THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:16

Nhạc sĩ Hàn Châu và những ca khúc đáng nhớ

 

Nhạc sĩ Hàn Châu.

 

Viết về quê hương, đất nước với những ca khúc: “Về quê ngoại”, “Cây cầu dừa”, “Cánh cò và dòng sông”... Nhiều nhất và rất được ưa thích qua nhiều thế hệ là những bài hát về tình yêu như: “Tội tình”, “Nói với người tình”, “Đêm tóc rối”, “Hạ thương”....

 

Nhạc sĩ Hàn Châu làm giám khảo cuộc thi Solo cùng Bolero.

Tại một quán cà phê khá kín đáo trên đường Võ Văn Tần, nhạc sĩ Hàn Châu cùng một số người bạn vẫn hay ngồi ở đó mỗi buổi sáng để bàn về âm nhạc và những dự định sáng tác mới.

Sinh ra tại vùng đất đầy nắng gió miền Trung- tỉnh Bình Định, tuổi thơ của Lê Đình Nam khá vất vả, ba mất sớm, Nam sống với mẹ và sau này là bà nội cùng các anh, chị em. Chiến tranh, bom đạn càng khiến gia đình khó khăn hơn, nhưng đây cũng là yếu tố để hình thành nên tâm hồn, tính cách của nhạc sĩ tài hoa nhưng rất nhiều suy tư, trăn trở.

Cuộc sống khó khăn, 14 tuổi, Lê Đình Nam vào Sài Gòn sinh sống cùng chị gái và anh rể - nhạc sĩ Thanh Sơn, tác giả của bài hát nổi tiếng “Nỗi buồn hoa phượng”. Và trong giai đoạn này một câu chuyện cảm động thể hiện sự ham học, tinh thần vượt khó của ông mãi về sau này vẫn được nhắc. Đó là dù Nam rất mê nhạc, thích chơi đàn nhưng vì không có tiền nên không mua được đàn. Thấy cây đàn guitar của anh rể treo trên vách, Hàn Châu muốn lấy xuống đánh nhưng sợ anh rể mắng nên đành phải đứng đánh để nếu anh rể về có hỏi còn cãi “có đánh đàn gì đâu, cây đàn vẫn ở trên vách kìa”. Vậy mà chỉ ít lâu sau Hàn Châu đã chơi đàn guitar rất hay và còn học để sáng tác được ca khúc.

Bài hát đầu tiên của Lê Đình Nam có tên “Ngõ hồn qua đêm”, anh viết chung bạn là Hoàng Trang, vì thế bạn anh đề tên là Hàn Châu - Hoàng Trang. Và từ đó, Hàn Châu trở thanh bút danh của nhạc sĩ.

Những bài hát của Hàn Châu luôn rất chuẩn về mặt thể loại âm nhạc, ca từ sâu sắc, khi để riêng hoàn toàn là những bài thơ tình hay. Đặc biệt anh rất giỏi trong việc đưa âm hưởng ca dao, dân ca vào trong các ca khúc của mình, không chỉ bằng âm điệu mà còn qua rất nhiều hình ảnh như cánh cò, cây cầu, bà ngoại lưng còng, cánh bèo... Ngay cả tên những bài hát của anh cũng thật giản dị nhưng lại luôn tạo ấn tượng khó quên với mọi người như về quê ngoại, cây cầu dừa, hạ thương, mực mùng tơi hay bèo hoang....

 

Album “Còn gọi tên em”. 

 

Vào những năm đầu giải phóng, bài hát “Cây cầu dừa” của Hàn Châu khi vừa xuất hiện đã được chào đón nồng nhiệt, cả một thời gian dài đi đâu cũng nghe người ta ca bài này với những câu “Em đã quên rồi quê mình có cây cầu dừa”. Cũng vì bài hát này, nhiều người không tin Hàn Châu là người miền Trung mà là ở miền quê nào đó ở miền Tây Nam bộ. Bài hát có ảnh hưởng đến độ, sau đó hàng loạt bài hát “ăn theo” bài này ra đời như “Nhớ mãi cây cầu dừa”, “Quên cây cầu dừa”, “Kỷ niệm cây cầu dừa”...

Nhạc sĩ Hàn Châu sống khá cởi mở và chân tình. Có lẽ vì thế mà anh có khá nhiều bài hát thành công về đạo Phật. Ở Việt Nam không nhiều nhạc sĩ sáng tác và có bài hát hay về đề tài này. Trong những lần trò chuyện, tôi thường hỏi anh về những ca khúc nổi tiếng mà anh đã viết và anh thường không nhớ sáng tác khi nào, thậm chí có bài anh còn quên mất, khi có người nhắc mới biết nó là “đứa con” do mình đẻ ra. Và anh cũng bảo, chẳng hạn như bài hát đã làm say mê bao nhiêu thế hệ học trò “Mực tím mùng tơi” anh viết là do một hãng băng đĩa nhạc đặt, chứ thật ra chẳng có mối tình nồng cháy hay hình bóng một thiếu nữ thật nào trong thực tế, vì khi đó tác giả còn rất trẻ. Duy những hình ảnh lấy trái mùng tơi làm mực, bôi lên má nhau thì có thật.

 

 Album “Thương mãi con đò” của Hàn Châu.

 

Nhiều bài hát do mình anh sáng tác nhưng khi xuất hiện ở đâu đó lại có thêm tên một người khác, anh có nhờ cơ quan quản lý sửa, nhưng không thể sửa hết được. Có thể nói độ phủ sóng, tần suất người hát những ca khúc của Hàn Châu rất lớn nhưng anh lại ít quan tâm. Anh cho biết, mỗi tháng tiền tác quyền được vài chục triệu, có tháng cao điểm như dịp Tết chẳng hạn có khi lên đến 100 triệu đồng.

Dù Hàn Châu đã bước sang tuổi “xưa nay hiếm” nhưng ông vẫn say mê sáng tác và viết bài nghiên cứu về các thể loại âm nhạc. Những bài viết của ông về dòng nhạc Bolero rất có giá trị vì ông có cách nhìn nhận, đánh giá đúng thực tế về dòng nhạc này. Và chính Hàn Châu cũng là tác giả thuộc hàng đỉnh cao với nhiều ca khúc chuẩn mực Bolero.

Ca khúc của Hàn Châu đi vào lòng người bằng những cảm xúc thật với những hình ảnh đẹp, gần gũi. Ông không “lấy” nước mắt, tình cảm của người nghe bằng những lời ca buồn não nề hay bi lụy. Ca khúc của ông dù có buồn nhưng đó là nỗi buồn man mát, nhẹ nhàng.

Nhạc sĩ tâm sự: “Tâm hồn người Việt Nam chúng ta rất dễ cảm thụ những gì hầu như đã trở thành "quốc hồn, quốc túy" như câu ru hời của mẹ, bến nước, cây đa, lũy tre, ruộng lúa, cánh cò, đàn trâu…. Còn dân ca là cả một kho tàng vô tận để người nhạc sĩ dựa vào đó mà khai thác, mà phát triển”.

NGUYỄN KIM TUẤN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh