩn vùng đất Sài Gòn – Gia Định nói riêng và Nam bộ nói chung, đã được Hội đồng thi tốt nghiệp đánh gía loại giỏi. Tấm bằng thạc sĩ do Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Văn hóa – Thông tin cấp, đã đánh dấu một bước tiến dài, với những thành công đáng khích lệ, trên con đường sáng tạo âm nhạc của nhạc sĩ Mạnh Trinh suốt mấy chục năm qua. Đó là những dấu ấn mà Mạnh Trinh đã để lại trong lòng công chúng yêu âm nhạc, dù anh đã mãi mãi đi xa.../.

LƯƠNG ĐỊNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
4 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh