THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 12:31

Nhà ở xã hội bị trục lợi

Nhà ở xã hội bị trục lợi - Ảnh 1.

Nhà ở xã hội bị trục lợi (Ảnh minh họa)

Được biết, đây là dự án được xây dựng tại phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột được UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt năm 2016 với tổng kinh phí 108 tỷ đồng, từ nguồn vốn Nhà nước ngoài ngân sách, quy mô 180 căn. Giá bán trung bình là 10 triệu đồng/m2, đối tượng được mua là cán bộ, công chức, viên chức đang công tác ở các cơ quan, đơn vị nhưng chưa có đất thổ cư, chưa có nhà ở hoặc có nhà nhưng diện tích nhà ở bình quân dưới 10m2/người.

Ngoài một số trường hợp đã trả lại nhà do không có nhu cầu, rất nhiều người được "suất" mua nhà ở xã hội đã rao bán lại để hưởng chênh lệch. Qua tìm hiểu, một căn hộ diện tích 56m2 giá "gốc" là 560 triệu đồng được ra bán với giá khoảng 800 triệu đồng. Vì không thể sang tên cho người mua do "vướng" quy định về quyền sở hữu và định đoạt đối với loại hình nhà ở xã hội nên người bán đã "lách luật" bằng cách công chứng "ủy quyền toàn phần" cho người mua, có nghĩa người mua sau khi nhận ủy quyền sẽ được thay mặt "chính chủ" để toàn quyền sử dụng hoặc thực hiện mọi giao dịch đối với căn hộ.

Thật ra, đây không phải là trường hợp cá biệt nhà xã hội được rao bán với mức giá cao ngất ngưởng - áp sát "giá thị trường". Trong quá khứ, không ít dự án nhà ở xã hội có mức giá bán ban đầu rất thấp so với giá thị trường, với mục đích hỗ trợ chỗ ở cho một số đối tượng "đủ tiêu chuẩn". Mục đích và ý nghĩa của những dự án này rất tốt đẹp và rõ ràng. Thế nhưng sau khi các căn hộ được bàn giao, nhiều người đã "sang tay" với mức giá cao hơn. Thậm chí ở một số dự án, nhiều căn hộ đã được mua đi bán lại nhiều lần, giá đang giao dịch ở mức cao gấp 3 - 4 lần so với mức giá ban đầu.

Tình trạng chính sách của Nhà nước đang bị trục lợi là có thật. Điều đó cho thấy các biện pháp quản lý hiện hành có những kẽ hở dễ bị lợi dụng. Ngay cả quy định "sau 5 năm kể từ ngày người mua đóng đủ tiền và được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở xã hội (sổ hồng) mới được sang tên cho người khác" cũng đã bị nhiều người "lách luật" để mua đi bán lại thu lời bất chính. Về bản chất, hành vi này là vi phạm quy định pháp luật về nhà ở xã hội nhưng thực tế vẫn có những cách thức để "hợp thức hóa" mà cơ quan quản lý lâu nay đành bất lực.

Cách đây ít lâu, cơ quan chức năng đã "rục rịch" đưa ra ý định về một cuộc tổng kiểm tra, rà soát việc quản lý, sử dụng nhà ở xã hội, với mục đích đưa nhà ở xã hội về đúng với mục đích tốt đẹp, nhân văn của nó - mà trước hết là phải phục vụ đúng đối tượng. Thế nhưng khi cuộc tổng kiểm tra chưa diễn ra thì các giao dịch mua bán nhà ở xã hội "ngoài luồng" vẫn diễn ra một cách công khai.

Thiết nghĩ, việc phát hiện và xử lý vi phạm không quá khó. Vấn đề là quyết tâm của những người quản lý.

KHÁNH NGUYỄN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh