Nhạc sĩ Trần Tiến và những người bạn
- Văn hóa - Giải trí
- 13:53 - 10/02/2018
1. Tôi biết nhạc sĩ Trần Tiến qua mấy bận xuống Vũng Tàu chơi cùng anh Đặng Hồng Sơn, hiện là Phó trưởng Ban quản lý dự án nâng cấp-mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất. Không biết nhạc sĩ Trần Tiến và anh Đặng Hồng Sơn quen nhau từ độ nào, nhưng trong những năm tháng cuối đời, khi sức khỏe của mẹ anh Sơn đã yếu, bà có nguyện vọng muốn gặp và nghe nhạc sĩ Trần Tiến hát. Là bởi, thế hệ của bà cùng lứa với Trần Tiến, nên những bài hát thời xưa bà từng nghe đã ghi dấu một Trần Tiến với những ca khúc “bất hủ” thời bấy giờ. Sau này, khi nghe bài hát (Mẹ tôi) của nhạc sĩ Trần Tiến do anh Sơn thể hiện, tôi mới hiểu vì sao anh Sơn thương mẹ mình đến vậy, và đã làm mọi điều có thể, để thỏa nguyện mong muốn của mẹ mình trước lúc bà đi xa.
Không biết hoàn cảnh của bài hát và hoàn cảnh của gia đình anh Sơn có giống nhau không, nhưng khi nghe anh Sơn hát, tôi thấy như anh đang hát về gia đình mình vậy:“Mẹ ơi con đã già rồi, con ngồi nhớ mẹ khóc như trẻ con”. Căn phố nhà anh Sơn ở thành phố Bắc Giang nghe trong nhạc của Trần Tiến cũng có những điểm khá tương đồng:“Con ngồi ngơ ngẩn, nhớ ngồi nhà xưa. Ngày xưa, cha ngồi uống rượu, mẹ ngồi đan áo, ngoài hiên, mùa đông cây bàng lá đổ…Ngày xưa, bên giường cha nằm, mẹ buồn xa vắng, nhìn cha, thương cha chí lớn không thành”.
Nhạc của Trần Tiến có rất nhiều bài viết về mẹ, về bạn bè, về Hà Nội. Có lẽ, với ông, đó là một trong những đề tài lớn nhất trong cuộc đời sáng tác của mình. Cả Trần Tiến và anh Sơn đều có một thời gian dài không sống gần mẹ, nên ở một lúc nào đó, Trần Tiến đã phải viết lên những lời rất buồn, rất đau và đầy tiếc nối trong (Ngẫu hứng Phố): “Hà Nội mẹ tôi, vấn khăn nâu sồng, một đời áo cũ. Thương con, mắt đỏ thờ chồng…Hà Nội, có lần khóc thầm, chạy lên thang gác bóng mẹ còn đâu…Hà Nội có gì rất đau, người ta yêu dấu đi không trở lại”. Dù sống ở đâu, thì trong trái tim Trần Tiến và những người bạn của ông vẫn luôn hướng về Hà Nội, ngay cả lúc đã có thể lìa xa cõi đời này: “Hà Nội lòng tôi, giấc mơ xa vời của người xa quê. Ai ơi, sống gửi thác về”.
Thế hệ của Trần Tiến và những người bạn của ông đã tạo nên một thế hệ sống hết mình cho đất nước. Với họ, tiếng gọi của Tổ quốc là tiếng gọi thiêng liêng nhất. Sau này khi sáng tác ca khúc (Phố nghèo), Trần Tiến vẫn không thể quên được những người bạn của ông, những người bạn lính đã mãi mãi nằm lại trong lòng đất mẹ và cả những người bạn vẫn đâu đó tha hương dù trên đầu đã hai thứ tóc: “Ở nơi ấy, tôi còn nhớ bạn bè xưa, dòng máu sĩ, bao người đi không về. Tháp Rùa ơi, có nhớ bạn tôi, hồn tha phương vẫn quanh quẩn phố phường”. Hà Nội với Trần Tiến, vừa là nơi sinh ra và cũng là nơi để ông đau đáu thương nhớ, luôn luôn hướng về: “ Ở nơi ấy, Hà Nội nhớ thương mờ xa, là câu hát là bài ca nghẹn ngào. Nói gì đâu, có nói được đâu, mà xa quê tóc ngả hai màu”.
Anh Đặng Hồng Sơn đang thể hiện ca khúc "Mùa thu trắng" của nhạc sĩ Trần Tiến. ảnh: Đông Hải
Nhạc sĩ Trần Tiến và Nhà thơ Thanh Thảo là đôi bạn đã từng ra chiến trường, đã từng có rất nhiều tác phẩm viết về người lính. Ở hai người đàn ông này, trời đã ban tặng cho họ những năng lượng vô tận khi sáng tác về đề tài người lính. Nếu như Trần Tiến có (Vết chân tròn trên cát) thì Thanh Thảo có (Một người lính viết về thế hệ mình). Nếu như Trần Tiến viết:“Anh thương binh vẫn đến trường làng, vẫn ôm đàn dạy các em thơ bài hát quê hương”, thì trong trường ca Trẻ con ở Sơn Mỹ, Thanh Thảo đã viết: “Cho tôi nhập vào chân trời các em, Chân trời ngay trên cát”. Cả hai người đàn ông tài hoa này đều có chung một điểm, đó là họ rất yêu thích trẻ thơ. Đầu năm 2018, nhà thơ Thanh Thảo sẽ kỷ niệm 20 năm ra đời Quĩ học bổng Trẻ con ở Sơn Mỹ. Không biết khi ấy nhạc sĩ Trần Tiến có đến dự được hay không, và nếu được, Trần Tiến sẽ ôm đàn ghita, hát: “Vết chân tròn, vẫn đi về, trên con đường mòn cát trắng quê tôi”, thì hay biết mấy.
Dường như trong sáng tác, có một lúc nào đó, ở một thời điểm “cộng hưởng sự bừng sáng” nào đó, họ đều dành cho trẻ thơ, cho quê hương, cho “cát trắng bao la”. Nếu như nhạc sĩ Trần Tiến vẫn thường xuyên mở những lớp nhạc miễn phí cho trẻ em ở Vũng Tàu thì ở Quảng Ngãi, hay nói đúng hơn là ngay Khu chứng tích Sơn Mỹ, nhà thơ Thanh Thảo cũng đang âm thầm ấp ủ dự định mở một trung tâm dạy nhạc, dạy ngoại ngữ cho trẻ con ở Sơn Mỹ.
2. Có một “tam giác tình bạn” mà tôi rất ngưỡng mộ hiện nay là nhạc sĩ Trần Tiến, nhà thơ Thanh Thảo và nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng. Cả ba ông đều chơi thân với nhau, nhưng chưa bao giờ tôi có dịp diện kiến cả ba ông lúc “trà đàm, rượu tấu” với nhau. Lúc nhạc sĩ Trần Tiến ra Quảng Ngãi nhân dịp thành lập Quĩ mổ tim “Những trái tim bé bỏng” của ông Thanh Thảo thì nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng vẫn rong ruổi đâu đó để tạc tượng. Ngày ông Phạm Văn Hạng ra Quảng Ngãi tạc tượng nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt ở nhà máy lọc dầu Dung Quất, sau đó uống rượu với nhà thơ Thanh Thảo, anh Sơn và tôi thì nhạc sĩ Trần Tiến lại ra nước ngoài.
Nhà thơ Thanh Thảo, anh Đặng Hồng Sơn, điêu khắc gia Phạm Văn Hạng và tác giả tại Quảng Ngãi.
Cả ba người đàn ông này, vẫn hàng ngày, hàng giờ, mang đến cho đời những tác phẩm đầy ý nghĩa, đầy ngẫu hứng, nhưng chưa bao giờ cả ba ông có ý tưởng làm chung một tác phẩm có sự cộng hưởng, pha trộn giữa thi ca, âm nhạc và điêu khắc do chính mình sáng tác. Hay như “gợi ý” của anh Sơn là: Trần Tiến sẽ sáng tác nhạc về Thanh Thảo, Phạm Văn Hạng và các thành viên còn lại sáng tác về những người bạn của họ qua chính sở trường của mình.
Ngày anh Đặng Hồng Sơn phác thảo dự định này, bản thân nhà thơ Thanh Thảo đã bảo: “Không ai lại đi viết thơ, viết nhạc, tạc tượng” như để tự khen chính mình và bạn bè mình cả. Có lẽ sự nổi tiếng của ba con người này ở ba lĩnh vực khác nhau đã tạo ra sự “khác biệt cần thiết” để họ không thể hòa lẫn với ai và cả với nhau. Vì thế, tôi cũng chẳng có gì lạ khi ở Vũng Tàu, Trần Tiến lại hát nhạc của Trịnh Công Sơn chứ không phải tác phẩm nào của mình cả.
Lần xuống Vũng Tàu gần đây nhất, tôi và anh Sơn đã được nhạc sĩ Trần Tiến mời rượu và nghe demo bản nhạc “Những đứa con mặt trời” do một người bạn nhờ ông sáng tác. Cũng trong dịp ấy, có một người bạn của anh Sơn và tôi, là anh Nguyễn Lệnh Nhân Đức, với biệt danh: “Đức Ro bốt”, anh Đức Ro bốt là giám đốc một công ty chuyên cung ứng thiết bị lặn và thợ lặn cho các giàn khoan ở Vũng Tàu và các công trình biển trên toàn quốc. Anh Đức từ lâu đã ấp ủ một dự định là sẽ làm một tác phẩm âm nhạc về những người thợ lặn biển, về sự gian nan, hiểm nguy luôn rình rập họ, cũng như sự đóng góp thầm lặng của họ cho sự phát triển của ngành hàng hải trong sự nghiệp đổi mới và xây dựng đất nước.
Ngày về Quảng Ngãi, anh Sơn đã đem điều này ra tâm sự với nhà thơ Thanh Thảo, và thật bất ngờ, nhà thơ Thanh Thảo đưa ra ngay một ý tưởng “3 trong1” là; Thanh Thảo sẽ viết phần lời cho ca khúc viết về những người thợ lặn biển, nhạc sĩ Trần Tiến sẽ phổ nhạc và điêu khắc gia Phạm Văn Hạng sẽ làm điều cuối cùng là tạc tượng cho tác phẩm này. Tên gọi chung cho tác phẩm sẽ do ba ông tuyển chọn tại một chuyến gặp nhau ở Đà Lạt vào đầu năm 2018.
Nhạc sĩ Trần Tiến, nhà thơ Thanh Thảo và điêu khắc gia Phạm Văn Hạng đều có trong tay cả trăm, thậm chí là vài trăm tác phẩm có giá trị. Song, “Một tác phẩm tay ba” thì vẫn chưa xuất hiện. Vì thế, riêng tôi và những người bạn của các ông, vẫn đang chờ đợi một tác phẩm để đời từ những cây đại thụ này trong năm mới.