THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 01:54

Nhà văn Sơn Nam - “người nhà” của báo Lao động & Xã hội

"Ông già nông dân vui tính"

Tháng 10/1993, tôi đến cơ quan từ rất sớm, nhưng lại thấy có người còn đến sớm hơn. Đó là một ông già nhỏ thó, gầy gò, mặc bộ đồ sơ mi cà tàng, nhưng có giọng nói rổn rảng và nụ cười dễ mến. Khi ấy, tòa soạn của báo còn đặt ở căn gác phía sau khu nhà 45 Phạm Ngọc Thạch, quận 3, TP.Hồ Chí Minh. Còn tôi mới "chân ướt chân ráo" từ một tỉnh miền Trung tìm cách "chen chân" vào làng báo Sài Gòn sôi động và đầy cạnh tranh, nên nhìn cái gì cũng lạ, nhìn ai cũng… nể và sợ. Nhưng ông già ấy lại khiến tôi cảm thấy "thân mến" ngay từ những phút đầu gặp gỡ. Ông tự giới thiệu "Tôi là Sơn Nam", rồi ngồi xuống chiếc sopha cũ mèm tự nhiên pha trà, vừa ngồi nhấm nháp vừa kể những câu chuyện về làng quê Nam bộ mà tôi mới lần đầu được nghe.

Nhà văn Sơn Nam - “người nhà” của báo Lao động & Xã hội - Ảnh 1.

Nhà văn Sơn Nam.

Hồi đó tôi chưa biết Sơn Nam là ai. Chỉ đến khi ông Đỗ Ngọc Thạch, lúc đó làm Thư ký tòa soạn, nói rằng "Anh Sơn Nam là một nhà văn rất nổi tiếng của vùng đất Nam bộ. Nhiều người coi anh như nhà văn số 1 về vùng đất này trong suốt mấy chục năm qua", tôi mới… giật mình "có mắt mà không thấy Thái Sơn".

Ngay tối đó, tôi ra hiệu sách Fahasa trên đường Nguyễn Huệ, thêm một lần "giật mình" khi thấy những cuốn sách đề tên tác giả Sơn Nam được đặt trang trọng trên kệ, nào là "Bến Nghé xưa", "Đất Gia Định xưa", "Đồng bằng sông Cửu Long - nét sinh hoạt xưa", "Một mảnh tình riêng"… Khi tôi hỏi về tác giả Sơn Nam thì cô nhân viên hiệu sách giới thiệu với một giọng đầy kính trọng. Không ngờ, một người nổi tiếng như vậy mà lại bình dị và dễ gần thế!

Do mới bước chân vào Sài Gòn còn "lạ nước lạ cái", cần hiểu về phong tục tập quán người Sài Gòn, nên tôi quyết định mua cuốn "Người Sài Gòn". Cuốn sách ấy có giá bằng nửa tháng phụ cấp cộng tác viên của tôi khi ấy, nhưng ngay khi đọc những trang đầu, tôi đã thực sự bị cuốn hút vì sự uyên thâm của nhà văn. Từ đó, cuốn sách trở thành "cẩm nang" trong những tháng ngày "nhập môn" để hòa nhập với cuộc sống ở thành phố nhộn nhịp, năng động và vô cùng cởi mở này.

Thời gian tiếp theo, tôi lại có thêm nhiều cuộc "đàm đạo" với nhà văn Sơn Nam. Ông luôn sẵn sàng giải đáp một cách tường tận những câu hỏi mà tôi đặt ra bằng một giọng hài hước nhưng chứa đựng rất nhiều thông tin quý giá. Vì hồi đó chưa có điện thoại di động, trong khi ông Sơn Nam thì chuyên đời đi… ở trọ nay đây mai đó, nên cứ trước mỗi chuyến công tác miền Tây, tôi lại đều phải chờ gặp được ông, để nghe ông chỉ bảo về "đường đi nước bước" sau đó mới dám tự tin khoác ba lô lên đường.

Nhà văn Sơn Nam - “người nhà” của báo Lao động & Xã hội - Ảnh 2.

Tác phẩm của nhà văn Sơn Nam.

Không riêng gì tôi, mà các phóng viên, biên tập viên của báo hồi đó cũng coi ông như một người thầy khả kính. Anh em coi những cuộc trà buổi sáng có mặt ông Sơn Nam như buổi thảo luận mini, với nhiều câu hỏi được đặt ra và chờ đợi những câu trả lời đáng tin cậy. Có lẽ nhờ sự "cố vấn" của ông Sơn Nam nên chỉ một thời gian ngắn sau ngày tờ báo ra đời, các bài viết về đất và người Sài Gòn cũng như khu vực miền Tây trên báo Lao động & Xã hội đều khá hấp dẫn, có một số bài gây được tiếng vang trong dư luận, góp phần khiến danh tiếng của tờ báo trẻ trở nên nổi bật trên thị trường báo chí lúc bấy giờ.

Tài năng, nhân cách lớn trong một con người… kì dị

Sinh thời, nhà văn Sơn Nam chỉ thích sống một mình nay đây mai đó trong các khu nhà trọ bình dân chật hẹp khắp các hóc hẻm Sài Gòn, quen với cảnh cơm hàng cháo chợ. Nhà văn sống vậy là theo sở thích dân dã của ông và vì ông không muốn làm phiền con cháu hay bất kỳ một ai. Được biết, trước đây từng có một vài người giàu có muốn rước nhà văn Sơn Nam về phụng dưỡng nhưng ông đều từ chối.

Nhà văn có biệt danh "Ông già Nam bộ" cũng được nhiều doanh nhân ái mộ, có doanh nghiệp mở quán cà phê mang tên Sơn Nam, đem sách vở của ông về đó trưng bày, dành sẵn một bàn cà phê cho ông ngồi uống miễn phí để thu hút khách, nhưng ông không… ngồi được ở đó bởi giá cà phê của quán quá đắt, những khách quen của ông hầu hết đều là "bình dân" không hợp với chốn đó, nên ông cũng nhanh chóng rời đi. Có lẽ, Sơn Nam thích cuộc sống tự do một mình, thấy đói thì ăn, thấy khát thì uống, đang viết thấy trời nóng thì cởi áo mặc quần đùi ngồi bên máy đánh chữ, có hứng thì lọc cọc gõ thâu đêm đến tận sáng, mỏi lưng thì nằm trên nền nhà hay ghế xép… không phiền đến ai.

Vì thế mà nơi nào được ông "chiếu cố" ghé qua, hẳn đó là nơi rất may mắn. Báo Lao động & Xã hội những ngày đầu mới thành lập cũng là một nơi may mắn như vậy. Sáng sáng chúng tôi đến cơ quan từ sớm, hy vọng thấy ông ở đó, bên tách trà nóng hổi. Những ngày ông không ghé, lại cảm thấy nhớ, thấy như thiêu thiếu cái gì đó vốn thân thương, quen thuộc.

Nhà văn Sơn Nam - “người nhà” của báo Lao động & Xã hội - Ảnh 3.

Nhà lưu niệm nhà văn Sơn Nam toạ lạc tại ấp 4, xã Đạo Thạnh, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Ảnh: TK

Có lần, tôi đứng trên ban công nhìn xuống, thấy ông cuốc bộ từ ngoài đường vào khi trời đang mưa lất phất. Hỏi ông xe máy đâu sao không đi? Ông cười lớn "Từ nhỏ tới giờ tôi  toàn cuốc bộ, xa mấy cũng cuốc bộ, nếu không đi xe đò, tàu lửa hay máy bay". Rồi ông kể, "tôi vốn sinh ra, lớn lên ở miệt vườn sông nước, làm gì có đường sá để đi lại bằng xe đạp. Đã vậy hồi nhỏ khi nhà mới sắm được cái xe đạp, đang tập đi thì vướng vào sợi dây phơi quần áo té nhào đau điếng, vì mắt tôi kém từ nhỏ. Từ đó sợ quá mà tôi bỏ tập xe, chấp nhận cuốc bộ cho đến tận bây giờ".

Là một trong những cộng tác viên đầu tiên của báo Lao động & Xã hội, dù ông có bài đăng báo không nhiều, nhưng hễ viết bài nào là "chất lự" bài đó. Trong những bài viết của ông, có rất nhiều thứ để những nhà báo trẻ như tôi hồi đó đọc ngấu nghiến, để ghi nhớ, để học hỏi… dẫu biết rằng, mình sẽ chẳng bao giờ có được vốn kiến thức uyên thâm như vậy, và cũng chẳng thể nào học được lối hành văn vừa dung dị, vừa minh triết như ông. Tiếc rằng từ khi báo rời trụ sở thì không còn thấy ông ghé qua. Chỉ thỉnh thoảng gặp ông ngoài quán cà phê, im lặng lén nghe những câu chuyện không đầu không cuối của ông với bạn bè cũng toàn những "cao thủ võ lâm" trong làng văn chương. Cho đến khi ông qua đời - một ngày đầu Thu năm 2008, những anh em phóng viên "đời đầu" của báo Lao động & Xã hội còn lại, đến viếng ông, không khỏi tự hào vì ông đã từng một thời là "người nhà" thân thiết của tờ báo.

Nhà văn Sơn Nam tên thật là Phạm Minh Tài, sinh ngày 11/12/1926, tại làng Đông Thái, quận An Biên, tỉnh Rạch Giá (nay thuộc xã Đông Thái, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang). Ông còn có bút danh Phạm Sào Nam.

Năm 1945, ông tham gia Thanh niên Tiền phong, giành lấy chính quyền ở địa phương, rồi lần lượt tham gia công tác ở Hội Văn hóa cứu quốc tỉnh, phòng Chính trị Quân khu, phòng Văn nghệ Ban Tuyên huấn Xứ ủy Nam Bộ. Sau Hiệp định Genève 1954, ông về lại Rạch Giá.

Năm 1955, ông lên Sài Gòn cộng tác với các báo: Nhân loại, Công Lý, Ánh sáng, Tiếng chuông, Lẽ sống... Năm 1960, 1961, bị chính quyền Việt Nam Cộng hòa bắt giam ở nhà lao Phú Lợi (Thủ Dầu Một, Bình Dương). Ra tù, ông tiếp tục làm báo, viết văn và khảo cứu về Nam bộ. Sau 1975, ông tiếp tục hoạt động trên lĩnh vực văn hóa văn nghệ. Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.Nhà văn Sơn Nam đã viết nhiều tác phẩm tạo được dấu ấn, ông được nhiều người gọi là "ông già Nam Bộ","pho từ điển sống về miền Nam" hay "nhà Nam bộ học". Ông qua đời ngày 13/8/2008 tại TP.Hồ Chí Minh.

VIỆT HÙNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh