THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 07:08

Nhạc sĩ Dương Thụ: “Tôi chỉ muốn mọi người gọi tôi là Dương Thụ”

 

Nhạc sĩ Dương Thụ

 

PV: Cơ duyên nào đưa ông đến với ý tưởng xây dựng thương hiệu Cà Phê Thứ Bảy?

Nhạc sĩ Dương Thụ: Tôi vốn mơ có một quán cà phê theo kiểu của mình, để bạn bè trí thức văn nghệ sĩ đến “cà phê” với nhau cho vui. Giúp ta tìm người tri kỷ, để được giãi bầy “chuyện mình”, chuyện công việc mình đang làm, những vấn đề văn hóa, xã hội mình đang quan tâm. Từ đó mà “động não”, lấy cảm hứng để nghiên cứu, viết lách, sáng tạo một cái gì đó. Tôi viết hẳn một dự án về hệ thống quán cà phê theo kiểu này, đặt tên cho nó là Cà Phê Thứ Bảy và tìm đối tác. Vì tổ chức cả một hệ thống quán, lớn lắm, nên tôi không thể đủ vốn và kinh nghiệm kinh doanh để làm một mình. Nhân việc anh Đặng Lê Nguyên Vũ mời tôi lên Madrak sáng tác 1 bài hát về cà phê, tôi nói với anh Vũ  đại ý, người uống cà phê chẳng ai cần nghe bài hát về cà phê đâu. Mời tôi viết tốn tiền vô ích thôi, tôi có một dự án hay hơn chuyện viết bài hát về cà phê nhiều. Tôi đưa dự án cho anh Vũ xem. Tâm đầu ý hợp, chúng tôi thỏa thuận hợp tác. Tôi đã đi tìm địa điểm, phác thảo các ý tưởng, về thiêt kế rồi mời họa sĩ Hoài Hương thiết kế và thi công luôn. Quán Cà Phê Thứ Bảy đầu tiên của hệ thống ra đời vào ngày 5/9/2009, tại số 27 Nguyễn Đình Chiểu, phường Đa Kao, quận 1, TP. Hồ Chí Minh, một quán rất đẹp và tôi đã cho in hẳn một cuốn sách về nó.

PV: Quá trình thực hiện dự án Cà Phê Thứ Bảy, ông đã gặp những khó khăn và thuận lợi như thế nào?

Nhạc sĩ Dương Thụ: Khó khăn thì rất nhiều, vì tôi làm có một mình. Trước có 1 quán nay đã phát triển thành 3. Các sự kiện văn hóa được tổ chức diễn ra mỗi tuần đều đặn ở cả 3 nơi không đơn giản chút nào. Cà Phê Thứ Bảy hoạt động đến bây giờ đã được gần bảy năm. Bảy năm bao nhiêu tuần là bấy nhiêu sự kiện. Hàng trăm diễn giả được mời đến “cà phê”, tất cả đều là những trí thức văn nghệ sĩ hàng đầu thuộc lớp đàn anh và cả lớp trẻ nữa, ở trong nước và đang sống ở nước ngoài. Phải liên hệ, phải trao đổi, gặp gỡ thư từ qua lại và phải được chấp thuận một cách vui vẻ. Rồi Salon điện ảnh thì phải có phim, Salon âm nhạc phải có chương trình có nghệ sĩ đủ sức thu hút người đến cà phê. Làm hàng tuần, không truyền thông mà vẫn có khách không phải là chuyện đùa. Rồi quán mở ra đâu phải để chơi, phải đảm bảo doanh số để có tiền trả tiền nhà, tiền lương nhân viên, tiền điện nước, tiền thuế và các phí “không tên” khác. Sức ép công việc với tôi thật kinh khủng. Nhưng tôi có thói quen chịu đựng, biết cái số mình nó là như thế kêu ca mà làm gì. Được làm việc là được sống, thế là vui rồi.

Khó là như thế, nhưng thuận lợi cũng có nhiều. Thuận lợi nhất là được các trí thức hàng đầu ủng hộ, và người hợp tác với mình rất chung thủy, cùng đồng lòng trong các mục tiêu văn hoá hướng tới sự phát triển của cộng đồng. Thuận lợi nữa là những người làm việc dưới mình, đội ngũ trợ lý, quản lý quán, nhân viên, các em đó tận tình và rất dễ thương. Tôi coi họ như là con cháu mình. Cà Phê Thứ Bảy với tôi như một gia đình.

 PV: Đến với Cà Phê Thứ Bảy, khán giả được miễn phí vé mời. Dường như ông muốn là người kết nối văn hóa, mang tới một bữa tiệc hậu đãi về văn hóa cho tất cả mọi người mà không hề quan tâm đến lợi nhuận?

Nhạc sĩ Dương Thụ: Chỉ kinh doanh cà phê thôi, không kinh doanh văn hóa. Đó là điều tôi thống nhất với bên hợp tác. Tất nhiên là chủ quán tôi vẫn phải lo về doanh số. Nhưng ở đây có một cái hay là hoạt động văn hóa càng tốt khách đến càng đông thì lượng người uống cà phê sẽ nhiều hơn, như vậy văn hóa và kinh tế song hành, nó không hề có mâu thuẫn. Trong dạng kinh doanh này lợi nhuận (lãi) được hiểu không chỉ là tiền. Lãi về văn hóa, lãi về thương hiệu có khi còn quan trọng hơn tiền bạc nhiều.

PV: Là một nhạc sĩ nhưng lại đam mê các vấn đề văn học, điện ảnh, kiến trúc,… và mong muốn chăm lo đời sống của nó. Ông có thấy mình là người bao đồng không?

Nhạc sĩ Dương Thụ: Tôi làm Cà Phê Thứ Bảy không phải là để mở phòng trà ca nhạc mà để làm văn hóa. Làm văn hóa thì phải chăm lo đến nền tảng văn hóa. Tôi là người làm nhạc, nhưng liên quan rất nhiều đến những ngành nghề khác. Không  hiểu biết về nó không làm được Cà Phê Thứ Bảy đâu. Bắt buộc đấy.

PV: Làm chủ 3 quán cà phê ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, ông có thời gian để viết nhạc nữa không?

Nhạc sĩ Dương Thụ: Đã 7 năm nay, làm Cà Phê Thứ Bảy nhưng tôi vẫn hoạt động âm nhạc đều đặn. Chương trình Cửa sổ âm nhạc định kỳ hàng năm của riêng tôi tại Nhà hát lớn Hà Nội đã được 4 số. Chương trình hòa nhạc thính phòng – giao hưởng Điều còn mãi cũng định kỳ hàng năm làm được 5 số. Nhưng riêng việc sáng tác như những gì mọi người đã biết thì không làm nữa. Tôi đang làm tiếp những cái dở dang và chưa hoàn thiện (loại này chắc công chúng cũng không muốn nghe), thời gian dành cho nó vô cùng ít ỏi. Tôi vẫn đang nợ các ca sĩ mà tôi yêu mến 1 album mới dành cho họ. Hy vọng sang năm tôi sẽ có thì giờ cho sáng tác nhiều hơn.

PV: Giữa hai cách gọi ông chủ và nhạc sĩ, ông thích mình được gọi là gì hơn?

Nhạc sĩ Dương ThụChủ quán bất đắc dĩ ấy mà. Nhạc sĩ cũng không thích. Tôi chỉ muốn mọi người gọi tôi là Dương Thụ.

Thanh Mai

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh