CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 11:44

Nhạc sĩ Lý Dũng Liêm: Nhớ hoài mưa bong bóng

Âm nhạc đã chọn tôi

Lý Liêm bảo vậy mỗi khi có ai hỏi anh về con đường sáng tác âm nhạc. Là người có năng khiếu và say mê âm nhạc từ nhỏ, anh thuộc hầu hết các câu ví, điệu hò, những câu ca dao Nam bộ. Lớn thêm một chút, anh theo học đàn ghi ta và trở thành nghệ sĩ chơi ghi ta trong ban nhạc của Nhà văn hóa thị xã Rạch Giá (Kiên Giang). Năm 1981, khỉ tỉnh Kiên Giang phát động phong trào sáng tác bài hát về quê hương, Lý Dũng Liêm được đề nghị viết một ca khúc về chủ đề này. Bài hát “Đất biển Kiên Giang” của anh đã được chào đón nồng nhiệt, trở nên nổi tiếng và được trao giải nhất tác phẩm âm nhạc trong năm của tỉnh. Cũng từ đó các ca khúc của Lý Dũng Liêm xuất hiện khá đều đặn và điều đáng nói là mỗi ca khúc lại có một dấu ấn riêng, một vị trí đặc biệt trong lòng người nghe.

Nhạc sĩ với cây đàn ghi ta quen thuộc.

Ca từ trong bài hát của anh không cầu kỳ, gần với cách nói của người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhưng nó đọng, nó thấm khiến người ta cứ phải nhớ, phải day dứt. Đây là tâm trạng, là sự sẻ chia ai cũng có thể mượn để gửi đến người yêu khi cuộc tình không còn nữa:

“Có một loài hoa vừa đi vừa nở

Em lấy chồng rồi anh ở vậy thôi

Nửa mai thương đứng nhớ ngồi

Biết loài hoa tím vừa trôi vừa buồn”

(Ca khúc: “Hoa tím lục bình”)

Lý Dũng Liêm rất tài tình khi đưa những hình ảnh, những câu ca dao của vùng sông nước miền Tây vào bài hát của mình. Và từ những câu nói bình thường khi được hát lên nó tạo sự lay động mạnh mẽ. Đây là câu trách, câu hờn hay là tấm lòng vị tha của chàng trai Nam bộ dành cho người mình thương: “Thiệp hồng em báo vu qui, đường tình anh sẽ lại đi một mình” (Chỉ còn nỗi nhớ). Và đây nữa “Dòng sông nước lớn nước ròng, Như em con gái lấy chồng là thương thôi, Nhưng ôi chỉ khổ riêng tôi, Ôm hoài kỷ niệm xé đôi chẳng đành” (Trăng xưa kỷ niệm). Nhưng không phải vì thế mà Lý Dũng Liêm không có những bài hát sâu sắc, đầy sự trải nghiệm và có tính triết lí cao.

“Anh moi đất nặn tượng người, Em thơ thẩn nhặt lá rơi làm tiền, Mỗi ngày chợ họp mười phiên, Em mang tượng đất đổi tiền lá rơi, Tiền không là lá em ơi, Tiền là giấy bạc của đời in ra”. (Tiền và lá).

Nhạc sĩ Lý Dũng Liêm hát cho người thân nghe.

Dù mang đậm chất dân ca Nam bộ, nghe qua tưởng đơn điệu song thực chất rất khó thể hiện vì có nhiều luyến láy, trúc trắc bởi những biến tấu của nhạc lý. Tuy vậy, ca khúc của anh luôn được yêu thích vì dễ thuộc, dễ nhớ và luôn đầy ắp cảm xúc, tâm trạng, phù hợp với mỗi người nhất là khi trực tiếp được nghe anh vừa đàn vừa hát.

Nhớ hoài mưa bong bóng

Lý Dũng Liêm đã sáng tác được trên 100 bài hát, nhiều bài được trao giải, được người nghe yêu thích như “Đất biển Kiên Giang”, ‘Trăng xưa kỷ niệm”, “Bên cầu nhớ mong”... nhưng bài hát được nhiều người thích nhất có lẽ vẫn là bài “Mưa bong bóng”.

Hoa lục bình có nhiều ở Kiên Giang.

Bài hát như một câu chuyện, có mở đầu bằng những giọt “mưa trên đường phố” đã “vô tình” làm “ướt áo ai” và như sắp đặt để “chúng mình quen nhau”. Và tất nhiên không thể thiếu đó là “Dáng em buồn” trong một chiều rơi đầy những giọt mưa bong bóng. Lại còn có rất nhiều kỷ niệm để nhớ, để mà trách, mà hờn:

“Em đi có nhớ mưa nào năm xưa

Phải chi hôm ấy đừng mưa

Phải chi hôm ấy đừng đưa nhau về”.

Nói đến Lý Dũng Liêm người ta nhớ ngay đến “Mưa bong bóng”. Bài hát đã được nhiều hãng phim video, các hãng đĩa CD, VCD và karaoke dàn dựng, thu âm và đã trở nên quen thuộc trong lòng khán thính giả yêu nhạc. Nhưng thích thú nhất, xúc động nhất vẫn là khi được nghe chính nhạc sĩ thể hiện ca khúc này bằng giọng nam trầm dù không hay lắm.

Cũng như nhiều bài hát khác của Lý Dũng Liêm, “Mưa bong bóng” không cầu kỳ trong tiết tấu, không lắt léo trong ca từ, nhưng nhờ thấm đẫm chất ca dao, dân ca mỗi lời thốt ra, mỗi hình ảnh hiện lên lại khiến người nghe nao lòng, nhất là những đôi lứa yêu nhưng lại không trọn vẹn, thương mà rồi “đường tình không chung lối”.

Lý Liêm cho biết, bài hát này anh phỏng theo bài thơ của Nhật Kiên Hà. Đến nay anh không thể nhớ hết đã có bao nhiêu ca sĩ nổi tiếng thể hiện, nhưng Quốc Đại là một trong những người hát hay mà anh thích. Anh lại bảo, thường ngày có rất nhiều người, nhất là các cô gái gọi điện hỏi anh “ai là cô gái của anh trong mưa bong bóng” và rằng không chỉ “Mưa bong bóng” mà sao anh viết nhiều ca khúc buồn vậy? Ai rồi ra cũng có những giọt mưa bong bóng trong đời. Các ca khúc của anh dù có mênh mang buồn nhưng bao giờ ở đó cũng chứa đầy sự vị tha, lòng trắc ẩn và tất nhiên là sự hy sinh vì người mình yêu.

Kiên Giang quê hương của nhạc sĩ Lý Dũng Liêm.

Lý Dũng Liêm là người hiền lành và tình nghĩa. Dù sắp bước sang tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng niềm say mê sáng tác, biểu diễn ghi ta của anh không hề vơi. Hiện anh đang viết tiếp những ca khúc về đề tài mà anh đã theo đuổi lâu nay – quê hương, đất nước và tất nhiên không thể thiếu những ca khúc về tình yêu. Nhiều ca khúc của anh đã có chỗ đứng vững chắc trong lòng người nghe. Trong bầu trời âm nhạc Việt Nam, cái tên Lý Dũng Liêm đã có được một vị trí nhất định và không lẫn với bất kỳ ai.

 

Nhạc sĩ Lý Dũng Liêm sinh năm 1950, tại TP Rạch Giá (Kiên Giang). Anh là hội viên Hội Văn nghệ Kiên Giang, hội viên Hội Âm nhạc Việt Nam. Anh đã viết trên 100 ca khúc và đạt nhiều giải thưởng, gồm 1 giải A, 2 giải nhì, 5 giải ba và 1 giải khuyến khích... Tuy giọng hát không nổi trội, nhưng lại có tài chơi ghi ta, vì vậy với giọng nam trầm, khi Lý Dũng Liêm thể hiện các ca khúc của mình đã khiến nhiều người nghe yêu thích đến mê mẩn.

NGUYỄN KIM TUẤN/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh