Nhà ở xã hội: Chủ đầu tư, người mua đều “mắc cạn”
- Huyệt vị
- 17:33 - 19/12/2018
Quảng cáo dự án nhà ở xã hội rầm rộ, thậm chí, nhân viên đến tận nhà, cổng trường học, cơ quan để chào mời khách mua nhà. Tuy nhiên, khi khách hỏi vay vốn ưu đãi để mua nhà, các nhân viên tư vấn đều cho biết: Rất khó vay được vốn ưu đãi, khách hàng phải vay vốn ngân hàng thương mại. Chị Nguyễn Hồng Vân (Long Biên, Hà Nội) nhẩm tính, nếu vay ngân hàng thương mại với mức lãi suất 12%/năm cho khoản vay 70% giá trị hợp đồng, tương đương 700 triệu đồng, mỗi tháng phải trả khoảng 7 triệu tiền lãi. Đó là chưa kể tiền gốc phải trả hàng tháng. Theo chị Vân, đây là số tiền quá lớn đối với người thu nhập thấp, vượt quá khả năng chi trả của gia đình.
Dự án NƠXH Bright City (Hoài Ðức, Hà Nội) chậm tiến độ nhiều năm.
Mới đây, người mua NƠXH Bright City tại thôn Lai Xá - xã Kim Chung (Hoài Đức - Hà Nội) do Công ty TNHH Bánh Kẹo Thăng Long thuộc Công ty CP Bất động sản AZ (AZ Land) làm chủ đầu tư kéo nhau lên Sở Xây dựng Hà Nội để kêu cứu. Trong suốt quá trình thi công từ tháng 10/2015 đến 15/12/2016, dự án triển khai rất chậm, nhiều lần dừng thi công. Đến giữa tháng 1/ 2018, toàn bộ công trình đã dừng hẳn thi công. Lý giải cho việc này, đại diện chủ đầu tư cho biết, do chính sách về gói vay 30.000 tỷ đồng của Chính phủ thay đổi, chấm dứt đột ngột nên chủ đầu tư không tiếp tục được vay ưu đãi phần còn lại, cơ chế cho vay tiếp theo không thực hiện được theo hợp đồng tín dụng đã ký với BIDV Tây Hà Nội trước đây; dẫn đến dự án khó khăn về vốn và không xây dựng tiếp được.
Một người dân mua căn hộ tại tòa A11 - Bright City cho biết: “Chúng tôi đã ký hợp đồng mua nhà và đóng 70% giá trị căn hộ nhưng bất ngờ chủ đầu tư tuyên bố không xây dựng 2 tòa A2 và A3 nữa. Những ai đã mua nhà tại 2 tòa này buộc phải chuyển sang 2 tòa A11 và A12. Trong khi đó, người mua nhà đã đóng được 70% trị giá căn hộ nhưng tiến độ thi công tiếp tục cầm chừng; công nhân thi công tại công trường chỉ khoảng hơn 100 người”.
Không chỉ người mua nhà khổ sở vì NƠXH, nhiều doanh nghiệp cũng than khó khi tham gia xây dựng loại hình nhà ở này. Ông Trần Quốc Trung, Phó giám đốc Cty Handico 5, đơn vị làm nhiều NƠXH tại Hà Nội cho rằng, việc bị khống chế lợi nhuận 10% cho các dự án NƠXH đang tạo áp lực cho doanh nghiệp khi mất vài năm mới có thể hoàn thành một dự án. Chưa kể các rủi ro khác có thể xảy ra khi thi công dự án như trượt giá nhân công, nguyên vật liệu, thêm chi phí lãi vay vốn đầu tư…
“Tính toán lại, cái gọi là “10% lợi nhuận” chỉ hòa vốn, thậm chí rủi ro có thể bị lỗ. Bởi làm một dự án có thể mất 4 - 5 năm. Nếu khống chế lợi nhuận 10% thì mỗi năm lãi trung bình chỉ 2%/dự án. Bên cạnh đó, chủ đầu tư còn bị đọng vốn khi xây căn hộ cho thuê. Bởi lẽ, căn hộ cho thuê trong dự án sau 5 năm mới được bán, khi đó chủ đầu tư mới thu được lợi nhuận nên doanh nghiệp bị đọng vốn, không có nguồn lực triển khai dự án khác”, ông Trung cho hay.
Lãnh đạo một doanh nghiệp làm dự án NƠXH tại Hà Nội phân tích, theo Nghị định 100, nguồn vốn vay ưu đãi sẽ bố trí cho chủ đầu tư phát triển dự án cũng như cho người mua NƠXH. Tuy nhiên, nguồn vốn cho chủ đầu tư vay để xây dựng chưa có, chủ đầu tư phải thế chấp dự án tại ngân hàng thương mại để vay vốn. Và còn nữa, dự án không được đem ra thế chấp thì người mua NƠXH mới được vay. Quy định này không khác nào thòng thêm “hàng rào kỹ thuật” ngăn dân vay Ngân hàng Chính sách xã hội để mua nhà.
Ông Vũ Văn Phấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, nhà nước miễn tiền sử dụng đất cho doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp lại không được cộng khoản này vào giá bán NƠXH. Như vậy về bản chất, Nhà nước miễn tiền đất cho dân, còn doanh nghiệp thì không được gì. Tương tự, về thuế, doanh nghiệp làm NƠXH được miễn giảm thuế VAT, thuế thu nhập nhưng khoản miễn giảm này cũng được khấu trừ vào giá, nên về cơ bản, doanh nghiệp không có lợi. Còn với chính sách UBND tỉnh hỗ trợ xây dựng hạ tầng kỹ thuật, địa phương nào quan tâm, ngân sách dư dả thì dự án mới được hưởng. Còn địa phương không có tiền, không quan tâm thì khoản này không có.