THỨ HAI, NGÀY 20 THÁNG 01 NĂM 2025 12:39

Đạo diễn NSƯT Công Ninh: Kiếp tằm lặng lẽ nhả tơ


Quả thực, từ khi bước chân vào nghề diễn tới nay, Công Ninh dường như đóng khung vào những vai chính diện. Vai diễn thể loại phim màn ảnh rộng để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả của anh chính là anh bộ đội trong phim truyện nhựa Ai xuôi Vạn Lý. Đây là vai diễn đầu tiên giúp Công Ninh được người xem nhớ mặt, biết tên. Còn với anh, đó là điểm tựa cho người nghệ sĩ trên bước đường nghệ thuật. Nghệ sĩ ưu tú Công Ninh của đời thường không khác nhiều so với Công Ninh trên phim ảnh: vẫn gương mặt phúc hậu, thật thà, vẫn giọng nói trầm ấm đi vào lòng người. Chỉ có điều trong con người đó đang tràn ngập những suy tư và cả những khát vọng ngày đêm ấp ủ.

Đạo diễn NSƯT Công Ninh trong một vai diễn

  Sinh năm 1962 tại huyện Gò Công, tỉnh Tiền Giang, tuổi thơ của Công Ninh thật vất vả. Mới 12 tuổi, thấy mẹ quá khổ anh xin nghỉ học để phụ giúp gia đình bằng cách đi bán trà đá, bánh bao, khoai mì... Nhớ trường lớp quay quắt nên sau một năm, anh xin mẹ cho đi học lại. Nhờ sáng dạ nên con đường học tập của anh khá suôn sẻ. Mẹ kỳ vọng Công Ninh thi vào Đại học Bách Khoa mà không biết con trai âm thầm ấp ủ đam mê nghệ thuật. Giấy báo đậu vào khoa diễn viên được gửi về, cả nhà mới hay, mẹ mừng thầm vì đứa con ngoan.

Sau 4 năm học tại trường Nghệ thuật sân khấu 2 (nay là trường Đại học Sân khấu & Điện ảnh), Công Ninh tốt nghiệp loại xuất sắc, thành tích này giúp anh giành được một trong hai xuất học bổng du học. Năm 1984, anh khăn gói lên đường sang Liên Xô theo học khoa Đạo diễn sân khấu tại Đại học Sân khấu -  Điện ảnh Leningrad (nay là Saint Petecbourg). Năm học đầu tiên do chưa quen với khí hậu của Liên Xô, Công Ninh thường dậy muộn, đi học trễ. Tình trạng này kéo dài liên tiếp khiến khoa buộc anh phải thôi học, trở về nước. May mắn thay, khi đó, thầy trưởng khoa đã xin cho anh thêm cơ hội thử thách, anh phải diễn một tiểu phẩm đủ sức thuyết phục thì các thầy cô sẽ cho ở lại.

  Đạo diễn Công Ninh cùng nữ Đạo diễn trẻ Trần Hồng Thơ

Công Ninh đã chọn diễn vai thanh tra của Khlestakov trong tác phẩm Quan thanh tra của nhà văn Nikolai Gogol. Công Ninh diễn vai này rất thành công trong bài thi tốt nghiệp tại Việt Nam nên anh rất tự tin. Nhờ sự lựa chọn thông minh, Công Ninh đã được ở lại và từ đó chuyên tâm học tập.

Năm 1990, Công Ninh trở về nước bắt tay vào dựng hai bài thi tốt nghiệp là Elena thân yêu Gã giang hồ quốc tế. Cả 2 vở đều được các thầy cô cũng như giới chuyên môn đánh giá cao. Tuy nhiên, với tấm bằng Thạc sĩ nghệ thuật trong tay, Công Ninh vẫn … thất nghiệp. Nhìn bạn bè đồng trang lứa đã thành danh trong khi bản thân đi du học về lại trắng tay, Công Ninh không khỏi chạnh lòng. Một thời gian sau, Công Ninh được phân công về làm giảng viên tại Trường Nghệ thuật sân khấu 2. Từ đó, Công Ninh đã dành trọn cuộc đời cho sự nghiệp trồng người. Ngoài là một đạo diễn, diễn viên, Công Ninh còn là người thầy có nhiều thập niên đứng trên bục giảng truyền đạt kinh nghiệm, kiến thức cho sinh viên. Trong số học trò của anh, có rất nhiều nghệ sĩ thành danh như: NSƯT Trịnh Kim Chi, Quyền Linh, Mai Dũng, Trí Quang …

Diễn viên Công Ninh trong cùng Ngọc Trinh trong phim Vòng eo 56

NSƯT Công Ninh trò chuyện: “Trở thành nghệ sĩ với tôi, một phần là nhờ may mắn. Càng dấn thân vào, tôi mới thấy nghiệp làm nghệ sĩ có nhiều vui buồn của riêng nó… Tôi nghĩ rằng, để trở thành một nghệ sĩ đích thực thật vô cùng khó khăn, gian nan chứ còn để trở thành một “thợ diễn” thì đơn giản. Về mặt nào đó, trở thành một nghệ sĩ nổi tiếng là một điều sung sướng, vinh quang  nhưng phía sau cũng có lắm tủi nhục, đau đớn, dằn vặt... hành hạ thân xác và tâm trí của mình”. Riêng với NSƯT, thầy giáo Công Ninh, để có được những bài học mới, người đạo diễn phải luôn ý thức vượt lên chính mình, phải trang bị một bản lĩnh cần thiết trong nghề mới có thể đứng vững ở vị trí nhạc trưởng chỉ huy một dàn “nhạc công”. Công Ninh là người đã đào tạo nên nhiều thế hệ diễn viên, đạo diễn nổi tiếng của Việt Nam. Năm 1995, vở Dạ cổ hoài lang giành huy chương vàng tại Liên hoan Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc đúng như dự đoán và Công Ninh đoạt giải Đạo diễn xuất sắc. Vì lẽ đó, anh luôn nhắc đến đứa con tinh thần này bằng lòng biết ơn vô hạn: “ Dạ cổ hoài lang chính là tấm thẻ giúp tôi bước vào nghề đạo diễn sân khấu. Từ sau vở này, tôi được giao dựng nhiều vở và thù lao cũng tăng lên, cuộc sống ổn định hơn.

Công Ninh phú suy tư 

Từ đây sự nghiệp của anh bắt đầu khởi sắc. Anh tiếp tục dựng hàng chục vở diễn như: Cõi tình, Lò heo quay, Sống thử, Đảo Thiên đường, Những kẻ độc thân… Bên cạnh đó, anh còn tham gia trên 80 phim từ điện ảnh đến truyền hình như: Đời cát, Mẹ con đậu đũa, Cha và con, Tơ đồng vương vấn, Con gái chị Hằng…

Hơn 30 năm qua, dù ở vai trò giảng viên, đạo diễn hay diễn viên, Công Ninh cũng đều đạt được thành công đáng nể. Đến năm 2012, Công Ninh được Chủ tịch nước phong tặng Nghệ sĩ ưu tú. Chúc NSƯT Công Ninh có nhiều sức khỏe để cống hiến nhiều hơn nữa và để tạo nên những tác phẩm có giá trị, đậm đà bản sắc dân tộc về đất nước, con người Việt Nam.

QUANG ĐẠT

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh