Nhà văn Vũ Hùng: Mang thiên nhiên kỳ thú đến với thiếu nhi
- Văn hóa - Giải trí
- 16:41 - 27/09/2015
Tính đến thời điểm này, NXB Kim Đồng đã cho ra mắt 12/30 cuốn sách của nhà văn Vũ Hùng, gồm: “Mùa săn trên núi”, “Sống giữa bầy voi”, “Giữ lấy bầu mật”, “Sao sao”, “Chú ngựa đồng cỏ”, “Mái nhà xưa”, “Những kẻ lưu lạc”, “Người quản tượng và con voi chiến sĩ”, “Bầy voi đen”, “Con voi xa đàn”, “Con culi của tôi”, “Vườn chim”. Tọa đàm là một trong những dịp hiếm hoi để độc giả nhiều thế hệ trao đổi, chia sẻ về những tác phẩm của một nhà văn “chiếm một vị trí gần như độc nhất vô nhị trong nền văn học thiếu nhi Việt Nam, với đề tài gắn bó suốt nghiệp viết của ông là rừng – thiên nhiên – muông thú”.
Nhà văn Vũ Hùng.
Nhà văn Vũ Hùng cho biết, những cuộc hành quân dài dặc, vất vả trong đời lính đã mang lại cho ông nhiều khám phá về thiên nhiên, đất nước, về phong tục tập quán của các dân tộc Việt - Lào anh em bao đời từng chung sống trên một dải Trường Sơn. Vùng biên giới phía Bắc hùng vĩ, với “những ngọn núi mây phủ triền miên, những rừng thông vi vút” hay vùng biên giới phía tây, trong lòng dãy Trường Sơn với “những cánh rừng chưa hề in dấu chân người, những ngọn núi tím biếc với những hồ nước trong vắt trên đỉnh, những đồi lau và đồi tranh vàng rực dưới nắng thu, những bầy thú mà ta dễ dàng gặp trên đường: Những con tê giác cuối cùng, những bầy hươu nai, bầy voi, những con bò tót hùng tráng, lũ báo gấm uyển chuyển”, và câu chuyện của những người đi rừng lão luyện với “một ngôn ngữ giản dị, ít lời nhưng nhiều hình ảnh, thứ ngôn ngữ riêng chỉ có trong rừng” chính là nguồn cảm hứng để ông viết những tác phẩm ấy.
Qua những tác phẩm của mình, nhà văn Vũ Hũng muốn độc giả thiếu nhi hiện nay hiểu về một thời chưa xa lắm, thiên nhiên đất nước ta tươi đẹp, trong lành như thế, muông thú phong phú như thế, con người hiền hòa như thế...
Những cuốn sách thiếu nhi của nhà văn Vũ Hùng do NXB Kim Đồng phát hành.
Nói về Vũ Hùng, nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn chia sẻ: “Ở tuổi 70, tôi vẫn bị Vũ Hùng lôi cuốn từ tập này tới tập khác. Và tôi chợt nhận ra, ở trang sách của Vũ Hùng còn có một bề sâu khác, đó là chiều sâu nhân bản, nó bao quát từ những mảng miêu tả thiên nhiên muông thú cho tới con người. Thiên nhiên trong văn Vũ Hùng có tính hợp lý cao độ. Đó không phải là một thiên nhiên hỗn độn. Ngược lại, ở đây luôn luôn ngự trị trật tự và một cái gì đó giống như sự lương thiện. Khi viết về loài nào, Vũ Hùng cũng thường chú ý tới việc chúng được cha mẹ hướng dẫn ra sao khi bước vào đời. Trường học đầu tiên là các gia đình. Ngựa non Antai học làm ngựa trong sự hướng dẫn ân cần của mẹ. Hươu sao được cha mẹ đặc biệt khuyến khích trên đường đi tìm những vùng đất mới. Các gia đình không níu kéo và bênh vực những trẻ lười biếng, mà đào tạo chúng thành những con thú tự tin, tự trọng, dám đối mặt với mọi thách thức của đời sống. Tại sao lại có một thiên hướng rõ rệt đó, từ lâu tôi đã tự hỏi mà không biết. Chỉ đến thời gian gần đây, đọc các đoạn hồi ký Vũ Hùng viết về gia đình mình trong Mái nhà xưa, thì tôi mới thật hiểu. Chính Vũ Hùng đã được giáo dục trong một môi trường nhân bản mà ông đã miêu tả...”.
Nhà văn Trần Đức Tiến khẳng định: “Nhà văn Vũ Hùng là một trong những tác giả quan trọng nhất trong nền văn học thiếu nhi Việt Nam với một lối văn chương chuẩn mực. Tác phẩm của ông không chỉ dành cho thiếu nhi, mà còn hướng đến cả những người lớn đang có nguy cơ đánh mất tuổi thơ, đánh mất kí ức của mình”. “Gần như cả đời văn của mình, nhà văn Vũ Hùng viết về muông thú, từ ông voi bồ tượng cho tới con ong cái kiến mỏng manh! Nhưng đọc các trang viết về loài vật của ông lại được ghi nhớ những câu chuyện rất người” - nhà văn Trần Quốc Toàn nhận định.
Nhà văn Vũ Hùng sinh năm 1931 tại làng Láng (quận Cầu Giấy, Hà Nội). Ông từng là phóng viên khoa học kĩ thuật của Báo Quân đội nhân dân, biên tập viên của NXB Ngoại văn và NXB Văn học, nguyên là Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế - Bộ Văn hóa. Năm 1989 ông định cư tại Pháp, đến tháng 5/2014 thì trở lại Việt Nam sinh sống. Tác phẩm đầu tay của nhà văn Vũ Hùng là cuốn “Mùa săn trên núi”, xuất bản năm 1961. Trong suốt sự nghiệp của mình, ông đã viết hơn 40 cuốn sách cho thiếu nhi, trong đó nhiều cuốn được dịch ra tiếng Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc. Ông cũng đã hai lần được Hội Nhà văn Việt Nam trao giải thưởng với “Sao Sao”- 1982, và “Sống giữa bầy voi”, xuất bản năm 1986. |