THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 05:40

Nhà đồi

Theo lời cha tôi thì nhà tôi vốn là nhà mua lại nguyên khung của một người quen ở xã ngoài đưa về "đập đổ, dựng đền" mà nên. Thời điểm ấy là năm 1945. Giặc Nhật đã tràn vào làng chiếm dụng các nhà ngói cây mít của mấy vị chức sắc địa phương cho binh lính ở và làm kho lẫm.

Nhà tôi phải lợp tạm bằng lá cọ, trình tường đất, trước mắt là để tránh cái họa ấy, hạ hồi phân giải. Chẳng ngờ, sự tạm bợ này lại kéo dài suốt mấy cả thập kỷ sau đó.

Hỏa hoạn đã sợ, địch họa còn khủng khiếp không kém. Năm 1949, giặc Pháp từ Trung Hà càn lên làng tôi, bao nhiêu nhà lợp lá cọ đều bị chúng đốt cháy trụi.

Nhà tôi ở xóm khác nên may mắn thoát nạn. Nhưng cái cảnh nhà cháy, tiếng tre, nứa nổ động trời, tiếng người già, con trẻ kêu thét còn trở đi trở lại mãi trong tấm trí tôi.

Thử hình dung xem, những mái nhà lợp lá cọ lâu ngày vốn khô ròn, tự dưng gặp lửa là bén ngay và lây lan cực nhanh, sức mấy dập nổi.

Thật ra, dựng một ngôi nhà đồi cũng đơn giản. Thiết kế và chi phí đều đã được dự liệu bằng kinh nghiệm truyền đời, không cần phác ra giấy trắng, mực đen. Gỗ làm cột, xà trong rừng không thiếu.Nhà đồi

Lá cọ được dùng để lợp nhà

Lá cọ rất sẵn, đặc biệt là cọ gồi. Thợ trèo cọ lành nghề chỉ việc dùng cái đà tre dài trèo lên gồi xuống, một ngày có thể gồi được cả ngàn tàu lành lặn. Cây cọ mỗi tháng đơm cho đời một lá.

Năm cho mười hai lá. Năm nhuận là mười ba. Không hơn. Nhà tôi có hai dãy ngang, gồm nhà cao, tức nhà trên, nơi để bàn thờ, nhà dưới là bếp núc, chuồng gia súc, dãy dọc thì để thóc lúa, cối giã gạo, các dụng cụ nông gia. Xưa, kiểu dựng nhà kín bưng như thế chính là một cách phòng chống trộm cướp.

Nhà trên thường được lợp lá cọ rất dày, gió bão khó mà tốc được mái, hàng nửa thế kỷ sau mới phải thay lá. Tàu nào bị hỏng, xương lá mủn gãy hoặc do chuột bọ quấy phá thì phải gỡ ra, gài vào một tàu mới, khác nào miếng vá bất đắc dĩ.

Động tác này gọi là "dọi" - dọi nhà. Nhà đồi thường gắn với cái cổng mẫn có hai cánh bằng gỗ khá nặng, còn cổng ngoài là một liếp tre gai đan sơ sài cùng với cái cột chống có thể nâng lên hạ xuống dễ dàng.

Cái cảm giác ấm áp giêng hai và mát lành ngày tháng hạ dưới mái nhà lợp lá cọ mới thật lạ. Nhà đồi nền không cần đắp cao. Gió bấc lảng vảng đâu đó. Mưa mùa hè bé xé thành to.

Vừa sớm ra đã thấy mặt trời ẩn hiện dưới tràn ruộng bậc thang nước trong ngăn ngắt. Thú vị làm sao khi quờ tay vớt những đám mù lởn vởn và cả con chim "bắt tép kho cà" ngoài đồi xa chẳng may lạc vào tận buồng ngủ. Nhà đồi tuy thế cũng lắm phiền hà.

Đất đã rời lại pha đất mối lưu cữu, dù đã dùng cuốc băm nát nhào trộn với gio bếp, vồ đập mỏi tay nền nhà vẫn không mịn mặt được, lâu ngày cứ bị nứt nẻ thành những ô to nhỏ, hình thù xấu xí, không thể hàn liền. Dù thế nào thì cũng phải thích nghi.

Cha tôi là người theo cả nho học lẫn Tây học, song ông vẫn giữ được cốt cách của người làng đồi, từ dáng đi không mấy nhàn nhã, toàn thân lúc nào cũng như ném về phía trước đến bữa ăn hàng ngày không thể thiếu đặc sản của đồi như lộc cây chè, lộc cây thành ngạnh chấm tương, củ sắn...

Đi công tác xa, năm nào ông cùng dành trọn mười ngày nghỉ phép năm để về nhà, nhất là dịp Tết Nguyên đán, dù chỉ là ba ngày nghỉ eo hẹp, phải đạp xe hàng trăm cây số đường sơ tán bằng chiếc xe đạp “xét xăng” kiểu Pháp. Ông tranh thủ thời gian để được gần gũi vợ con.Nhà đồi

 

Lúc rảnh rỗi ông lại sờ nắn từng cái cột gỗ để dò mối hoặc sâu đục thân. Ông thường đáp chuyến tàu muộn nhất xuôi Hà Nội, miễn sao kịp giờ làm việc sớm hôm sau. Chiếc xe đạp gần như là tài sản đáng giá nhất của một đời công chức, vậy mà lúc bí tiền sửa nhà ông đã không ngần ngại bán đi.

- Thế hàng ngày đến cơ quan cha đi bộ à? - Tôi phân vân hỏi. 

- Cha không đang tâm nhìn nhà mình bị đổ nát, con ạ! - Cha tôi đáp - Ông bà, cụ kỵ nhà ta đã quen ở đồi, chết cũng không bỏ đồi. Chẳng một ai chê cái nhà lá cọ cả.

Càng nói giọng ông càng trầm xuống. Tôi hiểu vì sao trong nhiều câu chuyện về mai sau bao giờ ông cũng tìm cách trở lại với cái cửa, cái nhà; tuy không nói ra nhưng thâm tâm ông rất muốn một trong những người con trai của ông phải lấy vợ ở quê, đơn giản, ông sợ khi ông xuôi tay nằm xuống, ngôi nhà lá từng gắn bó cả một đời ông sẽ bị bán tháo đi mất! Bởi vậy, có lần ông khuyên tôi:

- Mai này, dù có là gì thì cũng đừng vội quên ngôi nhà của cha mẹ nhé!

Làng tôi bây giờ đã đổi thay nhiều lắm. Như nhiều nhà khác trong làng, ngôi nhà lợp lá cọ ọp ẹp cha tôi gửi lại cũng phải dỡ bỏ để làm nhà mới, bằng bê tông cốt thép, vừa gọn gàng khang trang hơn vừa đỡ mối mọt.

Dường như không ai nghĩ đến việc lưu giữ một ngôi nhà lợp lá cọ như một giá trị văn hóa cần bảo tồn. Đã thế, đồi còn bị san lấp quá tay để mở đường, làm dự án nọ, dự án kia.

Cây cọ bị con người đối xử quá tệ bạc, bị đốn chặt cả gốc một cách vô tội vạ. Hình ảnh quen thuộc "rừng cọ, đồi chè" đang mờ dần.

Còn với tôi, mỗi bận lần giở những trang ký ức gia đình, tôi không khỏi bồi hồi nhớ lại câu chuyện cha tôi kể về một trai làng xa quê lâu ngày bỗng dưng lâm bệnh trọng - bệnh nhớ nhà, không cách gì cứu chữa, nhưng khi được trở lại tổ ấm lợp lá cọ xưa cũ của mình anh ta đã quỳ mọp xuống, rồi lết quanh các gốc cọ, hôn lấy hôn để từ viên sỏi đỏ... phút chốc bao nhiêu bệnh tật tích tụ trong người đều bay biến hết!     

Nhà văn Nguyễn Văn Toại

Ảnh: Nguồn Internet

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh