THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 10:55

Địa chỉ đỏ của báo chí cách mạng Việt Nam

 

Di tích lịch sử quốc gia nơi tổ chức trường dạy làm báo cách mạng đầu tiên được khẳng định trở thành địa chỉ đỏ đối với các thế hệ những người làm báo. Tấm bia di tích đã được dựng và là Di tích cấp quốc gia thứ 49 của ATK Thái Nguyên, là di tích quốc gia thứ 5 liên quan đến lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam (Hội Nhà báo Việt Nam, Báo Nhân Dân, Báo Quân đội nhân dân, Báo Văn nghệ cứu quốc và trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng) tại mảnh đất Thái Nguyên lịch sử. Cách đây tròn 70 năm, ngày 4/4/1949, theo đề nghị của Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trường dạy làm báo được mở ở chiến khu Việt Bắc. Ngôi trường dạy làm báo chuyên nghiệp đầu tiên của nước ta được Bác Hồ đặt theo tên vị lão thành yêu nước, nhà viết báo lâu năm Huỳnh Thúc Kháng. Lớp học đầu tiên diễn ra trong 3 tháng, gồm 42 học viên là cán bộ chính trị, quân sự, báo chí của cả nước gửi về, đã được nhiều đồng chí lãnh đạo giàu kinh nghiệm chính trị và phong phú lý luận, thực tiễn đích thân giảng dạy. Trong số những giảng viên của trường có những tên tuổi lớn của lịch sử Việt Nam như: Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Quốc Việt, Lê Quang Đạo, Tố Hữu, Nguyễn Thành Lê, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng, Xuân Diệu, Nam Cao, Thế Lữ, Nguyễn Tuân, Quang Đạm…
 - Ảnh 1
Tuy chỉ diễn ra trong 3 tháng nhưng các học viên đã lĩnh hội một chương trình kiến thức đồ sộ gồm 3 phần lý thuyết, chuyên môn và thực hành. Đặc biệt quan tâm đến việc dạy và học làm báo tại trường, trong 3 tháng khóa học diễn ra, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hai lần gửi thư động viên, dạy bảo, hướng dẫn nghiệp vụ làm báo cách mạng cho các học viên... Trong thư có đoạn: “Lớp này là lớp học viết báo đầu tiên, tôi mong các chú và các cô thi đua nhau học và hành cho xứng đáng là những người tiên phong trên mặt trận báo chí. Báo chí cũng phải thực hiện khẩu hiệu: Tất cả để chiến thắng!".  Ngày 6/7/1949, trường tổ chức lễ bế giảng, đích thân Bác Hồ đã gửi thư biểu dương và nhắc 4 điểm chính về nhiệm vụ, tôn chỉ, mục đích, đối tượng của mỗi tờ báo, mục tiêu của báo chí. Người nhấn mạnh muốn viết báo thì cần: “Gần gũi quần chúng, còn cứ ngồi trong phòng giấy mà viết thì không thể viết thiết thực; ít nhất phải biết một thứ tiếng nước ngoài, để xem báo nước ngoài và học kinh nghiệm của họ; khi viết xong một bài báo, tự mình phải xem lại ba, bốn lần, sửa chữa lại cẩn thận. Tốt hơn là đưa một người ít văn hoá xem và hỏi họ những câu nào, chữ nào họ không hiểu thì sửa lại cho dễ hiểu; luôn cố gắng học hỏi, luôn cầu tiến…” Những lời dặn dò của Bác Hồ với các học viên trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng đã trở thành cẩm nang cho người làm báo cách mạng, là giáo trình cho mọi giáo trình dạy làm báo cho tới tận ngày nay.
Trong bài viết tổng kết lớp học, cố nhà báo Xuân Thủy đã viết: Sau 3 tháng giảng dạy, 3 tháng học tập, một hòm thư kín trưng cầu ý kiến các học viên đã được đặt ra, 42 lá thư không ký tên đã đến với hòm thư ấy. Nhiều cuộc họp giữa Ban Giám đốc và các học viên đã mở. Sau đây là những nhận xét chung của các học viên đã được đúc rút lại. Về chương trình học, lý thuyết, chuyên môn và thực hành là ba phần của chương trình. Về lý thuyết, báo chí là gì? Lịch sử báo chí thế giới và nước ta ra sao? Người viết báo phải có những điều kiện cần thiết thế nào về kiến thức phổ thông, về lập trường chính trị.
Về chuyên môn, các loại phóng sự, điều tra, phỏng vấn, xã luận, hài hước, châm biếm, biên dịch, cách soạn tin, rồi đến thơ ca, nhạc, kịch, họa, tiểu thuyết, tùy bút… Cách trình bày một tờ báo cho đến cách tổ chức tòa soạn, nhà in, trị sự, những kinh nghiệm nhà nghề đều được nêu ra. Về thực hành, thi viết các loại phóng sự, điều tra, phỏng vấn. Tại lớp học có máy in, có phòng phát tin tức hàng ngày. Nhiều tòa soạn được tổ chức, nhiều tờ báo ra đời, các học viên thi nhau, nội dung hay, hình thức đẹp, đưa bài đến nhà in sớm, sửa chữa, không sai lầm trước khi báo lên khuôn. Chương trình có thể gọi là đầy đủ. Với chương trình ấy, thời gian học tập phải hàng năm, thế mà lại trong vòng ba tháng. Trong lúc ban đầu tuy phạm vi của nó còn bé nhỏ, song trên lịch sử báo chí của nước nhà, nó đã là một lớp đầu tiên để đào tạo cán bộ cầm bút.
 - Ảnh 1
Từ mái trường tranh tre nứa lá giữa đại ngàn Việt Bắc, các học viên của trường đã tỏa về muôn nẻo, có mặt ở những chiến trường ác liệt nhất, những mặt trận nóng bỏng nhất như các nhà báo Thép Mới, Chính Yên, Trần Kiên (nguyên Phó Tổng biên tập Báo Nhân dân), Mai Thanh Hải, Mai Hồ (Báo Cứu quốc), nhà văn Hữu Mai, nhà thơ Hải Như… Không ít trong số họ đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến, đến nay chỉ 4 người còn sống đều ở tuổi trên 90, trong đó có nhà báo Lý Thị Trung, nguyên Tổng biên tập Báo Phụ nữ thủ đô, bà là 1 trong 3 học viên nữ của trường. Chồng bà - ông Vương Như Chiêm cũng là học viên của trường. 
Là học viên nhỏ tuổi nhất tham dự lớp, bà Lý Thị Trung tự hào vì cả 43 người đều thành đạt và đặc biệt không ai bỏ cuộc trong sự nghiệp báo chí. Trong số học viên của lớp có nhiều tên tuổi sau này như: Đạo diễn Bành Châu, đạo diễn Trần Vũ; các nhà văn, nhà thơ: Hữu Mai, Từ Bích Hoàng, Hải Như;  các nhà báo Lý Thị Trung, Mai Cương, Thép Mới,  Trần Kiên,  Mai Thanh Hải... Lớp nhà báo đầu tiên đã đồng cam cộng khổ, vững vàng đi cùng nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng tới thắng lợi cuối cùng. Mong muốn của nhà báo lão thành Lý Thị Trung là mong tìm lại địa danh Bờ Rạ. “Lớp học chúng tôi trước ở Bờ Rạ nhưng nay chìm sâu xuống hồ Núi Cốc. Nên mỗi lần nhắc tới Bờ Rạ, chúng tôi có một cái gì đấy nuối tiếc. Rất mong tỉnh Thái Nguyên có thể xây dựng một bảng tên ở khu vực đó vì đây là lớp học báo đầu tiên Huỳnh Thúc Kháng”, nhà báo Lý Thị Trung bồi hồi xúc động.
 - Ảnh 3Tái hiện lại lớp học trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. 
Có thể nói, trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng là điển hình của cách dạy và học nghiêm túc dù trong hoàn cảnh kháng chiến vô cùng khó khăn. Đội ngũ 43 học viên và 29 giảng viên của trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng chính là những viên gạch đầu tiên đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển và trưởng thành của báo chí cách mạng Việt Nam suốt 70 năm qua. Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập báo Nhân Dân Thuận Hữu nhấn mạnh: “Đây là dấu son trong lịch sử báo chí cách mạng nước ta. Từ dấu son đầu tiên của sự nghiệp đào tạo báo chí tại trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, đến nay chúng ta đã có hơn chục cơ sở đào tạo cán bộ báo chí cho cả 4 loại hình: Báo in, báo phát thanh, báo truyền hình, báo điện tử với trình độ từ cao đẳng tới tiến sĩ. Nếu như năm 1949, mới chỉ có hơn chục tờ báo với khoảng 300 người làm báo thì nay con số tăng lên trên 800 cơ quan báo chí với 50 nghìn người làm báo… ".
70 năm đã qua, song ký ức về trường báo chí cách mạng đầu tiên được Bác Hồ đặt tên là trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng luôn nhắc nhở chúng ta về những giá trị còn mãi với thời gian. Đến nay, dù công nghệ, kỹ thuật làm báo có nhiều đổi thay, nhưng những lời dạy, chỉ bảo cách làm báo của Bác vẫn còn nguyên giá trị với thế hệ nhà báo hôm nay. 
Tiếp nối truyền thống những người đi trước, các nhà báo trẻ hôm nay không những phải giỏi công nghệ, mà còn tinh thông nghề nghiệp, áp dụng thành thạo kỹ thuật mới trong tác nghiệp, tạo sự đột phá lớn cho môi trường báo chí truyền thông hiện đại. Tuy nhiên, sự tác động của công nghệ truyền thông mới đặt ra không ít thách thức cho các nhà báo hôm nay. Do đó, hơn lúc nào hết, mỗi người làm báo phải luôn ghi nhớ những lời dạy bảo ân cần của Người, phải tích cực học tập, rèn luyện, trau dồi kiến thức, đề cao vai trò trong công tác đào tạo báo chí, tất cả vì một nền báo chí chuyên nghiệp.
Nhắc đến ngôi trường mang tên trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng là nhắc tới dấu son và niềm tự hào của bao thế hệ làm báo trong nhiều thập kỷ qua. Lớp dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng chính là viên gạch đầu tiên của Tổng bộ Việt Minh xây nền đắp móng cho báo chí Việt Nam, mở ra kỷ nguyên mới cho lịch sử báo chí Việt Nam.

 

DUY LINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh