THỨ HAI, NGÀY 09 THÁNG 12 NĂM 2024 02:44

Nhà nhân ái, Nhà tạm lánh: Những "mái ấm" thứ hai cho người bị mua bán trở về

Nhiều mô hình đa dạng nhằm hỗ trợ tái hòa nhập cho nạn nhân

Số liệu của Bộ Công an cho thấy, trong 5 năm (2016 - 2020), trên địa bàn cả nước có 2.912 nạn nhân bị mua, bán và nghi vấn mua, bán. Trong đó, những năm gần đây, mỗi năm các cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ khoảng 260 vụ, 340 đối tượng liên quan tội phạm mua bán người. Số nạn nhân bị lừa bán là gần 500 người, trong đó phần lớn là phụ nữ và trẻ em (chiếm trên 90%), sống ở khu vực nông thôn, vùng xa trung tâm, trình độ thấp...

Nhiều mô hình hỗ trợ nạn nhân ở các địa phương được đánh giá cao về tính hiệu quả và thực tiễn.

Nhiều mô hình hỗ trợ nạn nhân ở các địa phương được đánh giá cao về tính hiệu quả và thực tiễn.

Tính riêng trong năm 2022, lực lượng chức năng đã phát hiện, điều tra 90 vụ với 247 đối tượng phạm tội mua bán người. Cùng với đó, các cơ quan chức năng của Trung ương và địa phương đã tiếp nhận, xác minh 476 trường hợp, trong đó xác định và hỗ trợ 255 trường hợp nạn nhân bị mua bán.

Đáng chú ý, 100% nạn nhân tiếp nhận được hỗ trợ ban đầu, tư vấn tâm lý, khám sức khỏe, trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật.

Căn cứ nhu cầu, nguyện vọng của nạn nhân, trên 50% số nạn nhân bị mua bán, sau khi tiếp nhận được hỗ trợ dịch vụ liên quan như: Trợ cấp khó khăn, học nghề, tạo việc làm, khám chữa bệnh, tạo điều kiện cho nạn nhân vay vốn với lãi suất thấp, ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.

Trưởng phái đoàn IOM, bà Park Mihyung đánh giá cao cam kết của Chính phủ Việt Nam trong công tác phòng, chống mua bán người, điều đó đã được ghi nhận trong Báo cáo tình hình mua bán người trên thế giới 2023 (Báo cáo TIP) của Chính phủ Hoa Kỳ.

Bà cũng khẳng định vai trò quan trọng của Bộ LĐ-TB&XH cùng các bộ, ngành liên quan, từ Trung ương đến địa phương đã tăng cường quy chế phối hợp trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.

Số liệu của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, hiện có 40 tỉnh đã thí điểm áp dụng Quy chế phối hợp trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, với mong muốn sẽ xác định và hỗ trợ được nhiều nạn nhân bị mua bán, trên cơ sở pháp luật hiện hành và việc triển khai Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025. 

Từ năm 2017, IOM đã hỗ trợ Bộ LĐ-TB&XH và các đối tác tại các địa phương thử nghiệm nhiều mô hình đa dạng nhằm hỗ trợ tái hòa nhập cho nạn nhân bị mua bán, bao gồm mô hình tái hòa nhập cộng đồng thông qua các nhóm tự lực tại Bắc Giang, Huế và Tây Ninh. Mô hình này đã hỗ trợ thành công 179 nạn nhân.

Bên cạnh đó, 550 cá nhân đã nhận được sự hỗ trợ từ các mô hình hỗ trợ nạn nhân tại Quảng Bình, Hà Tĩnh và Nghệ An.

Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả của các mô hình tại cộng đồng trong các hoạt động hỗ trợ và chủ động chuyển tuyến để xác định và hỗ trợ nạn nhân, với sự đồng hành của Hội Liên hiệp Phụ nữ, 5 văn phòng hỗ trợ dịch vụ một điểm đến (OSSO) được thành lập tại Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Cần Thơ và Hậu Giang.

Nạn nhân mua bán người đa phần là phụ nữ thuộc các dân tộc thiểu số.

Nạn nhân mua bán người đa phần là phụ nữ thuộc các dân tộc thiểu số.

Các mô hình được đánh giá cao về tính hiệu quả và thực tiễn

Hiện nay, tại các địa phương đang thực hiện nhiều hình thức hỗ trợ nạn nhân của nạn mua bán người. Hầu hết các trường hợp nạn nhân trở về chính thức, tự trở về hoặc được giải cứu đều nhận được sự hỗ trợ phù hợp. Dịch vụ hỗ trợ chủ yếu là cung cấp nơi ăn nghỉ tạm thời, tư vấn tâm lý xã hội, đối với các trường hợp ốm đau, sức khỏe yếu được hỗ trợ chữa trị ban đầu; trợ cấp tiền tàu xe, tiền ăn khi trở về gia đình.

Tại cộng đồng, nạn nhân mua bán người được hỗ trợ pháp lý (làm thủ tục về hộ khẩu, cấp chứng minh thư nhân dân, giấy khai sinh), học nghề, hỗ trợ việc làm, học văn hóa và bảo vệ nạn nhân tố giác tội phạm.

Tại Trung tâm, Nhà tạm lánh dành cho nạn nhân (thông qua dự án tại Lào Cai, Hà Nội, TPHCM, Cần Thơ, An Giang), các trường hợp nạn nhân bị mua bán trở về được cung cấp nơi ăn nghỉ, tư vấn tâm lý xã hội và được tiếp cận với các dịch vụ ngoài Trung tâm để học văn hóa, học nghề hoặc khám chữa bệnh theo nhu cầu và khả năng của đối tượng. Các nạn nhân được hưởng các dịch vụ này đạt tỷ lệ cao về hòa nhập cộng đồng.

Tiêu biểu là mô hình Nhà nhân ái tại tỉnh Lào Cai. Mô hình được thành lập theo Quyết định số 1116/QĐ-UBND ngày 5/5/2010 của UBND tỉnh Lào Cai. Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội là đơn vị trực tiếp quản lý Nhà nhân ái, với sự hỗ trợ kinh phí và kỹ thuật từ Tổ chức Vòng tay Thái Bình.

Mô hình Nhà nhân ái tỉnh Lào Cai hỗ trợ nạn nhân theo 5 bước: Tiếp nhận ban đầu; hỗ trợ phục hồi; kết nối các dịch vụ chuẩn bị hòa nhập cộng đồng; đánh giá nhu cầu chuẩn bị chuyển tuyến; giám sát quá trình hòa nhập cộng đồng, chuyển giao và kết thúc. Thời gian nạn nhân lưu trú tại Nhà nhân ái là từ 12 tháng trở lên, đến khi học xong phổ thông, học nghề, có việc làm thì hồi gia.

Sau gần 13 năm triển khai hoạt động, Nhà nhân ái Lào Cai đã tiếp nhận và hỗ trợ cho hơn 200 nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng, gia đình an toàn. Trong đó, 100% được chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh, mua bảo hiểm y tế, được tư vấn giáo dục kỹ năng sống, được học hết văn hóa phỏ thông; 80% được học nghề, có việc làm ổn định; 70% đã xây dựng hạnh phúc gia đình, ổn định cuộc sống; nhiều em đã tự tin trở thành người truyền thông trực tiếp bằng tiếng dân tộc mình trước các phiên chợ vùng cao và tại các trường học.

Ngoài ra, còn có các hoạt động lồng ghép, phòng ngừa và tái hòa nhập cộng đồng tại xã, phường, thị trấn như: Tổ chức các lớp dạy nghề cho phụ nữ, trẻ em thuộc diện hộ nghèo, hỗ trợ tạo việc làm để có mức thu nhập ổn định; hỗ trợ vay tín dụng, cấp phát học phí, học bổng gắn với các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức về phòng, chống mua bán người.

Một kênh hỗ trợ quan trọng khác đã được triển khai thông qua các mô hình do các Dự án quốc tế hỗ trợ về kinh phí và kỹ thuật như: Mô hình “Nhóm tự lực” được thực hiện tại Thanh Hóa, Bắc Giang, Tây Ninh, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình; mô hình “kết hợp hỗ trợ nạn nhân bị mua bán với phòng, chống mại dâm, phòng ngừa lây nhiễm HIV/AIDS” tại Hải Phòng và mô hình “Phòng ngừa phụ nữ có nguy cơ dẫn đến hoạt dộng mại dâm và dự phòng lây nhiễm HIV” tại Đà Nẵng.

Các mô hình này đã được đánh giá cao về tính hiệu quả và thực tiễn. Sự thành công của các mô hình bước đầu đã giúp đỡ được những nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn, thông qua việc sử dụng đồng vốn sinh kế hiệu quả, đem lại thu nhập ổn định cuộc sống, được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ hòa nhập cộng đồng bền vững.

Thành Công

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh