Nhà giáo phải là người kết nối người học với doanh nghiệp
- Giáo dục nghề nghiệp
- 13:54 - 04/11/2017
Đến dự buổi lễ có Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Quân; Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề Trương Anh Dũng; Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội Khuất Văn Thành cùng đại diện các đơn vị, các trường liên quan và giáo viên các trường nghề.
Các đại biểu tham dự Lễ kỷ niệm
Báo cáo tại buổi lễ, bà Nguyễn Thanh Nhàn, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cho biết, Hội giảng nhà giáo GDNN TP. Hà Nội năm 2017 diễn ra từ 23 đến 26/10 tại Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội, trường Trung cấp nghề Giao thông Công chính Hà Nội. Hội giảng thực sự có ý nghĩa quan trọng trong việc không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng ngày càng cao yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng nghề của thành phố.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Quân khẳng định, đây là sự kiện quan trọng để tôn vinh những người thầy GDNN có kỹ năng và tâm huyết với nghề. Thực tế nghề giáo trong bối cảnh hiện nay với rất nhiều sóng gió, khó khăn thách thức cùng với sự chuyển biến, chuyển đổi các cơ chế chính sách, áp lực đến từ việc phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, việc đổi mới trong cách mạng công nghiệp 4.0. Đặc biệt, nền kinh tế đang chuyển đổi từ rất nhiều quan điểm quản lý mang tính chất hành chính, phải nâng cao sự tự chủ trong bối cảnh chúng ta mong muốn tạo được nhiều cơ chế chính sách và nhiều nguồn lực nhất để giúp và hỗ trợ cho người học. Bên cạnh đó, mỗi thầy, cô giáo cần phải phát huy được vai trò của mình. Nhưng cũng chính trong bối cảnh đó, rất nhiều thách thức đặt ra đối với những người làm quản lý giáo dục và những người thầy.
"Với việc dạy chữ, dạy kiến thức đã khó nhưng dạy nghề thì còn khó hơn rất nhiều. Bởi vì dạy nghề đòi hỏi người thầy phải rất thạo nghề, chứ không thể ngồi đọc sách tổng hợp rồi xây dựng bài giảng để mang lên lớp cho học sinh được mà phải có nghề. Điều đó rất quan trọng. Do đó những hội thi kỹ năng nghề và nhà giáo phải gắn với môi trường doanh nghiệp, gắn với môi trường thực tế của doanh nghiệp, phải rất hiểu những gì mà doanh nghiệp và xã hội đang cần thì mới có thể đào tạo được những nguồn nhân lực trong giáo dục nghề nghiệp" - Thứ trưởng Lê Quân nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Quân: Các thầy, cô giáo với việc dạy chữ, dạy kiến thức đã khó nhưng dạy nghề thì còn khó hơn rất nhiều.
Thứ trưởng Lê Quân cho biết, GDNN của chúng ta đã có một thời gian dài khó khăn tương tác giữa nhà trường và doanh nghiệp. Các doanh nghiệp chủ yếu có thói quen tuyển dụng và sau đó, nếu cần thì đào tạo lại. Còn việc hợp tác với nhà trường để tổ chức đào tạo gần như rất khó khăn. Mô hình để doanh nghiệp tham gia cùng nhà trường xây dựng nên từ mô tả công việc, đến tiêu chuẩn đầu vào, cho đến tổ chức chương trình đào tạo, tham gia vào quá trình truyền thông tuyển sinh, rồi đến quá trình sử dụng sinh viên và thầy cô giáo trong quá trình thực hành tại doanh nghiệp, sau cùng là sử dụng sinh viên khi tốt nghiệp như các nước tiên tiến đang làm cũng đang còn rất khó khăn.
Vì vậy, GDNN là vô cùng vất vả và người thầy trong GDNN không chỉ giỏi về kỹ năng để truyền đạt cho người học của mình mà phải truyền lửa, truyền đam mê của nghề cho người học. Phải khẳng định đây là điều rất khó khăn. Về phía Bộ LĐ-TB&XH đang triển khai, chỉ đạo rất nhiều hoạt động. Trong đó, Bộ đang trình về qui hoạch lại mạng lưới để không còn tình trạng tràn lan, tập trung tạo cơ chế chính sách để các trường có sự điều chỉnh cao và gắn kết với các doanh nghiệp, cùng đó là đề án đổi mới nâng cao chất lượng nghề nghiệp.
“Chúng ta phải tạo điều kiện rất thuận lợi về cơ chế để nhà giáo gắn với doanh nghiệp nhiều hơn và nhà giáo phải vừa là người giảng dạy để đào tạo nghề cho người học, nhưng cũng là người phải kết nối người học của mình với doanh nghiệp, thị trường lao động và với xã hội”, Thứ trưởng Lê Quân nhấn mạnh.
Kết quả hội giảng 1 giải nhất: Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội. 2 giải nhì: Trường Cao đẳng nghề Việt Nam – Hàn Quốc, Trường Cao đẳng GTVT Trung ương I. 2 giải ba: Trường Cao đẳng nghề cơ điện Hà Nội, Trường trung cấp nghề Cơ khí I Hà Nội. Giải cá nhân: Giải nhất: 13 nhà giáo, giải nhì: 26 nhà giáo, giải ba: 78 nhà giáo, giải khuyến khích: 6 nhà giáo. |