THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:36

“Vua kè” Hoàng Đức Thảo và những vinh danh sáng tạo

 

Ông Hoàng Đức Thảo (thứ 3 từ phải sang) giới thiệu với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về các sản phẩm của Busadco tại cụm công nghiệp Vũ Quý, Kiến Xương, Thái Bình.

 

Từ công nhân thành “vua sáng chế”

Sinh ra và lớn lên ở quê lúa Thái Bình, trong một gia đình thuần nông có 6 anh chị em với tuổi thơ gian khó, Hoàng Đức Thảo chọn con đường làm thợ. Năm 1979, sau khi tốt nghiệp Trường đào tạo công nhân kỹ thuật số 10 (thuộc Bộ Xây dựng ) tại Phổ Yên Bắc Thái (nay là tỉnh Thái Nguyên), ông vào Kiên Giang, mảnh đất tận cùng của Tổ quốc tham gia xây dựng Nhà máy xi măng Hà Tiên. Đức tính nổi trội ở chàng thanh niên này là chăm chỉ, say mê sáng tạo, có nhiều phát kiến công nghệ độc đáo, anh tự tìm tòi sáng chế phụ tùng thay thế máy xây dựng nhập ngoại. Thời đó, "cây sáng kiến" Hoàng Đức Thảo đã nổi như cồn, mới 20 tuổi đã được Bộ Xây dựng, Trung ương Đoàn TNCSHCM và tỉnh Kiên Giang tặng bằng khen, được bình bầu là thanh niên ưu tú xuất sắc, chiến sĩ thi đua toàn ngành xây dựng tỉnh Kiên Giang và được cấp trên cử đi đào tạo ngành tài chính kế toán.

Sau khi tốt nghiệp trường Tài chính Kế toán, ông Thảo được điều động về làm việc tại Sở Xây dựng Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo. Sắc sảo, thông minh, sớm bộc lộ tư chất người làm quản lý, vài tháng sau, ông được bổ nhiệm làm kế toán trưởng, Phó ban rồi gíam đốc  Ban quản lý dự án sở Xây dựng, Phó ban hạ tầng kỹ thuật trực thuộc tỉnh, giám đốc ban dự án thoát nước và môi trường trực thuộc tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Năm 2003, khi tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thành lập Công ty Thoát nước Đô thị, ông được bổ nhiệm làm giám đốc. Dù đảm nhận công tác tài chính, hay quản lý dự án, nhưng ông Thảo vẫn để lòng, để dạ ở công trường. Cái tâm, cái tình của ông vẫn là những phát kiến "trên những công trình".

Xuất phát điểm là một công nhân, vừa làm vừa học, vừa quản lý doanh nghiệp, vừa nghiên cứu, không phải là nhà khoa học chuyên nghiệp, không sử dụng ngân sách nhà nước và không nhận lương nghiên cứu khoa học, nhưng ông Thảo đã dũng cảm, tiên phong trong sáng tạo và đổi mới khoa học - công nghệ.Những người thường xuyên làm việc cùng ông Thảo đều cho biết, với mỗi công trình mới, dù bận tới đâu, ông cũng giám sát thực hiện từng giai đoạn, xong việc là ra công trường làm cùng anh em. Ông làm việc không kể giờ giấc, đêm ngày. Ngày ông "lăn lộn, bổ nhào" với công việc giấy tờ, những quyết sách quan trọng của công ty, lăn lội, xới xáo công trường. Đêm về lại "trăn trở, vật vã" tìm tòi, mày mò nghiên cứu khoa học. Đến mức người thân tưởng ông bị "tâm bệnh".

 

Anh hùng Lao động Hoàng Đức Thảo, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty thoát nước và phát triển đô thị Bà Rịa - Vũng Tàu (Busadco).

 

Mục sở thị công nhân dầm mình trong dòng nước bùn đen kịt, độc hại, nguy hiểm luôn rình rập, ông nghĩ đến việc phải có một thiết bị nào đó thay thế công nhân dưới lòng cống. Sáng chế  “nạo vét hệ thống cống ngầm đô thị” ra đời. Ngay lập tức công nghệ này "gánh" hết nguy cơ có thể xảy ra với người lao động và tăng năng suất đột biến lên gấp 20 lần.

Thừa thắng xông lên, ông tiếp tục nghiên cứu và sản xuất hệ thống ngăn mùi và hố thu nước mưa kiểu mới. Công trình này đã giải quyết triệt để mùi khí uế nồng nặc bốc lên từ lòng cống… Rồi tiếp tục là hố ga đúc sẵn liên kết mối nối cống - công trình này hóa giải việc lún sụt cục bộ mặt đường (mà dân ta vẫn gọi là “hố tử thần”).

Và lần lượt công trình cống điều tiết triều để súc rửa hoà loãng thoát nước nhanh tại các kênh mương hồ "chết"; bể phốt nông thôn dành cho người nghèo; hào kỹ thuật (tránh được việc đào xới vỉa hè thường thấy ở các đô thị)... ra đời. 

Và Giải thưởng Hồ Chí Minh khẳng định trí tuệ “Madein Vietnam”

Ông Thảo là tác giả của 110 công trình khoa học, sáng tạo đã và đang được ứng dụng rộng rãi, đem lại hiệu quả thiết thực về KT- XH và bảo vệ môi trường. Các sản phẩm KHCN của Busadco được nhiều tổ chức khoa học và tổ chức nghề nghiệp uy tín trong nước, quốc tế đánh giá cao, trao những phần thưởng cao quý.

Ông là người Việt Nam đầu tiên lập 3 kỷ lục Việt Nam về khoa học công nghệ: Người Bà Rịa - Vũng Tàu đầu tiên đoạt giải thưởng sáng tạo khoa học - công nghệ  Việt Nam (VIFOTEC); người Việt Nam có nhiều công trình đoạt giải thưởng trong lĩnh vực sáng tạo VIFOTEC nhất và là người Việt Nam đầu tiên đoạt nhiều giải thưởng nhất của các tổ chức sáng tạo khoa học - công nghệ trên thế giới.Năm 2017, một lần nữa Anh hùng Lao động Hoàng Đức Thảo chinh phục đỉnh cao sáng tạo khi cụm công trình khoa học "Xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, nông thôn, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu" của ông được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh.

 

 

Theo ông Thảo, với Giải thưởng Hồ Chí Minh, Busadco đang khởi đầu cho một sứ mệnh mới bởi sứ mệnh xây dựng, phát triển nông thôn mới, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu đang đòi hỏi đặt ra yêu cầu phải cố gắng nhiều hơn nữa để có được những sản phẩm, giải pháp công nghệ mới đạt chất lượng tốt hơn, giảm giá thành nhiều hơn nhằm phục vụ thiết thực vào đời sống của người dân nói riêng và xã hội nói chung. Các sản phẩm khoa học của ông mang tính ứng dụng cao, phục vụ cộng đồng, dân sinh kể cả người dân nghèo cũng được hưởng lợi. Về nghiên cứu khoa học, ông Thảo bộc bạch: "Thành công của bản thân tôi nói riêng và của Busadco nói chung đã phải trả giá bằng mồ hôi và nước mắt. Từ các ý tưởng đến việc nghiên cứu, triển khai các đề tài khoa học và đưa các sản phẩm khoa học công nghệ ứng dụng thực tiễn cũng như tìm đầu ra cho thị trường là một chặng đường khó khăn, gian khổ".

Đến doanh nghiệp anh hùng

Hơn 30 năm, từ một công nhân, ông đã không ngừng nỗ lực học tập, phấn đấu trở thành nhà quản lý, nhà khoa học xuất sắc, công dân gương mẫu. Kết quả nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ của ông đã đem lại hiệu quả lớn về kinh tế - xã hội và môi trường cho Công ty, cho tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Nguồn chất xám này đã đem lại  hiệu quả thiết thực. 85% doanh thu của Busadco phát sinh từ sản phẩm khoa học - công nghệ, đưa Công ty liên tục trong 15 năm phát triển bất chấp những khó khăn của kinh tế trong nước và quốc tế.

Hơn thế, các sản phẩm khoa học - công nghệ này đã và đang được ứng dụng lan tỏa rộng rãi ở  48/63 tỉnh, thành cả nước, trong đó có 16  tỉnh, thành đã ban hành quy định áp dụng sản phẩm công nghệ Busadco. Đồng thời xuất khẩu công nghệ Busadco sang Malaysia, góp phần xây dựng hình ảnh, thương hiệu khoa học - công nghệ của Việt Nam trên trường quốc tế.

Trên cương vị Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Busadco, nhớ lại ngày đầu thành lập, ông Thảo cho biết: Busadco vốn liếng lúc đó chỉ có 10 tỷ đồng, 32 lao động, trong đó chủ yếu là lao động phổ thông không được đào tạo chuyên môn, không có kỹ sư thoát nước và môi trường. Công nghệ thì lạc hậu, chủ yếu là công cụ thô sơ, dùng sức người nên năng suất lao động rất thấp, lại cực nhọc, nguy hiểm và  độc hại. Nhưng chỉ sau 15 năm, Busadco đã vươn lên trở thành doanh nghiệp có quy mô hàng đầu cả nước trên lĩnh vực cấp thoát nước và phát triển đô thị với lực lượng hùng hậu với hơn 2.000 người. Hàng năm tỷ suất lợi nhuận trên vốn đạt hơn 20%. Hai năm liền được Vietnam Report đánh giá là 1 trong 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhất Việt Nam; Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp & PTNT đánh giá là doanh nghiệp tiên phong trong ngành thoát nước đô thị. Busadco luôn đạt doanh nghiệp loại A về tài chính của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Hiện Busadco đã đầu tư mở rộng xây dựng được nhiều nhà máy công nghệ như: Nhà máy tại Đông Anh - Hà Nội và  Kiến Xương - Thái Bình; nhà máy tại TP.Vinh - Nghệ An; nhà máy tại TP.Nha Trang; nhà máy tại TP. Bà Rịa-Vũng Tàu...

Với những kết quả đó, đơn vị đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.     

GIANG ĐÔNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh