Nhà giáo Ưu tú Phan Bích Hà: Người thắp lửa đam mê nghệ thuật
- Văn hóa - Giải trí
- 17:37 - 02/12/2017
Phó Giáo sư – Tiến sĩ – Nhà giáo ưu tú Phan Bích Hà sinh tại Hà Nội, trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng và điện ảnh. Từ nhỏ Cô đã được truyền ngọn lửa tình yêu với điện ảnh từ người cha của mình. Cô vốn học giỏi và được thừa hưởng truyền thống hiếu học của dân xứ Nghệ - quê nội của Cô.
Phó Giáo sư - TS - Nhà giáo ưu tú Phan Bích Hà - Nguyên Hiệu trưởng Trường ĐA-SK Tp Hồ Chí Minh
Năm 1978, Bích Hà theo học Khoa Lý luận và phê bình Điện ảnh tại Trường Đại học Điện ảnh quốc gia Liên bang Xô Viết Matxcơva. Sau khi tốt nghiệp hạng ưu, với tấm Bằng đỏ, về nước Bích Hà làm công tác giảng dạy ở trường Điện ảnh Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh (nay là Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh TP. Hồ Chí Minh). Cũng từ đó hàng loạt các bài phê bình phim, các công trình nghiên cứu của Cô lần lượt xuất hiện trên các Tạp chí nghiên cứu Văn hóa nghệ thuật và các trang báo Điện ảnh…
Năm 1986, Cô Bích Hà tình nguyện sang Campuchia giảng dạy môn Nghệ thuật học và Điện ảnh cho trường Nghệ thuật quân đội Campuchia. Sau thời gian này, cô được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm Khoa Lý luận phê bình Sân khấu – Điện ảnh. 17 năm sau Cô được nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú. Năm 2006 Cô Bích Hà bảo vệ thành công Luận văn Tiến sĩ với đề tài “Ảnh hưởng của văn học Nghệ thuật truyền thống với phương cách biểu đạt của ngôn ngữ phim truyện Việt Nam”. Tháng 4 năm 2007 Tiến sĩ Phan Bích Hà được bổ nhiệm chức vụ Hiệu trưởng của trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh TP. Hồ Chí Minh.
Nhà giáo ưu tú Phan Bích Hà trên bục giảng
Ngoài trọng trách quản lý với tư cách Hiệu trưởng, Chủ tịch Hội đồng Khoa học nhà trường thì Cô vẫn luôn giảng dạy và làm chủ nhiệm cho nhiều lớp Đạo diễn điện ảnh. Cô còn tham gia giảng dạy cho một số trường như Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Văn hóa, Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội... Với năng lực thẩm định và tư duy sắc sảo thể hiện trong Hội đồng khoa học của nhà trường, Cô còn luôn có mặt trong các Hội đồng “đầu vào” và “đầu ra” của nhà trường và dự lễ tốt nghiệp của các sinh viên đạo diễn, quay phim, diễn viên, thiết kế mỹ thuật, nhiếp ảnh, v.v… Những buổi báo cáo tốt nghiệp của sinh viên luôn được thể hiện bằng những bộ phim ngắn và họ phải bảo vệ trước Hội đồng phản biện của nhà trường. Những buổi lễ tốt nghiệp luôn là những ngày hội Điện ảnh, hội trường đông kín sinh viên. Hàng chục các tác phẩm được lần lượt trình bày và bảo vệ… biết bao tràng vỗ tay, cùng những căng thẳng, hồi hộp và không thiếu nước mắt… Rất nhiều bộ phim được Cô biên tập kịch bản cũng như hướng dẫn Luận văn tốt nghiệp và cũng rất nhiều bộ phim ngắn của sinh viên nhà trường đã đạt các giải thưởng cao trong các Liên hoan phim Quốc gia cũng như trong các Liên hoan phim quốc tế.
Ngoài giảng dạy, Cô Bích Hà còn viết nhiều kịch bản cho điện ảnh và truyền hình. Cô đã dịch hai cuốn tiểu thuyết từ tiếng Nga và được xuất bản. Nhiều cuốn sách của Cô đã được nhà trường sử dụng làm tài liệu tham khảo cho công tác giảng dạy như: “Lịch sử Điện ảnh Việt Nam” (Tập 1) - Tác giả Phan Bích Hà viết chung với 3 tác giả khác. Công trình đạt giải A của Hội Điện ảnh Việt Nam năm 2003. “Hiện thực thứ hai” tập hợp các bài viết về phê bình phim cũng như nhiều vấn đề về điện ảnh đã được Hội Điện ảnh Việt Nam trao giải thưởng năm 2004. Sách “Văn học nghệ thuật và phim truyện Việt Nam”, những vấn đề liên quan đến học thuật đã được trao tặng giải thưởng Cánh diều của Hội Điện ảnh Việt Nam năm 2007 và cùng một số sách khác…
Với những thành quả trong công tác quản lý và chuyên môn, Cô được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba và phong học hàm Phó Giáo sư.
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Phan Bích Hà luôn nhận được tình cản trân quý từ các thế hệ sinh viên
Ngay từ buổi ban đầu và cả bây giờ, khi đã nghỉ công tác quản lý Cô vẫn nhiệt tâm giảng dạy và nghiên cứu, vẫn tiếp tục là người thắp lên những ngọn lửa tình yêu nghệ thuật cho các sinh viên bằng chính tình yêu và tri thức của mình. Có lẽ một trong những động lực tâm huyết của Cô là niềm vui khi nhìn thấy các học trò của mình trưởng thành. Họ sẽ là những đạo diễn, diễn viên, quay phim, họa sĩ thiết kế… với nhiều những tác phẩm và vai diễn xuất sắc để đóng góp cho sự nghiệp điện ảnh nước nhà. Và thực tế đã chứng minh, đại đa số lực lượng nghệ sĩ sáng tác và biểu diễn ở các lĩnh vực sân khấu, điện ảnh, truyền hình của thành phố đều được đào tạo, trui rèn từ chính trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh TP. Hồ Chí Minh. Nơi mà hàng trăm các thầy cô giáo, các giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, các nghệ sĩ tên tuổi… của nhiều thế hệ đã và đang truyền ngọn lửa tình yêu nghệ thuật và tri thức cho các nghệ sĩ tương lai.
Giảng dạy và nghiên cứu, nghiên cứu để rồi giảng dạy cho nhiều thế hệ sinh viên đã gắn bó với Phó Giáo sư – Tiến sĩ – NSƯT Phan Bích Hà như một cái nghiệp, một sứ mệnh cao cả của cuộc đời mình.