CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:20

Nhà khoa học - Doanh nhân Hoàng Đức Thảo: Vinh quang và nuối tiếc

 

 

Tháng 9 vừa qua Busadco tròn 15 tuổi. Cũng chừng ấy năm ông Hoàng Đức Thảo gắn bó với “ngọn hải đăng” (tên một giải thưởng được trao cho Busadco) này. Dưới tay chèo lái của ông, Busadco từ một doanh nghiệp địa phương không tên tuổi, vốn liếng khởi đầu vỏn vẹn 10 tỷ đồng cùng 34 lao động không có chuyên môn, giờ nổi danh khắp nước là Doanh nghiệp KHCN đầu tiên của Việt Nam với vô số sản phẩm khoa học công nghệ hữu ích trong xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị và nông thôn, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu, doanh thu tăng gấp 43 lần, nộp ngân sách tăng 935 lần và là mái nhà chung của gần 700 lao động thường xuyên chất lượng cao. Cho đến nay, Busadco đã được cấp 94 Bằng độc quyền sáng chế, 194 kiểu dáng công nghiệp và có 17 công trình sản phẩm khoa học công nghệ được Bộ Khoa học và Công nghệ nâng cấp từ tiêu chuẩn cơ sở lên tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN). Còn số lượng giải thưởng, bằng khen, mà Tổng giám đốc Hoàng Đức Thảo nhận được thì nhiều hơn cả số tuổi của ông (ông Thảo sinh năm 1960).

 

 

Sinh năm 1960, ở tuổi 44, ông lần đầu tiên được trao Giải thưởng sáng tạo Khoa học – công nghệ Việt Nam (Vifotec 2004) với sản phẩm “tâm đắc nhất đời mình” là cụm tời nạo vét cống ngầm thoát nước. Sáu năm sau, ông xác lập Kỷ lục Việt Nam “Là người có nhiều công trình đoạt giải Vifotec nhất”. Năm 2016, ông được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và công nghệ. Ngay trong năm tiếp theo, ông xác lập Kỷ lục Thế giới “Là nhà khoa học có nhiều công trình sáng tạo nhất giúp cộng đồng trong lĩnh vực xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị và nông thôn, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu”.

Ấy thế mà trong Lễ kỷ niệm 15 năm thành lập Busadco rộn rã, tưng bừng mới đây, đôi lúc vẫn thấy vị thuyền trưởng đã đưa Busadco cập bến vinh quang thoáng ưu tư, trầm ngâm…

 

 

Thắc mắc với cánh nhân viên Busadco thì họ cười bảo ông “số khổ”, chả mấy khi vui trọn vẹn vì đầu óc lúc nào cũng canh cánh chuyện nghiên cứu, sáng chế sản phẩm mới. Đã vậy, việc càng khó thì Tổng giám đốc của họ càng hăng hái lao vào làm cho bằng được. Ông Thảo cũng mê dầm mưa dãi nắng ở công trường hơn là ngồi bàn giấy. Hoàng Thị Minh Trang, con gái ông kể: “Tôi nhớ hồi mới chuyển về Busadco, mỗi khi trời mưa bố tôi lại khoác áo mưa ra đường, bảo là đi chống ngập úng”. Trong ký ức của cô “luôn in hằn hình ảnh những đôi giày của bố bị mòn đế tróc da do lăn lộn ngoài công trường, những chiếc áo sờn rách cổ vì mồ hôi và bụi bẩn; và cả những đĩa hoa quả gọt vụng của bà nội lo lắng cho đứa con trai ham việc cũng như những ánh mắt trách móc dỗi hờn của mẹ mình khi cha bận việc không về”. Phải chăng  vì vậy mà Minh Trang đã chọn nối nghiệp cha mình! Chuyện của con gái ông là vậy. Còn nỗi ưu tư canh cánh bên lòng của Tổng giám đốc, Anh hùng lao động Hoàng Đức Thảo lại khởi nguồn từ một nguyên do khác. Hoàng Đức Thảo trải lòng: Tôi con nhà nghèo, đông anh em, các anh lớn lại lần lượt đi B (chiến trường miền nam- PV) hết nên học hết lớp 7 phổ thông (tương đương hết cấp 2 – PV)  thì tôi phải nghỉ học”, ông bắt đầu câu chuyện. Một chiều hè, đang tuốt lúa ở sân kho, chàng thanh niên 17 tuổi nghe mấy cậu bạn kháo nhau dưới huyện đang tuyển lớp công nhân kỹ thuật. Nghe hai tiếng “kỹ thuật” ông như bị bỏ bùa “dù lúc đó cũng chẳng rõ sẽ học nghề ngỗng gì”. Kiễng chân cho đủ chiều cao, thêm sỏi vào túi quần cho đủ cân nặng, ông vượt qua vòng tuyển chọn và bắt đầu khóa học hai năm tại Trường Công nhân Kỹ thuật (Bộ Xây dựng) đóng ở Mỏ Chè (Phổ Yên, Bắc Thái). Vừa học nghề, vừa học bổ túc văn hóa hết bậc học phổ thông, ra trường năm 1979, ông khăn gói vào tận Kiên Giang làm thợ sắt cho công ty xây dựng Nhà máy Xi măng Hà Tiên.

Thời ấy Nhà máy Xi măng Hà Tiên thường phải nhập máy cắt sắt của Trung Quốc. “Khổ nỗi cứ hai chục ngày lưỡi cắt lại đứt mà nhà sản xuất nhất định không bán cho lưỡi dự phòng. Mỗi lần như vậy toàn bộ công trình phải dừng lại cả tuần chờ nhập lưỡi cưa về,vừa mất thời gian vừa nhỡ hết công việc. Cánh thợ chúng tôi tức lắm, nghĩ phải có cách gì đó chứ!”, ông Thảo nhớ lại. Vài tháng sau, giải pháp “gông đỡ để giảm lực đẩy trở lại làm đứt lưỡi cắt sắt” – sáng kiến đầu đời của thợ sắt Hoàng Đức Thảo được thử nghiệm thành công, giúp dây chuyền sản xuất của nhà máy được thông suốt. Cũng ngay trong năm đó, các chuyên gia Liên Xô (thuộc đơn vị thiết kế xây dựng nhà máy) đã phải “tâm phục khẩu phục” trước sáng kiến “thay thế cóc-kê ngăn cách giữa hai lớp thép bằng râu thép đầu cọc” của Hoàng Đức Thảo, sáng kiến lập tức được đưa vào sử dụng, trở thành giải pháp rất hữu ích trong quá trình xây dựng nhà máy. Với hai sáng kiến này, Hoàng Đức Thảo được đặc cách nâng lương vượt lên 1 bậc, được nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua tỉnh Kiên Giang, nhận bằng khen của bí thư thứ nhất TW đoàn và Bộ xây dựng, được cử đi tham dự Festival thanh niên tiên tiến toàn quốc  khi mới vừa tròn tuổi đôi mươi (năm 1980).

Được ghi nhận thành tích sáng kiến ngay trong năm đầu tiên đi làm là thế, vậy mà cuối năm 1981, thợ sắt Hoàng Đức Thảo lại được cử đi học trung cấp ngành… kế toán xây dựng cơ bản, và tiếp tục học cử nhân kinh tế. Bước ngoặt này chính là niềm tiếc nuối lớn nhất trong đời ông. “Lúc đó còn trẻ, cho đi học thì cứ đi thôi chứ có suy nghĩ sâu xa gì đâu! Nhưng phải chi tổ chức nhìn ra tố chất sáng tạo khoa học của tôi và cho đi học kỹ thuật thay vì học quản lý thì những năm tháng thanh xuân với sức sáng tạo sung mãn nhất đời tôi đã được dành cho nghiên cứu, sáng chế và chắc chắn tôi sẽ đóng góp được nhiều hơn. Đằng này…”, ông bỏ lửng câu nói vẻ mặt trầm ngâm tiếc nuối! Suốt hơn hai chục năm sau đó, Hoàng Đức Thảo ngập đầu trong công tác quản lý, không có lúc nào ngơi ra để làm khoa học – niềm đam mê duy nhất của ông. Mãi đến năm 2003 về điều hành Busadco, ông Thảo mới có cơ hội quay lại với nghiên cứu, nhưng “lúc ấy cũng ngoài 40 mất rồi, qua thời sung sức mất rồi”, ông lắc đầu! Thế mà chỉ trong 10 năm sau, một “cơn mưa” giải thưởng sáng tạo khoa học - công nghệ trong nước và quốc tế đến với ông: 7 giải thưởng VIFOTEC; 3 giải của WIFO (Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới); 4 giải của SIIF (Tổ chức sáng tạo quốc tế)…     

Câu chuyện của Tổng giám đốc, Anh hùng lao động Hoàng Đức Thảo có lẽ là chuyện chung của không ít người. Đây cũng là bài học quý về dùng người theo năng lực trong công tác cán bộ - một khâu quan trọng quyết định sự phát triển của đất nước. Mỗi cá nhân sẽ đóng góp, cống hiến nhiều hơn cho đất nước, xã hội nếu được giao công việc đúng với khả năng của họ. “Nói nôm na, các đơn vị, tổ chức trong sắp xếp, phân công cán bộ phải thấy rõ tầm quan trọng của bộ tam đúng người, đúng việc, đúng lúc. Không nhìn đâu xa, sự phát triển thần kỳ của Singapore dựa trên ba nguyên tắc căn bản đó là tư duy thực tế, sự trung thực và đặc biệt là triết lý tôn trọng hiền tài của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu – một ưu tiên xuyên suốt của quốc đảo này kể từ khi độc lập”, ông Thảo đúc kết.

Một điều thú vị là bài học của mình ông đem áp dụng triệt để cho Busadco ngay những ngày đầu thành lập. Điều này lý giải vì sao chỉ trong một thời gian ngắn, Busadco trở thành doanh nghiệp khoa học công nghệ đầu tiên trong cả nước phát triển mạnh mẽ, xây dựng nhà máy sản xuất ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam và phủ sóng 48/63 tỉnh thành bằng những sản phẩm mang tính ứng dụng cao trong phát triển hạ tầng đô thị, nông thôn, bảo vệ môi trường. Sau sản phẩm nhà lắp ghép bê tông cốt sắt phi kim cốt để phục vụ người nghèo và bà con vùng chịu ảnh hưởng trực tiếp của thiên tai bão lũ, giờ đây Tổng giám đốc Hoàng Đức Thảo lại say mê với giải pháp công nghệ mang tên “Cấu kiện lắp ghép bảo vệ bờ sông, hồ và đê biển”, thuộc cụm công trình đoạt giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2016 về Khoa học công nghệ của ông và đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng độc quyền sáng chế. Giải pháp này nhằm ứng phó với tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển đang ngày một nguy cấp, có thể nhấn chìm nhà dân, hủy hoại hạ tầng dân sinh và tiềm ẩn nguy cơ vỡ đê ở nhiều nơi trên nước ta bất cứ lúc nào, mà một người con vùng biển (quê Thái Bình, lập nghiệp ở Bà Rịa – Vũng Tàu) như ông vô cùng thấm thía.

 

 

Cách ông Thảo nghiên cứu ứng dụng kè phá sóng bảo vệ bờ và gây bồi tạo bãi cũng thật khác người! trước thực trạng các tỉnh vùng  đồng bằng sông cửu long bị xói lở bờ biển nghiêm trọng do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, Busadco đã tiên phong thực hiện quyết định ứng cứu khẩn cấp của Thủ tướng chính phủ, làm kè bảo vệ đê biển Đông và Tây  Cà Mau ngay trong mùa mưa bão 2018. Tổng giám đốc Hoàng Đức Thảo đã chấp nhận ứng vốn toàn bộ, khi nào làm xong, chứng minh được hiệu quả mới lấy tiền. Không những thế, ông còn cam kết bảo vệ an toàn, chống xói lở bờ đê hiện hữu trong suốt quá trình thi công công trình mới. Khi hai tuyến kè tại Cà Mau hoàn thành sẽ tạo ra một bước đột phá và là một chiến công của nhà khoa học Hoàng Đức Thảo và các cộng sự Busadco trong phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, không chỉ bởi họ đã lao vào nơi không ai dám nhận làm mà còn bởi ý nghĩa của giải pháp này đối với đất nước ta - vốn nằm trong vùng hạ lưu của các con sông lớn, mạng lưới sông ngòi dày đặc, có đường bờ biển dài trên ba nghìn cây số và chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu.  

 “Chúng tôi sẽ tiếp tục theo đuổi những nghiên cứu, sáng chế mang tính ứng dụng cao, đáp ứng những nhu cầu thiết thực và cấp bách trong xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, nông thôn, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu”, Tổng giám đốc Busadco chia sẻ. Với ông, làm khoa học không phải chỉ để thỏa mãn đam mê mà còn phải gắn với cuộc sống, đóng góp cho cộng đồng cũng như giải những bài toán khó cho đất nước. “Khoa học đâu chỉ vị khoa học, khoa học phải hướng tới vị nhân sinh chứ! Phần mình cống hiến cho khoa học đã hơi muộn màng, giờ phải cố gắng đi nhanh để phục vụ cộng đồng được nhiều hơn và sớm ghi tên mình vào dấu ấn quốc gia trên bản đồ khoa học công nghệ môi trường thế giới”, ông cười, nụ cười thân thiện và chân chất như chính những hy sinh thầm lặng của ông trong quá trình nghiên cứu khoa học phục vụ đời sống xã hội.

Rất có thể, một lúc nào đó ông sẽ cảm ơn niềm tiếc nuối lớn nhất đời mình, bởi ở một góc độ khác, niềm tiếc nuối ấy chính là động lực thôi thúc ông tiến nhanh, tiến xa hơn trên con đường nghiên cứu khoa học.

HÀ LAN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh