CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:17

Nhà báo Liên Liên: “Sư dễ dàng không thể hấp dẫn tôi”

 

* Người ta nhắc đến Liên Liên với ấn tượng là một nữ nhà báo luôn xuất hiện trong những đề tài gai góc, nguy hiểm. Gắn bó với mảng điều tra 13 năm, chị có thể chia sẻ làm thế nào để luôn giữ được lửa với nghề? 
- Tôi nghĩ là đam mê. Tôi có niềm đam mê đặc biệt với điều tra, những thứ dễ dàng không đủ hấp dẫn tôi. Tôi mê điều tra y như máu của những con nghiện cờ bạc vậy, chỉ cần tìm kiếm được đề tài hay, bao nhiêu tiền trong túi lúc ấy tôi cũng dốc ra hết để đi làm. Tôi nghĩ, đam mê là thứ thuộc về tự nhiên của con người, như là cần ăn, cần uống vậy, nó xuất phát từ bản năng thôi thúc chứ không phải khái niệm gì sáo rỗng. 
Tuy nhiên, báo chí lại đặc biệt hơn những nghề khác bởi chỉ có thực sự yêu nghề người ta mới theo đuổi được. Cần phân biệt rõ ràng yêu thích và đam mê. Bởi sự yêu thích thường mang cho ta cảm giác vui vẻ, dễ chịu, còn đam mê đòi hỏi mình phải hy sinh, cống hiến rất nhiều. Tôi nghĩ, dù cho phải trải qua những cay đắng, bầm dập mà vẫn bám trụ, vẫn yêu nghề thì đó mới là đam mê thực sự. Có lẽ tôi may mắn khi tìm được mảnh đất điều tra trong nghề, đó là những nơi cần sự xông xáo, những nơi nguy hiểm, những góc khuất, tiêu cực của cuộc sống.
Phóng viên Liên Liên hóa trang lam lũ trong phóng sự “Hoạt động bảo kê tại chợ Long Biên”.
* Khán giả thấy chị quen thuộc với hình ảnh nhà báo nhập vai thành công trong những phóng sự điều tra gây tiếng vang lớn, vậy đã có lần nào chị nhập vai thất bại chưa? 
- Có chứ, tôi phải trả “học phí” trong nhiều vụ điều tra. Người ta thường chỉ nhìn kết quả chứ ít có cơ hội để hiểu được quá trình của những người làm điều tra, đó thật sự là những kinh nghiệm xương máu, những cảm xúc không bao giờ quên trong cuộc đời. 
Đó là một lần tôi nhập vai một cô gái ăn chơi để điều tra về vấn nạn sử dụng ma túy trong các quán karaoke. Bằng mọi cách, cuối cùng tôi đã vào được một phòng hát có người đang sử dụng ma tuý, khi đã ngồi vào ai cũng phải dùng. Cứ 15 phút lại phục vụ một lượt thuốc lắc. Tôi phải giả vờ dùng rồi khéo léo nhè ra. Cho đến khi có thanh niên dí sát “ke” vào mũi thì tôi biết mình khó có thể diễn tiếp được nữa. Mình chưa từng hít thì sẽ bị phát hiện, lộ thân phận ngay lập tức. Lúc ấy, cậu quay phim rất sợ hãi, cứ liên tục nhắn cho tôi phải làm thế nào. Khoảng thời gian phải đưa ra quyết định trở thành áp lực với chính tôi. Tính đi tính lại đến sự an toàn của bản thân và đồng nghiệp trong tình huống quá nguy hiểm như thế, chúng tôi đành phải rút lui trong tiếc nuối và báo với lực lượng chức năng để họ xử lý. Hơn nữa, mua bán, sử dụng, vận chuyển, tàng trữ trái phép ma tuý... đều trái quy định của pháp luật. Tôi luôn tỉnh táo để xác định trong điều tra mình là ai, dù bản thân mình nhập vai để tìm kiếm sự thật nhưng mình không được vi phạm pháp luật. Nếu không thận trọng, mình rất dễ bị mắc cái bẫy do chính mình tạo ra.
Vụ ấy không thể lên sóng tạo hiệu ứng cảnh tỉnh với xã hội như chúng tôi mong muốn nhưng tôi vẫn chấp nhận. 
* Theo chị, tố chất quan trọng nhất mà phóng viên điều tra cần có là gì? 
- Sự nhạy bén trong nghề, yếu tố này vừa là tố chất, vừa là sự tự rèn luyện. Bởi chúng ta thấy chẳng có một giáo trình, sách vở nào dạy chúng ta phải làm gì khi gặp tình huống này, tình huống kia. Không có hoàn cảnh nào giống nhau để áp dụng một lý thuyết chung cho tất cả. 
... Và có lúc chị cũng thật nữ tính, điệu đà. 
Về mặt thông tin, về mặt an toàn cho tác nghiệp phải chuẩn bị rất kỹ, phải dự đoán có những khả năng gì sẽ xảy ra, ai sẽ là người hỗ trợ, phải luôn giữ cho mình một đường lui. Tuy nhiên, người tính không bằng trời tính. Trong điều tra luôn xảy ra những tình huống bất ngờ khi mình ngồi vẽ ra nhưng thực tế nó vẫn đi lệch hướng. Quan trọng là bản thân mình phải luôn bình tĩnh và nhanh nhạy để có thể tự cứu mình. Trong những tình huống “ngàn cân treo sợi tóc”, đầu phải “nảy số” liên tục để biết mình cần làm gì sáng suốt. Chỉ cần mình an toàn, thế nào cũng tìm được ra cách để điều tra. Kể cả mất công sức điều tra đến cả chục lần mà thu thập đủ tư liệu để làm thì vẫn coi là thành công. Nếu liều lĩnh mà thiếu trí tuệ thì tai hoạ có thể ập đến bất cứ lúc nào, cái giá phải trả sẽ rất đắt. 
Đặc biệt, một yếu tố nữa mà tôi luôn nhắc nhở bản thân mình là sự tỉnh táo. Điều này tưởng là rất quen nhưng lại vô cùng quan trọng vì nhà báo điều tra cũng dễ bị rơi vào cảm tính, chủ quan. Trực giác có lúc vẫn có thể sai lầm. Vì thế, trong công việc, tôi hay có những lần “làm lại”. Tôi bắt buộc phải nghi ngờ chính bản thân mình. Hiểu đơn giản như tẩy não vậy, tôi sẽ  giải phóng hoàn toàn bộ nhớ của mình về vụ việc đó rồi quay lại nghiên cứu như mới, cẩn trọng với từng chi tiết, đảm bảo không xảy ra sai sót, sơ hở nào. Có như thế, mức độ “sai số” trong mỗi vụ việc sẽ nhỏ nhất có thể. 
* Mới đây, Liên Liên được đề cử hạng mục "Nhân vật của năm" tại giải VTV Awards 2019, chị có cảm xúc gì?
- Cảm xúc mà nghề mang đến bao giờ cũng rất khó tả. Tôi cảm thấy khá bất ngờ bởi hạng mục được đề cử là nhân vật của năm - một trong những hạng mục quan trọng của VTV Awards. Thú thực là bản thân tôi rất xúc động và hạnh phúc bởi đây như là một sự ghi nhận của đồng nghiệp, khán giả đối với nghề của mình. Đặc biệt niềm tin của tôi khi làm những điều tử tế ngày càng được củng cố, rằng tôi không hề đơn độc, bên cạnh tôi luôn có rất nhiều người dõi theo ủng hộ, đồng hành. 
* 13 năm theo mảng phóng sự điều tra, chị thấy mình được và mất những gì? 
- Những gì đã làm được khiến đam mê của tôi nồng nhiệt hơn. Tôi cảm thấy làm nghề là lúc tôi được sống cho mình, tôi thoả mãn và thăng hoa với những cảm xúc mà nghề báo mang lại. Dù là nước mắt hay nụ cười. 
Tôi “được” thêm cả trách nhiệm, khi nhiều người dân tin mình, tìm đến mình, đề tài và nguồn thông tin của mình cũng ngày càng phong phú hơn. Tôi biết mình có ích và mình đang làm những việc ý nghĩa trong cuộc sống. Mình tìm ra những sự thật dù tiêu cực cũng là để mong muốn hướng tới những điều tốt đẹp.  
Nhưng thực sự cũng khó thể phủ nhận được những gì tôi phải hy sinh, đó là sức khoẻ, nhan sắc, thời gian dành cho gia đình, con cái. Tôi thấy rất nhiều người yêu quý mình, nhưng để lựa chọn ở bên cạnh mình thì không phải ai cũng dám, vì họ sợ bị ảnh hưởng. Điều đó rất dễ hiểu thôi và tôi cũng vui vẻ chấp nhận. 
Tôi có nguyên tắc là không bao giờ chia sẻ với người thân mình đang làm gì. Có những khoảng thời gian tôi đi suốt, cứ tối đến là ra khỏi nhà. Kể cả có lúc mình xuất hiện ở những nơi có người thân của mình tôi cũng không hề tiết lộ. Nhưng may mắn của tôi là mọi thứ vẫn ổn, tôi cảm thấy bình yên khi về nhà sau những giây phút “lăn lộn” bên ngoài. Tôi thấy cuộc sống của mình vẫn cân bằng, thời gian rảnh tôi cắm hoa, múa, đánh đàn và chơi với các con…. Cho đến bây giờ, tôi chưa hề nuối tiếc điều gì khi lựa chọn con đường làm nhà báo điều tra. Tôi hạnh phúc vì biết mình được nhiều hơn mất.
* Cảm ơn chị vì cuộc trò chuyện thú vị này!

 

TRÚC ANH (thực hiện)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh