Nhà dưỡng lão tình thương Thanh Bình (Tiền Giang): Nơi cưu mang những cụ già neo đơn
- Pháp luật
- 00:58 - 07/04/2020
Từ Quốc lộ 50 tại xã Mỹ Phong, TP. Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang), đi theo đường huyện 93 thuộc ấp Mỹ Hưng rồi ấp Mỹ Lương (xã Mỹ Phong) khoảng 10 km thì đến đường Lộ đình, rẻ trái khoảng 200 m, qua cầu Trường Xuân A khoảng 500 m là đến Nhà dưỡng lão. Hai bên đường là những ruộng thanh long đang gồng mình dưới cái nắng khá gay gắt. Tuy nhiên khi bước vào khu nhà dưỡng lão, không khí nóng đã dịu hẳn đi. Khu nhà được bao bọc bởi ao cá, có những mương nước xung quanh và trồng rất nhiều hoa, cây ăn trái…
Theo nữ tu Nguyễn Thị Phấn, Trưởng ban điều hành khu nhà dưỡng lão cho biết: Nhà dưỡng lão thành lập theo ý nguyện của Linh mục Nguyễn Văn Khảm, Giám mục Giáo phận Mỹ Tho và được Sở LĐ-TB&XH tỉnh Tiền Giang cấp phép số 42/GCN-SLĐTBXH cho phép thành lập cơ sở Bảo trợ xã hội ngoài công lập.
Nhà dưỡng lão đi vào hoạt động từ tháng 10/2018 đến nay đã được 1 năm rưỡi. Nơi đây nhận chăm sóc và nuôi dưỡng hoàn toàn miễn phí các cụ bà có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không có nơi nương tựa, không tự lo được cuộc sống và không có điều kiện sinh sống tại gia đình.
Toàn khu đất có tổng diện tích đất là 6 công (6000m2) do một giáo dân cho mượn. Hiện tại ở khu đất này đã có 2 cơ sở khác là nhóm trẻ tư thục (hiện đang nghỉ phòng dịch, bệnh) và Phòng khám y học cổ truyền được thành lập từ năm 2017 để phục vụ miễn phí cho bà con nghèo.
Riêng diện tích khu Dưỡng lão có diện tích là 800m2. Có văn phòng, phòng khách, phòng ở cho các nhân viên. Còn có phòng riêng và 2 phòng tập thể, phòng y tế, phòng chăm sóc đặc biệt dành riêng cho các cụ và dãy nhà vệ sinh. Các khu nhà cơm, nhà bếp và kho và sảnh trống được bố trí ở giữa. Sân có nhiều tiểu cảnh, ghế đá để các cụ trò chuyện, dạo chơi…
Đi dọc các khu nhà, chúng tôi nhận thấy tất cả đều sạch sẽ và thoáng mát. Có 12 cụ bà đang sống tại nơi đây. Đa số các cụ đều ngoài 60 tuổi. Trong những căn phòng riêng diện tích khoảng 8m2, có giường ngủ, tủ, bàn. Khu vệ sinh nằm phía sau sạch sẽ. Các cụ ở phòng riêng là những cụ có thể tự chăm sóc. Có 2 phòng chung, mỗi phòng có hơn 10 giường nhưng chỉ có 3 cụ/phòng. Các phòng chung đều có ti vi phục vụ nhu cầu giải trí cho các cụ. Mùa dịch, các cụ được bố trí cách xa giường nhau.
Chúng tôi đến thăm phòng chăm sóc đặc biệt nằm cuối dãy, xung quanh khá thoáng bởi cây cối tỏa bóng mát và mương nước. Phòng chăm sóc đặc biệt được thiết kế khá độc đáo. Phía dưới mỗi giường là bồn vệ sinh, có hệ thống dội nước. Mỗi giường được lót đá, có nắp đậy thông với bồn vệ sinh. Phòng chăm sóc đặc biệt này là các cụ không thể tự đi đứng, phải nhờ hỗ trợ của các chăm sóc viên. Phòng chăm sóc đặc biệt hiện chỉ có 01 cụ. Khá khó khăn chúng tôi mới nghe cụ Nguyễn Thị Vân (65 tuổi) cho biết cụ bị tai biến nên liệt nửa người, không có gia đình riêng, trước đây cụ sống với gia đình em trai ở khu vực Giếng nước (Phường 4, TP. Mỹ Tho).
Toàn khu nhà dưỡng lão có 12 cụ được chăm sóc bởi 3 nữ tu trong đó có 2 người có khá trẻ. Hàng ngày các chăm sóc viên giúp các cụ vệ sinh cá nhân, ăn uống…Một chăm sóc viên cho biết công việc cũng không quá vất vả vì có lẽ vô đây các cụ cùng cảnh ngộ gặp nhau nên vui và khỏe ra. Đa số các cụ không muốn làm phiền nên thường hỗ trợ lẫn nhau. Rất hiếm khi các cụ được người thân đến thăm. Vì vậy, mỗi dịp lễ tết, có khách đến thăm, các cụ rất vui, mặc dù nhiều cụ đã không còn nói rõ và nghe rõ được, một nữ tu cho chúng tôi biết thêm.
Bữa ăn chính hàng ngày được quán ăn Huynh Đệ (Quán ăn 2 ngàn đồng ở đường Trần Hưng Đạo, TP. Mỹ Tho) cung cấp từ thứ 2 đến thứ sáu. Các ngày còn lại và bữa ăn phụ hàng ngày được nấu tại chỗ. Kinh phí hoạt động, thức ăn của cơ sở do nhà hảo tâm tặng.
Hàng ngày các cụ sinh hoạt theo giờ giấc qui định. Sáng thức dậy lúc 5 giờ và ngủ lúc 20 giờ. Ngoài 3 bữa ăn sáng, trưa, chiều, tối, các cụ được ăn thêm bữa phụ thường là sữa, thức ăn nhẹ…Hiện đang mùa dịch bệnh nên thời gian sinh hoạt chung hạn chế, bảo đảm cho các cụ có giờ tập vật lý trị liệu để phục hồi sức khỏe.
Chúng tôi đến vào sau giờ nghỉ trưa, tôi gặp một cụ chống gậy đi dọc hành lang. Cụ cho biết mình vừa thức dậy và ra ngoài vườn chơi. Khi hỏi thăm tên, tuổi, cụ bảo chờ một tí và quay vô phòng lấy tờ giấy đọc họ và tên, tuổi, quê quán…Cụ tên Nguyễn Thị Thao, 85 tuổi, quê ở xã Phú Thuận, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Mời tôi một chai nước ngọt cụ Thao khoe cụ có rất nhiều nước ngọt do khách đến thăm tặng riêng…Nữ tu Nguyễn Thị Phấn cho biết: cụ Tư Thao khi nhớ khi quên nhưng rất hiền và đã khỏe hơn khi mới vào.
"Thủ tục để được nhận vào nhà dưỡng lão cũng đơn giản gồm: đơn xin được cá nhân hoặc người giám hộ viết, người thân hoặc tổ chức có thể cung cấp 1 trong các loại giấy tờ sau: giấy chứng minh nhân dân, giấy xác nhận của địa phương về hoàn cảnh gia đình của cụ già neo đơn, cô đơn hoặc một tổ chức giới thiệu. Tất cả đều không phân biệt tôn giáo.", nữ tu Nguyễn Thị Phấn cho chúng tôi biết thêm.
Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Tiền Giang ông Phan Thanh Vân cho biết: Nhà dưỡng lão tình thương Thanh bình được thành lập được cấp phép hoạt động. Nơi đây đã góp phần cùng ngành LĐ-TB&XH tỉnh chăm sóc người cao tuổi miễn phí rất tốt, chung tay cùng địa phương thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội. Nhà dưỡng lão có đường giao thông thuận lợi, tọa lạc tại một vùng quê thanh bình đúng như tên gọi của nó, rất yên tĩnh và thoáng mát. Xứng đáng là một nơi thích hợp để các cụ có hoàn cảnh khó khăn sống những ngày an vui khi tuổi già.