THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 12:09

Nhà thơ Tân Linh đã … “đi hết kiếp này"

Tân Linh - một nhà thơ đi làm báo, anh thuộc tuýp người: "Văn chương vi chính nghiệp, thông tấn tắc mưu sinh". Những người đã đi qua chiến tranh, thời hậu chiến đối mặt với cơm áo, gạo tiền, vật lộn mưu sinh... Làm đủ các công việc, thổn thức với nhịp sống thường nhật, nhưng lòng vẫn da diết nỗi niềm chiến trận.

Cậu bé Phạm Quang Tính của làng Tân Trại (xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh, Quảng Bình) thủa nào rồi thành người lính, đã từng ngang dọc trên những cung đường trận mạc, đã từng được nghe Phạm Tiến Duật đọc thơ trong căn hầm dã chiến vào một đêm mùa đông 1971 trên đường Trường Sơn... Sau này anh về làm báo nuôi thơ, tha hương rồi phôi phai nơi kẻ chợ.

Có một câu chuyện cảm động về Tân Linh, rằng: Vào những năm cuối thế kỷ trước, có một đồng nghiệp làm báo ở phía Nam ra Hà Nội nhìn thấy Tân Linh đang chạy xe ôm, người bạn ấy ngỡ Tân Linh đang xâm nhập để viết bài... Nhưng thực tế là, anh đang mưu sinh để nuôi gia đình và nuôi... thơ.

Trong những ấn phẩm thơ văn của Tân Linh, tôi được anh mời làm bìa cho cuốn  thơ "Tha hương và "Những tài năng - Những số phận".

Nhớ hôm họp báo giới thiệu cuốn ký chân dung "Những tài năng - Những số phận", Tổng biên tập Báo Văn hóa - nhà báo Trần Đăng Khoa có thông báo tin xấu về tình hình sức khỏe của Tân Linh... Bữa ấy, tôi không còn đủ tiền mua một cuốn sách của anh. Nhưng với sách tôi có một kinh nghiệm, nếu hôm nay chưa đủ tiền mua thì ngày mai sẽ mua được sách... hạ giá. Sách có chết đâu mà vội, chữ nghĩa mãi vẫn còn... Mẹ tôi thường dạy: “Vàng chất tày non, vàng cũng hết. Chữ bán đi ăn, chữ vẫn còn”, có phải vậy mà anh viết sách còn tôi thì mua sách?. Rồi sau đó, tôi cũng vay mượn được dăm triệu mua sách của anh để tặng bạn bè...

Trước và sau Tết Bính Thân vừa rồi, Tân Linh gọi điện và nhắn tin, liên tục nhắc tôi đến nhà chơi với anh: “...Anh để phần cho Thanh hũ rượu ngâm chục lít đem về mà uống, rồi anh em mình vào thăm bác Nguyễn Khắc Phục...”Vậy mà anh đã vội vã “...đi hết kiếp này”.

Thôi, chắc cũng lâu lắm rồi anh chưa về với Mẹ, với cây cầu "Hiền Lương bảy nhip" (tên một tập trường ca của Tân Linh mà tôi chưa có cơ duyên làm bìa). Lần này anh về (một thể), trọn vẹn và yên ấm trong lòng đất mẹ.  Tôi không đến thắp hương cho anh được, mong bạn bè hãy cùng tôi uống cạn hũ rượu mà anh dành cho tôi, nhớ để lại một chén tưới lên thước đất anh nằm lại.

Nhà văn, nhà thơ, nhà báo Tân Linh giữ chuyên mục “Chuyện Hà Nội”, đăng thứ hai hàng tuần trên báo Thể thao & Văn hóa, vừa qua đời ngày 20/3/2016 ở tuổi 64.Giữ chuyên mục “Chuyện Người Hà Nội”, Tân Linh đã đưa độc giả hoài niệm về những ký ức xưa của Thủ đô, nhưng cũng phản ánh, phản biện nhiều vấn đề nhức nhối của đầu tàu cả nước, như vấn đề quy hoạch đô thị, chặt hạ cây  xanh, tượng đài,… và vấn đề nóng gần nhất là xây dựng resort trái phép ở Vườn quốc gia Ba Vì (Hà Nội). Tiếc là, trong khi độc giả còn đang chờ lời đáp cho câu hỏi Tân Linh đặt ra rằng “Ai đã cho phép lấy rừng thiêng quốc gia đem bán”, thì Tân Linh đã vội vã từ bỏ “Chuyện Hà Nội” để đi chuyến đi cuối cùng của cuộc đời mình...

NGUYỄN HỮU THANH/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh