CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:17

Nhạc sĩ có duyên với dân ca Chăm

Đến ấp Phũm Soài, xã Châu Phong, huyện Phú Châu (nay là thị xã Tân Châu, An Giang), tôi đã được thưởng thức một đêm văn nghệ do chính những chàng trai, cô gái Chăm biểu diễn. Chương trình dàn dựng cơn giản đơn nhưng từ trang phục đến những tiết mục ca, múa, nhạc mang đậm nét văn hóa Chăm thật ấn tượng. Sau này, qua một nhà thơ quê An Giang, tôi mới biết người có công gây dựng Đội văn nghệ làng Chăm ấp Phũm Soài chính là nhạc sĩ Lâm Thanh Bình.

Nhạc sĩ Lâm Thanh Bình (ngoài cùng bên phải) trò chuyện với các đội viên đội văn nghệ dân tộc Chăm

Năm 1980, nhạc sĩ Lâm Thanh Bình đang là cán bộ Phòng Văn hóa thông tin của huyện, được lãnh đạo giao nhiệm vụ xuống cơ sở vận động xây dựng phong trào văn nghệ quần chúng trong cộng đồng người Chăm. Nhận nhiệm vụ với tinh thần trách nhiệm cao và đầy nhiệt huyết, Lâm Thanh Bình đã đi đến khắp các làng Chăm trong vùng, để cùng ăn, cùng ở, cùng làm như một chàng trai người Chăm. Không bao lâu, bằng sự chân thành trong ứng xử, nhiệt tình trong công việc, nhạc sĩ Lâm Thanh Bình đã tạo được niềm tin, tình cảm với cộng đồng người Chăm. Nhờ đó mà nhạc sĩ Lâm Thanh Bình đã thuyết phục được đa số người Chăm ủng hộ việc thành lập Đội Văn nghệ quần chúng. Đặc biệt là việc thuyết phục được các cô gái Chăm tham gia vào sinh hoạt ca hát ở đội văn nghệ là điều hết sức khó khăn, nan giải đòi hỏi phải có sự kiên trì.

Theo nhạc sĩ Lâm Thanh Bình, phụ nữ Chăm chịu sự chi phối của tập tục “cấm cung”, từ tuổi dậy thì cho tới khi lấy chồng chỉ sinh hoạt trong nhà và ở phòng “cấm cung” của gia đình, không được phép ra ngoài xã hội giao lưu. Khi Đội Văn nghệ ấp Phũm Soài, lần đầu tiên tham gia biểu diễn trên sân khấu nghệ thuật quần chúng toàn huyện (năm 1982), sự xuất hiện của 5 cô gái Chăm duyên dáng, xinh đẹp đã thu hút, tạo được ấn tượng mạnh mẽ trong lòng người xem.

Nhạc sĩ Lâm Thanh Bình trở thành linh hồn của Đội văn nghệ ấp Phũm Soài, vừa sáng tác ca khúc, vừa chỉ đạo tập luyện, dàn dựng chương trình tham gia, giành nhiều huy chương vàng, gây được tiếng vang tại nhiều hội diễn nghệ thuật quần chúng ở tỉnh, khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Từ đó, mô hình sinh hoạt đội văn nghệ quần chúng của cộng đồng người Chăm được nhân rộng, nhiều gia đình tự xóa bỏ tập tục “cấm cung”, cho phép con gái tham gia vào các đội văn nghệ phát triển ở khắp các làng Chăm.

 Đối với nhạc sĩ Lâm Thanh Bình, chính những năm tháng “3 cùng” với đồng bào Chăm ấy là một cơ duyên, để ông thăng hoa trong sáng tác, cho ra đời những ca khúc mang âm hưởng dân ca Chăm da diết, đằm thắm từ giai điệu tới lời ca, chinh phục được người nghe.

Từ ca khúc đầu tay “Cô gái Chăm trên quê hương An Giang”, từ những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, đến nay ông đã có hàng chục ca khúc viết về cộng đồng người Chăm, với giai điệu, tiết tấu, lời ca mang âm hưởng dân ca Chăm, được nhiều người yêu thích như: “Roya yêu thương”; “Về thăm cô gái làng Chăm”; “Vầng Trăng”; “Trái táo”; “Chia xa”... được nhiều sở, ban ngành của tỉnh An Giang, Cần Thơ dàn dựng tham gia hội diễn nghệ thuật quần chúng khu vực và toàn quốc đoạt hơn 10 Huy chương Vàng (toàn quốc). Đặc biệt, tổ khúc “Karim và Nurisa” đã được Trung tâm Truyền hình Việt Nam (VTV) tại Cần Thơ thực hiện thành phim ca nhạc “Khăn Ma tơ ra của em” tham gia Liên hoan phim truyền hình toàn quốc, đoạt Huy chương vàng.

Nhiều người Chăm nhận xét, với những ca khúc mang âm hưởng dân ca Chăm mượt mà, sâu lắng, thể hiện được tâm tư, tình yêu và sự khát khao vươn tới hạnh phúc của người Chăm nói chung và phụ nữ Chăm nói riêng, âm nhạc của nhạc sĩ Lâm Thanh Bình thực sự đã thấm sâu vào máu thịt của người Chăm. Tuy nhiên, nhạc sĩ LâmThanh Bình từng chia sẻ với truyền thông rằng, là người có duyên nợ với cộng đồng người Chăm, ông cảm thấy những gì mình đã viết ra cũng vẫn là những lời ca chưa đủ để trang trải những nỗi niềm ẩn chứa trong lòng.

Hồ Lương/ Báo Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh