CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:54

Nhà nước cấp kinh phí đào tạo 300 sinh viên văn hóa nghệ thuật đặc thù

Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: VGP/Tuấn Minh

Tạo điều kiện cho các cơ sở đào tạo năng khiếu về văn hóa nghệ thuật phát triển

Chiều 1/9, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thaoDu lịch (VHTT&DL), các bộ ngành liên quan về nhân lực ngành văn hóa nghệ thuật và tình hình đặt hàng đào tạo đối với các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ VHTT&DL.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Đặng Thị Bích Liên đã báo cáo tình hình thực hiện kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về đặc thù công tác đào tạo văn hóa nghệ thuật. Theo Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên, kết luận của Phó Thủ tướng đã giải quyết được nhiều khó khăn, vướng mắc đối với lĩnh vực đào tạo văn hóa nghệ thuật hiện nay, tạo điều kiện cho các cơ sở đào tạo năng khiếu lĩnh vực văn hóa nghệ thuật duy trì hoạt động bảo đảm đáp ứng nhu cầu phát triển ngành. Trong thời gian tới, Bộ VHTT&DL sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục triển khai 7 nhóm nhiệm vụ được giao.

Thêm chính sách ưu đãi, đặt hàng đào tạo

Về vấn đề đặt hàng đào tạo đối với các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật trực thuộc Bộ, bà Lê Thị Thu Hiền, Vụ trưởng Vụ Đào tạo (Bộ VHTT&DL) cho biết, Bộ đang trực tiếp quản lý 16 cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật, gồm 2 học viện, 7 trường đại học, 4 trường cao đẳng, 2 trường trung cấp và 1 viện nghiên cứu. Các cơ sở đào tạo này có những đặc thù như tuyển chọn năng khiếu khắt khe, quy mô đào tạo thấp, đầu tư cơ sở vật chất đắt đỏ, chi phí đào tạo lớn, yêu cầu dạy và học khác biệt, quá trình đào tạo kéo dài…

Ảnh minh họa

Trong khi đó, cơ chế chính sách ưu đãi cho học sinh, sinh viên các ngành đặc thù truyền thống dân tộc, dân tộc thiểu số chưa đủ để khuyến khích sinh viên dự tuyển, theo học trong một số ngành; tuổi nghề ngắn, lương thấp… Điều này dẫn đến tình trạng công tác tuyển sinh đối với một số ngành, chuyên ngành đặc biệt khó khăn. “Thậm chí kể cả 3, 4 năm cũng không tuyển được một sinh viên nào”, bà Hiền nói.

Để khắc phục khó khăn, nâng cao chất lượng đào tạo, Bộ VHTT&DL đề xuất giao nhiệm vụ đào tạo gắn với giao kinh phí (hình thức đặt hàng) đối với các cơ sở đào tạo thuộc Bộ. Cụ thể, Nhà nước sẽ trả 100% chi phí đào tạo áp dụng cho đối tượng người học là học sinh, sinh viên thuộc một số chuyên ngành, lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật khó tuyển sinh, hiếm, truyền thống và dân tộc, người dân tộc thiểu số. Đây là những ngành mà nhu cầu xã hội không cao nhưng rất thiếu để đáp ứng yêu cầu bảo tồn văn hóa, phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, đặc biệt ở những nơi có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn.

Tại cuộc họp, Bộ VHTT&DL đưa ra danh sách các ngành, chuyên ngành đề nghị đào tạo theo cơ chế Nhà nước đặt hàng như: Ngành sáng tác âm nhạc, lý thuyết âm nhạc, chỉ huy hợp xướng, hội họa, điêu khắc, biểu diễn kịch múa, biểu diễn múa dân gian, biểu diễn chèo, tuồng, cải lương, ca kịch Huế, kịch nói, xiếc và tạp kỹ… với khoảng 300 học sinh, sinh viên.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, việc đặt hàng đào tạo trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật đặc thù là thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam mới đây. Phó Thủ tướng lưu ý, bên cạnh đặt hàng đào tạo, Bộ VHTT&DL cần tiếp tục làm việc với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam nghiên cứu, đề xuất cơ chế đặt hàng tác phẩm.

Cũng tại cuộc họp này, Phó Thủ tướng đã cho ý kiến xử lý một số kiến nghị của Bộ VHTT&DL như vấn đề thành lập Học viện Múa Việt Nam, chế độ chính sách đối với giảng viên, giáo viên tại các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật…

GIANG ĐÔNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh